Chuyên đề

Quản trị gen Z, dễ hay khó?

Lữ Ý Nhi-Tâm An - K.Ngọc 27/09/2023 11:00

Mệt mỏi khi phải tương tác với nhân viên gen Z thiếu kỷ luật, thích chống đối, thiếu kỹ năng, ảo tưởng vào bản thân, thiếu kiên nhẫn và cố chấp, ích kỷ, hời hợt với những cam kết lâu dài… là những từ dành cho gen Z (hay thế hệ Z). Sự thật, gen Z có đúng như vậy không, điểm tích cực của gen Z là gì? Doanh nghiệp làm thế nào để cùng làm việc với gen Z hiệu quả?

toa-dam-dung-thay.jpg
Tọa đàm bàn tròn “Quản trị gen Z, dễ hay khó?” diễn ra sáng 20/9/2023 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức bàn luận về chủ đề này

Góc nhìn khác về gen Z

Theo Bruce Tulgan - người sáng lập Công ty Rainmaker Thinking, gen Z (những người sinh năm 1997-2012) chiếm 30% dân số thế giới và sẽ thu hút 27% lực lượng lao động vào năm 2025.

Tại tọa đàm, hầu hết nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định gen Z là một thế hệ vàng vì họ rất trẻ, tài năng, năng động và thừa khả năng tư duy sáng tạo. Tuy nhiên ở họ, nhiều đặc điểm khiến các nhà quản trị “đau đầu” vì cái tôi quá cao và nhiều cá tính khác.

my-loan.jpg
Bà Dương Thị Mỹ Loan

Là người tiếp xúc và đồng hành rất nhiều với các bạn gen Z, bà Dương Thị Mỹ Loan - Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Dương Trí Luật nhận định, mặc dù các bạn rất tài năng, nhanh nhẹn nhưng lại thiếu sự điềm tĩnh và cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định. Thời đại công nghệ nên các bạn sống trên mạng ảo quá nhiều, không thực tế và mơ hồ “phóng đại” năng lực của mình với những công việc 200-300 triệu đồng nhưng năng lực không tới…

Founder, CEO Công nghệ sơn Valenta Đinh Thị Mỹ Bình cho rằng, gen Z đang “cố gắng gồng mình để trở thành một người lớn”, thế nhưng “các bạn cần nghĩ ít thôi mà phải hành động nhiều”.

dang.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Đăng

Cho rằng ở gen Z có những đặc tính chung của người lao động hoặc là của nguồn nhân lực với các đặc tính riêng, bà Nguyễn Thị Minh Đăng - Tổng giám đốc Công ty CP Koro phân tích, đặc tính chung của gen Z vẫn nằm trong nền giáo dục chung nhưng thiếu sót về giáo dục cách làm việc, vì khi ra trường, các bạn chỉ hiểu về tính chuyên môn của ngành đó, nhưng vẫn chưa hiểu mối quan hệ lao động khi đi làm là gì. Nếu so với thế hệ ngày xưa chỉ có một vài sự lựa chọn thì hiện nay các bạn gen Z có nhiều sự lựa chọn hơn. Các bạn có thể nhận công việc ngoài giờ mà không cần một công việc cố định. Vì vậy, thiếu tầm nhìn và sự gắn kết lâu dài, dễ thay đổi nếu các bạn cảm thấy công ty này không còn tốt với mình nữa.

Cũng vì thế hệ gen Z tiếp xúc với công nghệ nhiều nên nảy sinh rất nhiều nền tảng khiến các bạn gen Z bị nông và không có độ sâu, thiếu kinh nghiệm thực tế trong chuyên môn. Các bạn cũng khó chịu được áp lực, thời điểm Covid-19 đã quen với tập tính làm việc ở nhà nên các bạn đi làm ở công ty thường có tâm trạng thờ ơ, dễ chán, ông Đặng Hữu Sơn - CEO Công ty LovinBot, cựu Marketing Manager tại FPT Telecom chia sẻ.

nhut.jpg
Ông Nguyễn Quang Nhựt

Ở góc nhìn có vẻ “thiếu tích cực” nhất về gen Z, ông Nguyễn Quang Nhựt - Giám đốc Công ty CP Quảng cáo Shojiki không đánh giá cao gen Z, ông cho rằng cái tệ của các bạn gen Z là suy nghĩ chưa sâu sắc, ít suy nghĩ cho người khác và chỉ quan tâm đến cái riêng. Ví dụ, đang họp thì gửi tin liên tục hay các bạn có thể đổi công việc thoải mái. Khi giao các bạn gặp gỡ đối tác lớn thì chúng tôi chưa dám và còn e dè, mất rất nhiều thời gian để đào tạo vì các gen Z hay bộc phát, thiếu nhẫn nại và thiếu kỹ năng giao tiếp khi làm việc với các đối tác cấp cao.

Phân tích vì sao gen Z lại hình thành những tính cách này, TS. Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Công ty TNHH Wisdom Agency cho rằng, không phủ nhận sự thật là các bạn trẻ gen Z ngày nay ít tuân theo mệnh lệnh và những truyền thống hơn những thế hệ trước. Điều này có phần đúng khi gán ghép các bạn với giả định của những cái tôi to.

ts-minh.jpg
TS. Nguyễn Hải Minh

“Về khía cạnh xã hội, tôi thấy Việt Nam những năm gần đây cũng du nhập những khái niệm chưa phù hợp và truyền đạt đến giới trẻ một cách khá chóng vánh. Hãy tin vào chính mình. Chẳng phải chúng ta vẫn nói điều này với chính mình, với nhân viên công ty của mình và với những người trẻ suốt hay sao? Vậy thì trách cớ gì khi yêu cầu của chúng ta khi đưa ra lại gặp phải chính những rào cản này từ gen Z? Chẳng phải gen Z cũng chỉ đang tuân theo những chỉ dạy của thế hệ đi trước còn gì - những chỉ dạy của việc xem trọng cái tôi”, TS. Nguyễn Hải Minh cho biết.

Tuy nhiên, gen Z lại là người đi đầu trong việc “sáng tạo” ra những phương thức giao tiếp hiệu quả trên mạng và biến điểm này thành lợi thế cạnh tranh.

Quản trị gen Z thế nào?

Theo bà Dương Thị Mỹ Loan: “Để quản lý các bạn gen Z cần có tấm lòng bao dung, thấu hiểu năng lực của mỗi người và đặc biệt phải bố trí công việc một cách rõ ràng cụ thể. Khi muốn tuyển dụng gen Z, đầu tiên cần phải khai vấn về năng lực, tính cách, sở trường và ngay cả chính con người của các bạn phải được tìm hiểu hết. Từ đó có thể sắp xếp họ vào vị trí cho phù hợp, ngoài vấn đề khai vấn còn phải kiểm chứng trên nghiệp vụ, kiểm tra tránh trường hợp tuyển vào có những tranh cãi dẫn đến các hệ lụy không đáng có. Suy cho cùng, quản trị tất cả phụ thuộc vào lãnh đạo, người lãnh đạo phải có kiến thức, có sự thấu hiểu và đồng cảm, bao dung.

anh-son.jpg
Ông Đặng Hữu Sơn

Với đặc thù sinh ra vào thế hệ công nghệ số phát triển nên ông Đặng Hữu Sơn cho rằng, để quản trị gen Z, các doanh nghiệp cũng phải giỏi công nghệ để giao việc và quản lý công việc cũng như quản trị gen Z. Giám đốc nhân sự phải làm sao truyền những điều hay cho cấp trung làm việc một cách hiệu quả với các anh chị em cấp dưới. Phải biết truyền thông bên ngoài và tiếp đến mới là câu chuyện về nhân sự. Nếu công ty không đủ tốt hoặc năng lực của gen Z vượt xa trình độ của công ty thì các bạn chắc chắn sẽ nhảy việc.

Để gắn kết gen Z, bà Minh Đăng cho rằng phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp, ngay từ đầu khi tuyển dụng nhân sự thì phải có những chương trình hỗ trợ cho các bạn và muốn giữ các bạn lâu dài thì doanh nghiệp phải tạo ra môi trường làm việc tốt nhất. Và trong công ty nên có những quy ước để các bạn không sai phạm.

my-binh.jpg
Bà Đinh Thị Mỹ Bình

Không chỉ đòi hỏi nhân viên thay đổi mà người lãnh đạo cũng phải thay đổi để hòa kịp với gen Z. Bà Đinh Thị Mỹ Bình nói: “Quản trị con người rất khó, không có thế hệ nào dễ cho nên đòi hỏi mình phải luôn học và học quản trị con người trước khi học bất cứ điều gì. Làm gương sẽ truyền cảm hứng đến nhân viên cấp dưới. Nếu người ở trên là người đúng đắn tự khắc các nhân viên sẽ muốn đồng hành và gắn bó lâu dài. Và dùng cách hành xử của nhà quản lý là “cây gậy và củ cà rốt” cứ để cho các bạn sai đi, có sai thì mới có sửa…

Đồng tình với bà Bình, TS. Nguyễn Hải Minh nói: “Nhân sự gen Z ngày nay biết nhiều và có nhiều cơ hội hơn, nên chúng ta, những người chủ doanh nghiệp, chẳng thể kỳ vọng các bạn gắn bó với cái ao nhỏ của mình nếu các bạn chẳng nhìn thấy cơ hội học tập và phát triển gì thêm ở đấy. Thế nên, đừng quan tâm đến chuyện gắn bó nữa, hay quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển. Và chừng nào cơ hội phát triển còn, khả năng gắn bó sẽ còn.

Doanh nghiệp cũng cần xác định rõ vai trò của những vị trí công việc phù hợp. Qua rồi cái thời mọi nhân sự đều là nhân sự toàn thời gian và đều phải lên văn phòng đủ số ngày trong tuần. Mô hình doanh nghiệp mới là sự phối trộn của các loại hình nhân sự khác nhau bao gồm toàn thời gian, bán thời gian, nhân sự theo dự án, nhân sự tự do, nhân sự thuê ngoài, mà ở đó gen Z - những bạn trẻ và yêu thích sự đa dạng - có vẻ thích hợp với những cách thức hợp tác sau này hơn.

56656.jpg
Biểu đồ quản lý thời gian của gen Z

Tiếng nói của gen Z

Phương Thảo - nhân viên Sales & Marketing Công ty Valenta cho biết: “Thực ra thế hệ nào, cá nhân nào cũng đều có tính cách và cách tiếp nhận thông tin riêng biệt. Gen Z được xem là thế hệ đặc biệt do được sinh ra và lớn lên trong thời đại kinh tế phát triển, công nghệ hiện đại, nên việc tiếp nhận tri thức và thông tin được thực hiện từ rất sớm, thông qua nhiều nguồn kênh. Gen Z có môi trường để phát triển một cách thoải mái nhất, được tự do thể hiện cá tính và thế mạnh của mình. Gen Z được nhận xét là hơi bướng bỉnh và cái tôi quá cao, khó hòa nhập. Cũng có một phần đúng, vì gen Z có phần thẳng thắn hơn, luôn sẵn sàng nêu ý kiến trong các tình huống. Quan điểm cá nhân luôn được đề cao và cái tôi được sử dụng trong các buổi tranh luận. Điều này tạo ra sự khác biệt và có vẻ hơi khó bảo”.

phuong-thao.jpg
Phương Thảo

Tuy nhiên, gen Z cũng là “những đứa trẻ mới lớn”, là “những đứa con non nớt của gia đình”. Gen Z chưa có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm như thế hệ đi trước nên điềm tĩnh là phẩm chất cần được rèn giũa mỗi ngày. Những đứa trẻ đó thực ra chỉ cần sự đồng cảm và thấu hiểu. Chỉ cần sự mở lòng từ đồng nghiệp, từ sếp, thì với một tâm thế cởi mở và sẵn sàng tiếp thu điều mới, gen Z không hề khó hòa nhập chút nào. Vậy quản trị gen Z, khó hay dễ?

Theo bạn Khánh Vân sinh năm 2000, gen Z là một thế hệ khá “độc đáo”, đang dần tràn vào thị trường việc làm với những hương vị cực kỳ khác biệt. Nhân sự gen Z thường có một vài đặc điểm thích phá vỡ nguyên tắc. Gen Z được sinh ra và lớn lên ở thời đại phát triển, do đó có phần mạnh mẽ và mạo hiểm hơn các thế hệ trước, gen Z không ngần ngại phá vỡ những luật lệ mặc định trước đó. Tuy nhiên, ưu điểm là có thể tạo ra những đột phá bất ngờ, những ý tưởng sáng tạo, khác lạ và thậm chí là những giải pháp quan trọng để có thể xử lý công việc hiệu quả hơn.

khanh-van.jpg
Khánh Vân

Gen Z rất quan tâm đến chế độ lương thưởng, phụ cấp. Đối với các thế hệ trước, thường chú trọng hơn vào những công việc mang tính chất ổn định và lâu dài. Ngược lại, gen Z luôn cảm thấy bức bối, khó chịu khi phải làm một công việc lặp đi lặp lại. Họ xem đó như là một sự gò bó về thời gian và không gian. Do đó, xu hướng của nhân sự gen Z hiện nay rất sáng tạo và thích sự thử thách. Công việc càng di chuyển nhiều, phải lên kế hoạch, hoặc tham gia các dự án… có thể khiến họ cảm thấy hứng khởi hơn. Thế hệ gen Z nhàm chán với công việc lặp đi lặp lại 8 tiếng/ngày, nhưng đối với những công việc mang lại sự mới mẻ, hứng khởi, sẵn sàng làm thêm giờ và đối mặt với thử thách, với những công việc áp lực hơn. Tuy nhiên, để gen Z có được sự thoải mái và tự do phát huy, họ cũng mong muốn nhận lại được những giá trị tương xứng với công sức đã cống hiến, do đó họ có xu hướng chú trọng nhiều vào những khoản lương và phụ cấp là thế.

Do là thế hệ trẻ nên gen Z có nhiều góc nhìn hơn trong công việc, cộng với sự giúp sức mạnh mẽ từ mạng Internet, khi sẽ đánh giá một vấn đề nào đó ở mọi khía cạnh. Gen Z sẽ dễ dàng tạo ra những đột phá nếu doanh nghiệp lắng nghe và cho họ cơ hội được đóng góp và xây dựng ý tưởng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đưa ra những lời góp ý tốt hơn, mang tính xây dựng, các bạn gen Z sẽ sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu. Vì dù gì, họ cũng chỉ là những cô cậu mới lớn trong xã hội này thôi mà, đúng không?

Ngoài ra, gen Z không ngần ngại chia sẻ ý kiến cá nhân mang tính xây dựng trong công việc để được giải quyết nhanh nhất, tối ưu nhất có thể.

Bà Đinh Thị Mỹ Bình - Giám đốc Công ty CP Sản xuất sơn Hà Nội (Valenta): Hãy tìm những người có thể mang đến hoặc nhìn độc đáo và không giống nhà lãnh đạo - là bạn. Nhân tố bất ngờ đó chính là gen Z. Quản lý con người ở thế hệ nào cũng đều khó nên với gen Z khó là lẽ đương nhiên. Hãy bao dung và bắt đầu bằng cách làm gương. Gen Z sẽ chấp nhận và chuyển hóa mạnh mẽ nhờ bạn và vì bạn.

Bà Nguyễn Thị Minh Đăng - Tổng giám đốc Công ty CP Koro: Nhiều người đau đầu về vấn đề quản trị nhân sự gen Z, nhưng giải pháp sẽ là “hãy để vấn đề tự giải quyết”. Khi gen Z được hỗ trợ để nhận ra và tháo gỡ những niềm tin giới hạn của mình trong công việc “đây không phải là việc mình muốn làm” thì gen Z sẽ làm việc một cách chủ động, tự giác, trách nhiệm và tuân thủ.

Ông Đặng Hữu Sơn - Founder, CEO Công ty LovinBot: Nguyên tắc của mình khi làm việc với gen Z là “dùng sở trường, hạn chế sở đoản”. Sở trường gen Z là thế hệ thành thạo công nghệ, sáng tạo, nhưng sở đoản là yếu kỹ năng mềm và làm việc theo cảm xúc. Do đó, ngoài môi trường làm việc phù hợp, thì nhất thiết phải áp dụng các phần mềm quản lý công việc. Điều này sẽ giúp các bạn nắm rõ nhiệm vụ, hiểu và tuân thủ quy trình làm việc, có không gian sáng tạo, có thể đo lường kết quả, từ đó có cơ chế động viên, khen ngợi kịp thời.

Lữ Ý Nhi-Tâm An - K.Ngọc