Tổng hợp tin doanh nhân tuần 17-23/9/2023
CEO Yeah1 đặt mục tiêu đưa tập đoàn thành đơn vị sản xuất nội dung hàng đầu; nhà sáng lập Minh Hồng Biotech khởi nghiệp ở độ tuổi U60 từ rác thải sinh hoạt… là các tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.
Ông Phan Tử Giang làm Phó tổng giám đốc Petrovietnam
Theo quyết định của HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bổ nhiệm có thời hạn ông Phan Tử Giang - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs) giữ chức Phó tổng giám đốc Petrovietnam. Được biết, ông Phan Tử Giang là người có nhiều năm gắn bó trong ngành dầu khí, trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành, đặc biệt đã luôn trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tới các đơn vị khó khăn như DQS, PETROCONs. Đây cũng là cơ sở để tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tập đoàn tin tưởng giao trọng trách mới cho Phó tổng giám đốc Phan Tử Giang.
CEO Yeah1 đặt mục tiêu đưa tập đoàn trở thành đơn vị sản xuất nội dung hàng đầu
Ngày 18/9/2023, bà Ngô Thị Vân Hạnh chính thức trở thành tân CEO Tập đoàn Yeah1 theo công bố. Theo đó, bà được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc thay cho ông Đào Phúc Trí - người đã giữ vị trí CEO trong suốt 12 năm của Công ty CP Tập đoàn Yeah1. Là một nữ doanh nhân giàu kinh nghiệm và thâm niên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, bà Hạnh gia nhập Yeah1 từ tháng 2/2023 với vai trò phát triển mảng nội dung cao cấp như các chương trình truyền hình thực tế. Trước khi vào Yeah1, bà Hạnh đã công tác Tập đoàn Truyền thông Đất Việt, Tập đoàn Truyền thông Cát Tiên Sa và Tổng giám đốc Công ty CP Tổ hợp Truyền thông STV. Trên cương vị CEO của Yeah1, bà Ngô Thị Vân Hạnh cùng các thành viên HĐQT đã định hướng chiến lược phát triển và mục tiêu xây dựng Yeah1 trở thành đơn vị sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng số một tại Việt Nam và vươn ra thị trường toàn cầu. Cơ sở của chiến lược này dựa trên những điểm mạnh vốn có của Yeah1 và phát triển bổ sung những điểm chưa làm được với tôn chỉ “Content is king” trở thành kim chỉ nam, giá trị cốt lõi để xây dựng nên những chương trình thành công lẫn các phim truyền hình trong thời gian tới.
Nhà sáng lập Minh Hồng Biotech khởi nghiệp ở độ tuổi U60 từ rác thải sinh hoạt
Chợt nhận ra ý tưởng khởi nghiệp từ rác thải từ một sự cố xe chở rác vào năm 2011 tại khu dân cư mình sinh sống, bà Trịnh Thị Hồng đã tự thu gom rác thải từ rau củ thừa, vỏ trái cây, thậm chí cả hoa cúng rằm để nghiên cứu các dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Đến năm 2016, sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà Hồng đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân địa phương. Từ đó, bà thành lập Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng (Minh Hồng Biotech) để tiến hành bao tiêu sản phẩm từ các nguồn chế phẩm thu được từ các hộ gia đình. Từ nguồn rác thải rau củ được ủ lên men, trải qua quy trình xử lý, Minh Hồng Biotech đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm chủ đạo, gồm nước rửa bát, nước lau sàn và nước giặt xả. Các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nên không gây kích ứng với người dùng, đồng thời phân hủy tới 99,4% nếu thải ra môi trường, trong khi giá rẻ hơn 1,5-9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện tại, Minh Hồng Biotech thông qua các đại lý phân phối, triển khai mô hình thu mua bao bì để tái sử dụng. Từ nguồn phế liệu này, nếu còn đủ chất lượng sẽ được Minh Hồng Biotech tái sử dụng; trong khi phần kém hơn sẽ được tặng lại cho Hội Phụ nữ phường Hòa Minh để bán đi gây quỹ.
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà: Tình trạng máy bay nằm chờ sửa chữa do thiếu linh kiện thay thế
Trong khuôn khổ Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19-21/9/2023, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhận định việc thiếu các linh kiện thay thế khiến Vietnam Airlines rơi vào tình thế khó khăn, một số linh kiện để sản xuất ra phải mất từ một năm trở lên. Điều này dẫn đến việc các máy bay phải "nằm chờ" được sửa chữa vì máy bay không thể bay nếu không có động cơ. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng thiết bị bảo dưỡng cho công tác khai thác, an toàn bay cùng với sự thiếu hụt nhân lực trong ngành hàng không sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là chi phí kiếm phụ tùng thay thế hiện nay cho các động cơ cao gấp 2-3 lần so với trước đại dịch. Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Lê Hồng Hà các hãng hàng không cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu. Dự báo nhu cầu chính xác là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng hết hàng hoặc tồn kho quá mức; triển khai các mô hình dự báo mạnh mẽ và sử dụng dữ liệu thời gian thực có thể giúp cải thiện độ chính xác. Đồng thời, giữa các hãng bay với nhà cung cấp dịch vụ có thể tăng cường liên lạc và phối hợp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Thay vì giao máy bay mới, các nhà sản xuất nên hỗ trợ các hãng hàng không đảm bảo hoạt động của các máy bay hiện tại có đầy đủ động cơ và phụ tùng thay thế.
Giám đốc Khối Ngân hàng số Sacombank: Gen Z là thế hệ khách hàng tiềm năng trong công cuộc chuyển đổi số
Theo nhận định của ông Trần Thái Bình - Giám đốc Khối Ngân hàng số Sacombank, trong quá trình chuyển đổi số của Sacombank, tiếng nói của gen Z đang được Sacombank quan tâm và lắng nghe bởi đây là thế hệ khách hàng tiềm năng, sẽ sớm trở thành những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng. Theo đó, ông Bình cho biết thêm, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, bất cứ ai cũng có thể thấy rằng, người dân nhìn chung ngày càng quen sử dụng các thiết bị thông minh. Ở khía cạnh tài chính, sau đại dịch Covid-19, xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến. Điều đó đồng nghĩa Sacombank cần thúc đẩy hơn nữa việc thay đổi tư duy thiết kế sản phẩm dịch vụ, đầu tư nhiều hơn cho nền tảng công nghệ sao cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế số, phù hợp với trải nghiệm của từng phân khúc khách hàng và cũng là phù hợp với thế hệ khách hàng gen Z tiềm năng. Bằng việc xây dựng đội ngũ phục vụ công cuộc chuyển đổi số tại Sacombank không chỉ gồm các nhân sự cơ hữu mà còn có các chuyên gia, đối tác có trình độ công nghệ cao, giàu kinh nghiệm quản lý dự án. Trong đội ngũ đó, tỷ lệ gen Z chiếm khoảng 20-30%, Sacombank tin rằng họ đang trẻ hóa tư duy số, thấu hiểu rõ hơn tâm lý, hành vi của thế hệ khách hàng thuộc thời đại số thông qua việc học hỏi các mô hình thực tế tại các ngân hàng trên thế giới đã thành công trong việc chuyển đổi số.