Nguồn nhân lực

Tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch

PV 27/09/2023 10:11

Nhiều trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn.

vi-mach.png

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực tế, trong đó phân bổ tập trung nhiều nhất tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là đặt trong chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 55.000 nhân lực chất lượng cao cho công nghệ vi mạch, vì vậy trước tiên tập trung vào nhóm các trường đại học có thế mạnh như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội... để đào tạo.

Để giải bài toán nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn, nhiều trường cho rằng cần phải có chiến lược tầm quốc gia, ưu tiên đầu tư cho các trường trọng điểm, có thế mạnh về lĩnh vực trên và hợp tác với các doanh nghiệp.

Chính phủ đã giao Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch, nhưng đến nay vẫn chưa có. Trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng, hiện chỉ có một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thiếu thực hành thực tế, thiếu liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực.

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch.

Trong 4 khâu của chuỗi cung ứng (thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm tra vi mạch, chế tạo thiết bị), có thể thấy Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chip trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch.

Nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn, do đó Việt Nam phải phát triển công nghiệp vi mạch bằng chính nội lực để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. Và muốn phát triển công nghệ vi mạch thì đầu tiên là phải đào tạo nhân lực và có chiến lược tầm quốc gia.

PV