Chat với chuyên gia

Ứng dụng AI trong kinh doanh số, hạn chế nào phải đối mặt?

N. Tuyết 28/09/2023 17:00

Nhờ có trí tuệ nhân tạo (AI), doanh nghiệp có thể đạt được những lợi ích to lớn và duy trì tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh số. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt và vượt qua những thách thức và hạn chế của nó.

tri-tue-nhan-tao-la-gi-5-1200x900.jpg

* Xin hỏi, những lợi ích AI sẽ mang lại khi doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh số?

- Chuyên viên Học viện Kinh doanh số và thực chiến - BIT Academy: AI mang lại rất nhiều lợi ích cụ thể.

Thứ nhất: Dự đoán và phân tích dữ liệu. AI hỗ trợ xử lý hàng triệu tệp dữ liệu lớn và phức tạp một cách nhanh chóng và chính xác. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc dự đoán nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng của khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Thứ hai: Tối ưu hóa quy trình và hiệu suất. AI có khả năng tự động hóa nhiều nhiệm vụ từ phân tích dữ liệu đến quản lý hàng tồn kho và vận hành sản xuất. Điều này giúp giảm chi phí, cải thiện hiệu suất làm việc, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Thứ ba: Hỗ trợ khách hàng 24/7. Hệ thống khuyến nghị hay chatbot hỗ trợ trả lời tự động liên tục, tiết kiệm thời gian chờ đợi của khách hàng. Từ đó giúp nâng cao trải nghiệm của người mua.

Thứ tư: Phát triển sản phẩm và dịch vụ. AI có thể phân tích phản hồi khách hàng và dữ liệu thị trường để đưa ra gợi ý về việc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, hoặc cải thiện sản phẩm hiện có.

Thứ năm: Bảo mật và phát hiện rủi ro. AI giúp doanh nghiệp theo dõi và phát hiện các hoạt động bất thường trong hệ thống để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các mối đe dọa an ninh và rủi ro.

Thứ sáu: Phân đoạn thị trường và tiếp thị cá nhân hóa. AI có khả năng phân loại thị trường và tạo nội dung tiếp thị cá nhân hóa dựa trên thông tin và hành vi của từng khách hàng, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như sự trung thành với thương hiệu, sản phẩm hay tổ chức.

* Xin cho biết, một số ứng dụng cụ thể của AI trong kinh doanh số?

- Chuyên viên Học viện Kinh doanh số và thực chiến - BIT Academy: AI có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh để tăng hiệu suất công việc. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của AI mà bạn có thể tham khảo:

Trợ lý cá nhân: Google Assistant, Amazon Alexa và Apple Siri đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. AI hỗ trợ con người trong việc tìm kiếm thông tin, quản lý lịch trình và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Phát hiện gian lận: AI có khả năng phân tích và so sánh tới hàng triệu giao dịch để tìm ra đâu là hành vi gian lận và hành vi hợp pháp, để tiến hành biện pháp đảm bảo các hoạt động giao dịch là hoàn toàn minh bạch và hợp pháp.

Quảng cáo và tiếp thị: Bao gồm các hoạt động quảng cáo trực tuyến, email marketing và gửi thư trực tiếp… đến các nhóm khách hàng một cách cá nhân hóa dựa trên hành vi tiêu dùng, sở thích và nhu cầu của họ.

An ninh mạng: AI có khả năng phát hiện ra tệp chứa phần mềm độc hại và đảm bảo bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.

Dịch vụ khách hàng: Thông qua hệ thống tự động trả lời câu hỏi (chatbot), khách hàng sử dụng AI sẽ được hỗ trợ xử lý ngôn ngữ tự nhiên một cách nhanh chóng.

* Ứng dụng AI cần lưu ý gì?

Chuyên viên Học viện Kinh doanh số và thực chiến - BIT Academy: AI mang lại nhiều lợi ích trong kinh doanh số, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế: thông tin có thể bị sai lệch, AI cần có một lượng dữ liệu lớn và chất lượng để hoạt động hiệu quả, nếu dữ liệu không đủ hay chưa chính xác thì rất có thể cho ra kết quả sai hoặc không đáng tin cậy.

Nguy cơ bảo mật và quyền riêng tư: Nếu các hệ thống AI không được quản lý nghiêm ngặt, chúng có thể tiết lộ thông tin cá nhân gây mất quyền riêng tư và có thể gây ra hậu quả khó lường.

Thiếu khả năng tư duy như con người: Vì AI dựa vào thuật toán và dữ liệu để ra quyết định, không có khả năng tư duy và cảm nhận như con người. Điều này làm cho AI không thể giải quyết một số vấn đề phức tạp và đa chiều tốt như con người.

N. Tuyết