Bệnh đậu mùa khỉ: Những triệu chứng và biện pháp phòng ngừa
Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật, có thể lây truyền từ động vật sang người, đồng thời cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 3 con đường lây truyền virus đậu mùa khỉ: lây từ người sang người, lây từ động vật nhiễm bệnh sang người và lây do tiếp xúc với các vật có chứa virus bệnh.
Cụ thể, virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương (vết cắn hoặc vết xước) của động vật mang virus; ăn thịt chưa nấu chín kỹ, cũng như sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh; hoặc từ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào đồ vật bị ô nhiễm.
Ở người, virus lây truyền trong quá trình tiếp xúc gần người nhiễm bệnh, thông qua dịch thể, các tổn thương ở da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, nhưng virus không thể văng xa.
Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 5-21 ngày và quá trình nhiễm bệnh được chia làm hai giai đoạn với các triệu chứng như sau:
Giai đoạn virus xâm nhập kéo dài 5 ngày đầu tiên, khiến cho người bệnh có các triệu chứng như sốt, nhức đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, nhức mỏi toàn thân, ớn lạnh, hạch bạch huyết sưng lên và dẫn đến suy nhược cơ thể. Đây là giai đoạn dễ nhận biết bệnh đậu mùa khỉ trước các bệnh đậu mùa thông thường. Bởi trong giai đoạn này, bệnh đậu mùa khỉ sẽ khiến các hạch bạch huyết sưng lên, trong khi ở bệnh đậu mùa thông thường thì không có triệu chứng này.
Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện từ 1-3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương chứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).
Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi chuyển biến nặng nhưng tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn với một số đối tượng có sức khỏe yếu, đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị tiểu đường hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Đặc biệt, tình trạng bệnh còn nguy hiểm hơn đối với trẻ nhỏ và người thiếu hụt miễn dịch cơ bản, thậm chí khả năng tử vong cũng cao hơn. Tỷ lệ tử vong trong thời gian gần đây đối với nhóm bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ là khoảng từ 3-6%.
Biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Tuy bệnh đậu mùa khỉ được đánh giá là căn bệnh dễ lây lan nhưng hoàn toàn có khả năng kiểm soát và phòng ngừa. Theo các chuyên gia, virus đậu mùa khỉ không phải là mới, các phương thức lây nhiễm và những kiến thức về nó đã được phổ biến.
Dù vậy, bệnh đậu mùa khỉ vẫn là một căn bệnh nguy hiểm cần có biện pháp phòng ngừa hợp lý, cũng như phương pháp điều trị đúng cách khi không may nhiễm bệnh.
Khi có những biểu hiện bất thường nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân nên tự cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời tự liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn trực tiếp trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
Với những người chưa nhiễm bệnh thì cần tránh tiếp xúc với những người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần phải đảm bảo phòng hộ để tránh nhiễm khuẩn chéo. Với những trường hợp cần tiếp xúc trực tiếp để chăm sóc người bệnh thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh. Đồng thời cần sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc có thể tiếp xúc với các trường hợp có dấu hiệu của bệnh.
Nếu nghi ngờ nơi sinh sống có người nhiễm bệnh, cần thường xuyên thực hiện vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ virus còn tồn tại trên bề mặt và có điều kiện tốt để lây nhiễm sang người lành.
Bên cạnh đó, không nên tiếp xúc với những loại động vật có nguy cơ nhiễm virus đầu mùa khỉ như động vật bị chết, động vật đang bị bệnh, chó đồng, khỉ và một số loại động vật gặm nhấm khác hoặc người bệnh có tiền sử mắc bệnh.
Thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay bằng việc rửa tay bằng xà phòng, cồn, chất khử trùng cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Vì thế, nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi tiếp xúc với đối tượng có nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Khi sử dụng các loại thịt động vật, cần lưu ý phải đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn khi chế biến cũng như thức ăn phải được nấu chín. Không nên sử dụng các loại thịt tái có thể tăng cao nguy mắc bệnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 25/9/2023 cho biết, đơn vị này đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tạm trú tại TP.HCM. Một người tiếp xúc gần với bệnh nhân này cũng đã được xác định nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Cụ thể, ngày 22/9/2023, một bệnh nhân nam, 25 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ. Bệnh nhân đang cách ly điều trị.
Ngay lập tức, HCDC đã triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý và phát hiện đã có 8 người tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh. Trong 8 người này có 1 người là bạn của bệnh nhân hiện cư trú tại tỉnh Bình Dương. Người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.
Những người tiếp xúc gần cư trú tại TP.HCM đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc gần này hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.