Sự kiện kinh tế

Để Cần Giờ thành địa phương xanh tiên phong

Hồng Nga 22/09/2023 06:00

Thực hiện mục tiêu Net Zero, TP.HCM sẽ xây dựng Cần Giờ thành địa phương xanh tiên phong, đi trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Nhiều cơ hội thuận lợi

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, để ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu, kẹt xe, môi trường... TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.

Để thực hiện quyết tâm trên, thành phố đã nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

can-gio(1).jpeg
Cần Giờ sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế

“Thành phố sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, Cần Giờ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu này. Cách trung tâm thành phố khoảng 50km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM giáp biển, có rừng phòng hộ và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Huyện đảo này có diện tích 70.445ha, chiếm 1/3 diện tích TP.HCM, với gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Hiện Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với TP.HCM mà cả vùng và quốc gia. Cụ thể, TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm của miền Nam, đầu mối kinh tế lớn. Vì thế, nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ đại diện TP.HCM kết nối với Vũng Tàu và các địa phương trong hành lang ven biển và nối ra thế giới. Trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Thời gian qua, trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, TP.HCM đã có định hướng phát triển Cần Giờ thành trung tâm kinh tế hàng hải và đô thị dịch vụ du lịch, thông qua 2 dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị lấn biển.

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng nêu rõ, trong các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố có danh mục đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Theo TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, Cần Giờ có thể định hướng triển khai 3 ngành khả thi là du lịch biển, kinh tế hàng hải (mà gốc là cảng biển) và năng lượng tái tạo. Nơi đây đang có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm những mô hình kinh tế mới cho phát triển xanh, bền vững. Cần quyết tâm chính trị để đưa Cần Giờ từng bước theo mô hình của Cù lao Chàm (Quảng Nam) là không có nhựa, khu lấn biển không có nhựa và xanh.

Giải pháp như thế nào?

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, để thực hiện mục tiêu đưa Cần Giờ thành địa phương xanh tiên phong, đi trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế, thành phố định hướng đầu tư xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, trong đó các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Song song đó, TP.HCM xây dựng Cần Giờ thành điểm đến du lịch không thải rác nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ...

dien-gio-2.jpeg
Điện gió ngoài khơi là một là trong những nguồn năng lượng xanh cần được triển khai tại Cần Giờ

Hiện thực hóa mục tiêu này, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với quan điểm phát triển cảng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác để nơi đây trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Cùng với đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp với nhau để cùng xây dựng Cần Giờ xanh. Cụ thể, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình du lịch sinh thái, kết hợp trải nghiệm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất triển khai điện áp mái ở các cơ quan công sở và các bãi muối... Trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng chương trình hành động cho Cần Giờ xanh, triển khai đề án phát triển kinh tế biển cho Cần Giờ theo hướng xanh và bền vững.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Cần Giờ cần triển khai nhanh hai đề án cảng trung chuyển quốc tế và khu đô thị lấn biển. Điều này sẽ làm đòn bẩy, đánh thức tiềm năng, phát triển toàn diện của địa phương.

Theo đó, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là hạt nhân quan trọng, mang tính chất quyết định tương lai phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ và cả thành phố. Trung tâm kinh tế hàng hải Cần Giờ sẽ được phát triển theo mô hình khu mậu dịch tự do gồm trung tâm cảng biển nước sâu, trung tâm logistics và trung tâm dịch vụ hỗ trợ.

Ở góc độ khác, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần áp dụng mô hình “làng TOD - phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng” cho Cần Giờ. Theo đó, các làng nông thôn phải được quy hoạch theo hướng kết nối giao thông công cộng và giao thông xanh (không phát khí thải) trong tương lai, không để tự do hay tự phát phương tiện dẫn đến quá tải và khó quản lý như các nơi khác.

“Địa phương cần có phương án chuyển dần sang sử dụng các phương tiện giao thông không phát khí thải trên huyện đảo và kết nối với TP.HCM trên đất liền ngay từ bây giờ. Cần Giờ nhất định phải làm theo mô hình của Cù lao Chàm (Quảng Nam). Di chuyển ra hòn đảo này, du khách và người dân không được phép mang nhựa, nilon từ đất liền”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, phải xây dựng Cần Giờ thành nơi không còn bãi rác và rác ở đây được xử lý phát điện, vi sinh… Xây dựng nguồn cung cấp điện chính ở Cần Giờ là năng lượng xanh, gồm điện gió ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp với nguồn điện thành phố.

Hồng Nga