Liên kết để thích nghi và phát triển trong công tác tuyên truyền
Ngày 26/9/2023, Khối thi đua 5 tổ chức hội thảo chuyên đề “Chia sẻ những cách làm hay trong công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả thực hiện đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo có phần tham luận từ các đơn vị báo chí, đài tiếng nói, đài truyền hình, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.
Từ định hướng của nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đồng chủ trì hội thảo, các đại biểu đã tập trung phát biểu, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh công tác tuyên truyền cũng như đưa ra các giải pháp để công tác tuyên truyền các phong trào thi đua sáng tạo trong thời gian tới đạt hiệu quả cao.
Theo nhà báo Kiều Phong - Phó trưởng Ban Chính trị - Xã hội của Báo Sài Gòn Giải Phóng, hằng năm, Báo Sài Gòn Giải Phóng đều yêu cầu các phòng, ban chuyên môn lên kế hoạch cụ thể trong tuyên truyền các phong trào thi đua sáng tạo của TP.HCM. Trong đó, nhiều phong trào mà Báo Sài Gòn Giải Phóng có kế hoạch tuyên truyền ngay từ thời điểm khởi động, tái khởi động.
Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng có rất nhiều chương trình, giải thưởng hướng đến cộng đồng, nhằm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.
Với việc tuyên truyền về Nghị quyết 98 của Quốc hội, bước đầu, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có sự chủ động, tính toán thực hiện tuyên truyền phù hợp ở từng giai đoạn (lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội…); tuyên truyền đậm về các nội dung mới của Nghị quyết 98 sau khi được Quốc hội thông qua.
Việc Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15”, với sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM, của một số tỉnh, một số lãnh đạo bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98, giúp nắm bắt tình hình thực tế của thành phố, từ đó có sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành, tạo điều kiện để thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98.
“Ở các giải thưởng do báo tổ chức hoặc đồng tổ chức, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã chủ động tham gia ngay từ việc lên kế hoạch, tiếp nhận hồ sơ, chấm vòng loại đến vòng chung khảo. Ở mỗi khâu của giải thưởng, báo đều triển khai tin, bài đăng tải trên các trang của báo như báo in, báo điện tử. Để lan tỏa mạnh mẽ các gương đạt giải, phóng viên của báo đã tiếp cận từng hồ sơ, gặp trực tiếp từng cá nhân để lắng nghe, tìm hiểu về các sáng kiến, cải tiến, từ đó có góc nhìn mới cho công tác tuyên truyền”, nhà báo Kiều Phong chia sẻ.
Còn theo nhà báo Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, phong trào thi đua sáng tạo ngày càng được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, đẩy mạnh.
“Sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, tập thể, mỗi ngành nghề, lĩnh vực, trong mỗi người dân… là vô tận”, nhà báo Vân Anh nhấn mạnh. Đồng thời, nhà báo Vân Anh cũng cho rằng, vấn đề là làm sao để khơi gợi, phát huy sức sáng tạo ấy để đóng góp cho quá trình phát triển của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung.
“Từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy, để công tác tuyên truyền được tốt thì ở mỗi phong trào thi đua phát động, các cơ quan truyền thông đều nhập cuộc để thông tin, lan tỏa rầm rộ, kịp thời. Không chỉ báo in, báo hình, báo nói mà cả trên các nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí bằng nhiều hình thức sinh động”, nhà báo Vân Anh nêu quan điểm.
Ông Ngô Xuân Lộc - Phó tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, không chỉ tập trung thể hiện vai trò của cơ quan truyền thông qua các hoạt động bề nổi với định vị là đơn vị truyền thông kết nối sâu với cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước thông qua chương trình 9thMonthly B2B được tổ chức hằng tháng, đơn vị còn thực hiện chuỗi hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, định hướng “thương đức - thương tài” cho sinh viên cao đẳng, đại học đam mê kinh doanh thông qua Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can. Không chỉ vậy, phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp… cũng được đơn vị tâm huyết phát động đến doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.
“Không chỉ tạo sân chơi, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, kết nối đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM, tăng thêm cơ hội phát triển kinh doanh thương mại, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn còn vinh danh những doanh nhân truyền cảm hứng trong sản xuất - kinh doanh cũng như cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hằng năm”, ông Lộc cho biết.
Đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đơn vị có nhiều cách tuyên truyền đề án đến đối tượng là hội, đoàn, doanh nhân, doanh nghiệp, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể thông qua nhiều phương tiện như gửi thư điện tử, nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… để đưa nội dung đề án đến gần hơn với từng đối tượng và nhận được sự hưởng ứng tích cực.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cũng xây dựng nội dung, tiêu chuẩn khen thưởng phù hợp với từng đối tượng để tạo động lực thúc đẩy thi đua.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các đề án, phong trào thi đua sáng tạo của TP.HCM.
“Trong từng tờ báo có rất nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới, nếu cùng nhau hợp lại thì đó là công trình sáng tạo. Liên kết lại để cùng có giải pháp phát triển trong tương lai, để thích nghi và phát triển ngay cả trong khó khăn”, nhà báo Phạm Trường - Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh.
Còn Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - nhà báo Vân Anh cho biết, các cơ quan báo chí trong Khối thi đua 5 cần có sự liên kết để sáng tạo ngay cả trong công tác tuyên truyền. Cũng theo nhà báo Vân Anh, chất lượng quyết định mọi vấn đề, kể cả công tác tuyên truyền, do đó cần phải có giải pháp để nâng chất lượng sản phẩm tham dự các giải thưởng, các phong trào của thành phố, như vậy công tác tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn.
“Bên cạnh tuyên truyền, tôn vinh, biểu dương các công trình, đề án tham dự các giải thưởng, phong trào thi đua của thành phố, để công tác tuyên truyền được nâng chất, các cơ quan truyền thông cũng cần góp ý trước những điều còn băn khoăn”, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM góp ý thêm.
Phát biểu kết luận hội thảo, nhà báo Tô Đình Tuân cho biết, hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến tham luận, trao đổi cho thấy công tác truyền thông cũng như công tác sau mặt báo của các đơn vị trong khối có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới sáng tạo để thích ứng với tình hình và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Nhà báo Tô Đình Tuân cũng nhận định, các cơ quan trong khối đã có sự kết nối, tương tác rất lớn trong công tác truyền thông đối với các phong trào thi đua sáng tạo của TP.HCM nói riêng và nhiều nhiệm vụ khác nói chung. Trong thời gian qua, Khối thi đua 5 có sự phân công, phân nhiệm chặt chẽ trong tuyên truyền để tạo sự lan toả mạnh mẽ, động viên mọi người thi đua sáng tạo, góp phần xây dựng TP.HCM.