Góc chuyên gia

Kinh tế xanh là lựa chọn sống còn

Phan Thế Hải 25/09/2023 06:00

Sống ở Hà Nội, nhưng mỗi năm tôi có nhiều chuyến bay vào TP.HCM. Khi cơ trưởng thông báo: “Máy bay đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh”, tôi thường phóng tầm mắt nhìn qua cửa sổ, thấy đất trời phương Nam hiện lên thân thương với biết bao kỷ niệm. Thời gian qua, thành phố có sự chuyển biến từ màu xanh sang màu nâu rất rõ. Mỗi năm lại thêm nhiều.

5345435435.jpg

Sau khi hạ cánh, rời sân bay là gặp ngay cảnh kẹt xe với khói bụi bủa vây. Hai bên đường Cộng Hòa với phố xá dày đặc, hiếm hoi lắm mấy thấy những cây xanh ít ỏi ở khu K300 thuộc quận Tân Bình.

Tôi từng bị kẹt trong thành phố lúc Covid-19 hoành hành. Khi đó, cả đô thị vắng vẻ vì phong tỏa, nhưng không vậy mà kém phần ngột ngạt.

Nhưng rồi sự phát triển quá nóng tạo ra nhiều bất cập. Dân nhập cư về quá đông, cùng với đó là sự buông lỏng trong quản lý đô thị, khiến thành phố như một tổ ong khổng lồ. Thiếu chung cư đạt chuẩn, người dân đua nhau mua đất phân lô xây nhà tự phát. Song song với tăng dân số cơ học là việc hình thành những con hẻm sâu hun hút, rồi hẻm trong hẻm, rối như trận đồ bát quái.

Sự mọc lên tự phát của các khu dân cư là nguyên nhân dẫn đến ách tắc trong khâu cấp thoát nước. Những căn nhà tự phát thường thiếu hệ thống thu gom, chưa nói đến xử lý nước thải. Hơn hai chục năm về trước, thành phố đã triển khai dự án vệ sinh môi trường ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho nạo vét bùn, lắp đặt tuyến cống chạy dọc ven bờ và trạm bơm xử lý nước thải. Từ đó hình thành hai tuyến đường bên bờ kênh là Hoàng Sa và Trường Sa ngăn nắp, sạch sẽ, luôn rợp bóng cây như ngày nay.

Nhìn lại lịch sử, nhiều thành phố lớn trên thế giới từng trải qua thời kỳ đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường và không gian sống. Bài học cho thấy, phát triển bền vững và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, là lựa chọn sống còn. Dẫu vậy, chuyển đổi từ một thành phố nâu sang xanh, thường không đơn giản trong ngày một ngày hai. Sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giảm bớt khí thải carbon, nhưng giá cả vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Người dân thành phố vẫn giữ thói quen chạy xe xăng. Tỷ lệ xe điện thấp. Người đi xe buýt có xu hướng giảm dù được trợ giá. Việc cải tạo những khu phố cũ đã xuống cấp vẫn là một vấn đề lớn. Cùng với đó là thị trường tiêu dùng xanh còn nhỏ, công nghệ và tính liên kết còn yếu. Lĩnh vực tái chế chất thải đã hình thành, nhưng vướng giấy phép và tính pháp lý.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố ý thức rõ rằng mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống đã không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, thành phố cần chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, đó là tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững. Thành phố đang hành động mạnh mẽ cho những mục tiêu này.

Theo các chuyên gia, trong chiến lược về tăng trưởng xanh, TP.HCM cần tiên phong phát triển một số ngành như chuyển đổi số, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, quy hoạch đô thị, công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án để trở thành trung tâm tài chính của khu vực lẫn quốc tế, trong đó luôn đi đầu về phát triển và thử nghiệm sản phẩm mới, nhất là sản phẩm xanh.

1321134.jpg

Phó thủ tướng Lê Minh Khái từng bày tỏ: “Có thể nói, TP.HCM là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh và tuần hoàn, nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Nhưng TP.HCM đang đối mặt với vấn đề phát thải khí nhà kính rất lớn, khoảng 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước”.

Thành phố đặt mục tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%. Cùng với đó là mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên ở Cần Giờ và Củ Chi. Các quận, huyện, ngành cũng phải dành nhiều quỹ đất hơn cho cây xanh, theo đúng Luật Quy hoạch và các tiêu chuẩn, tiêu chí hiện hành.

Chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh là chiến lược lớn, nếu chỉ nói về lý thuyết sẽ không đủ. Nhà nước nên tăng cường và đa dạng hóa dòng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên ngân sách để thu hút và phát triển các dự án hướng đến giải quyết vấn đề môi trường.

Nhìn vào xu hướng trên thế giới có thể khẳng định, kinh tế xanh là lựa chọn sống còn nếu chúng ta không muốn tụt lại phía sau so với các nước láng giềng. Quan trọng hơn, kinh tế xanh góp phần kiến tạo những đô thị thông minh, sạch sẽ, thông thoáng, nơi con người sống chan hòa với tự nhiên.

Phan Thế Hải