Đại học khởi nghiệp: Giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Dù đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhưng việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+, người chủ trì nghiên cứu đề án đại học khởi nghiệp cho rằng: “Chỉ có trường đại học mới huy động được nguồn lực ổn định, lâu dài để phát triển doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ĐMST mạnh mẽ”.
* Thưa ông, ông nhận định thế nào về hiện trạng phát triển DN khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam hiện nay?
- Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết và giải pháp nhằm phát triển DN khởi nghiệp ĐMST, như Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2016 phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”; Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, trong đó có các hoạt động thành lập Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC); xây dựng trung tâm ươm tạo, khởi nghiệp tại các địa phương và các trường đại học, cao đẳng…
Nghị quyết của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 phát triển 5.000 DN khởi nghiệp ĐMST, nhưng đến nay đã gần 8 năm, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước chỉ có khoảng 4.000 DN khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, TP.HCM có khoảng 2.000 DN loại hình này. Như vậy, việc phát triển DN khởi nghiệp ĐMST chưa được như kỳ vọng. Vậy đâu sẽ là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển DN và DN khởi nghiệp ĐMST? Nguồn lực từ đâu để phát triển các loại hình DN, quan trọng nhất là nguồn lực đó cần ổn định, lâu dài, chất lượng cao? Thực tiễn trên thế giới cũng như tại Việt Nam những năm qua cho thấy, trường đại học là nơi đáp ứng tốt nhất các điều kiện này.
* Như vậy có nghĩa rằng, tại một số nước, trường đại học chính là cái nôi tạo ra những DN khởi nghiệp ĐMST…
- Đúng vậy. Theo Tạp chí Forbes của Mỹ, tính đến năm 2014, Trường Đại học MIT đã thành lập trên 30.200 DN khởi nghiệp ĐMST, tạo ra 4,6 triệu việc làm và tổng doanh thu từ những DN này trên 1.900 tỷ USD/năm. Ở Israel, Mỹ, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh; có đến 80-85% DN khởi nghiệp ĐMST đều xuất phát từ các trường đại học. DN khởi nghiệp ĐMST tạo ra doanh số “khủng” và lợi nhuận rất cao. Những công ty với doanh số hàng nghìn tỷ USD/năm như Amazon, Apple, Microsoft, Tesla, Facebook… đều là những DN khởi nghiệp ĐMST.
* Vậy tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam thì sao, thưa ông? Ông có thể phân tích cụ thể từ trường hợp một số trường đại học hiện hữu đang có những lợi thế nhưng do chưa triển khai mô hình đại học khởi nghiệp nên chưa khai thác hết khả năng vốn tri thức và gia tăng giá trị?
- Theo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có 238 trường đại học, học viện và 412 trường cao đẳng. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, thành phố có 58 trường đại học, học viện, phân hiệu đại học và 62 trường cao đẳng.
Trường Đại học Y Dược TP.HCM hiện có 1.066 giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Nhưng trong ba năm từ 2020-2022, trường này chỉ có vài bằng sáng chế. Đây là con số quá ít so với số lượng yêu cầu, cũng như so với số lượng các nhà trí thức của trường. Các trường đại học đang có số sinh viên rất lớn như Trường Đại học Bách Khoa (khoảng 26.000) hay Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (trên 34.000), là nguồn nhân lực dồi dào cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Thực tiễn cho thấy, có thực trạng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, khi làm việc tại DN phải đào tạo lại vài ba năm trở lên mới thạo việc. Trong khi đó, với hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học như Đại học MIT, nhà trường luôn sản sinh ra mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, đáp ứng cho việc thành lập DN khởi nghiệp ĐMST. Sinh viên ra trường là làm việc tại công ty được ngay.
* Với đề án đại học khởi nghiệp mà ông chủ trì nghiên cứu, chắc sẽ giải quyết được những điều mà ông vừa chia sẻ?
- Đại học khởi nghiệp là một trường đại học có thể tạo ra DN ĐMST nhiều nhất có thể, là DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn chỉnh, chất lượng trong trường đại học chính là nguồn lực quan trọng để nuôi dưỡng, sản xuất, hình thành DN khởi nghiệp ĐMST. Trường đại học là nơi có thể kết hợp các nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mang lại hiệu quả cao nhất, như nhà trường (bao gồm thầy cô, sinh viên), các tổ chức trực thuộc là trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp, câu lạc bộ mentor, câu lạc bộ cựu sinh viên, doanh nghiệp, quỹ đầu tư...
Do đó, cần thiết phải có sự ra đời của mô hình đại học khởi nghiệp là vì vậy.
Ngày 16/9/2023, tại Hội nghị chuyên đề Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố khuyến khích các trường đại học thành lập trung tâm ĐMST, trung tâm R&D. Có thể những trung tâm này của trường đại học hoặc của thành phố đặt tại trường. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đặt vấn đề cần thành lập trung tâm ĐMST quốc gia tại một số trường đại học ở TP.HCM.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: “Nếu trường nào nhận việc này, lãnh đạo TP.HCM sẽ đồng hành cùng thực hiện vai trò ĐMST. Với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm phát triển TP.HCM, các trường đại học có thể liên kết nguồn tài chính với ngân sách của thành phố để thực hiện”.
Trên cơ sở đề án đại học khởi nghiệp do ông Đặng Đức Thành chủ trì nghiên cứu và trình bày tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã thống nhất đề xuất chọn 5-6 trường đại học tập trung xây dựng điểm “đại học khởi nghiệp”. Có thể chọn một số trường công lập và trường ngoài công lập đủ tiềm năng để làm điểm trước.