Sống khỏe

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Thanh An 30/09/2023 13:03

Bệnh thủy đậu là một bệnh lây nhiễm, nhưng khá lành tính do virus varicella-zoster gây ra và rất dễ lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc.

Những triệu chứng

Theo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì và lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước. Virus gây bệnh bằng cách xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên (miệng, hầu họng) và cũng có thể là đường tiêu hóa, kết mạc mắt nhưng hiếm gặp. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Virus gây bệnh phát triển trong vòng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

benh-thuy-dau-khi-nao-thi-het-lay.jpg
Những con đường lây truyền bệnh thủy đậu

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh, bệnh thủy đậu sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển bên trong cơ thể người nhiễm bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 10-14 ngày, tức là từ lúc nhiễm virus thủy đậu đến khi cơ thể phát bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh không có biểu hiện gì cụ thể nên rất khó để phát hiện.

Giai đoạn phát bệnh là lúc cơ thể bệnh nhân có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Và 1-2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài milimet, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

Giai đoạn toàn phát là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với người nhiễm bệnh thủy đậu. Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các mụn nước hay còn gọi là ban dạng phỏng nước xuất hiện nhanh chóng trong vòng một ngày sau đó. Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh nhưng ở một số ca, ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, có thể hình thành tổn thương ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo, hậu môn và âm đạo.

Giai đoạn phục hồi sẽ xuất hiện từ 7-10 ngày, vảy tiết thường rụng sau 1-3 tuần. Nếu bệnh thủy đậu không có biến chứng thì các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu người bệnh bị nhiễm trùng mụn nước thì sẽ có thể để lại sẹo, đặc biệt nếu bị bội nhiễm, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.

Thông thường, bệnh thủy đậu được biết là một căn bệnh lành tính, người bệnh sẽ khỏi sau một thời gian phát bệnh và rất ít có biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ gặp phải các biến chứng không mong muốn.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, việc tiêm chủng vaccine chống thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định.

20190403_101914_686025_image1_18.max-1800x1800.jpg
Tiêm ngừa vaccine chống thủy đậu là biện pháp phòng ngừa căn bệnh này

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt và thường là không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng 3 ngày bệnh nhân có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu

Riêng ở những người đã bị nhiễm bệnh cần đi gặp bác sĩ để khám bệnh nếu gặp những dấu hiệu như có tiếp xúc người bệnh thủy đậu, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, nổi mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da. Đặc biệt là phát ban lan sang một hoặc cả hai mắt phát ban rất đỏ, ấm hoặc mềm thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn. Hoặc phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, khó thở, run, các cơ mất phối hợp, ho, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao trên 38,9 độ C. Không nên tự ý mua thuốc, tự ý điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thanh An