3 kết quả quan trọng từ chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ngày 17/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tổ chức từ ngày 16-17/9/2023 theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Dù chỉ tham dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 trong chưa đầy 27 tiếng tại Nam Ninh nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn công tác đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc cấp cao hiệu quả như hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường; tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh; dự và phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO và CABIS 20; khai trương và tham quan khu gian hàng thương mại Việt Nam, thăm một số gian hàng của các địa phương của Việt Nam, cũng như một số gian hàng của các đối tác Trung Quốc và ASEAN; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực đường sắt, điện lực, viễn thông, xây dựng...
Thông qua những hoạt động tiếp xúc cấp cao của đoàn đại biểu Việt Nam đến Trung Quốc lần này, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được bước tiến mới, thể hiện sự tin cậy chính trị cao độ giữa hai nước trong việc thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác với trọng tâm là kinh tế - thương mại, kết nối giao thông nhằm phát huy đầy đủ tính bổ trợ của hai nền kinh tế, mang lại ý nghĩa quan trọng thể hiện trên 3 khía cạnh chính:
Củng cố tin cậy chính trị và quan hệ song phương
Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao nhận được lời mời của Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tham dự hội chợ lần này đã thể hiện thái độ xem trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong quan hệ song phương với Trung Quốc, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Thông qua cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, hai bên đã có những trao đổi về các biện pháp thúc đẩy đầu tư và giao lưu nhân dân; duy trì phối hợp, hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn đa phương; phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền… Qua đó mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được củng cố đà giao lưu, tiếp xúc cấp cao thân mật giữa hai bên thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hai nước trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước, khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam xem trọng và xác định phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, lành mạnh với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, theo lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực, hiệu quả và đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các kỳ CAEXPO và CABIS, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn xem quan hệ hợp tác với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ Việt Nam xây dựng và phát triển thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước, sẵn sàng mở rộng và làm mở rộng không ngừng hợp tác thực chất giữa hai bên.
Tăng cường hợp tác thiết thực về kinh tế - thương mại
Thông qua cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, hai bên đã nhất trí đi sâu vào trao đổi về vấn đề mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt giữa hai nước.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu một số đề xuất hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và có nhu cầu, như đề nghị đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; tăng cường kết nối giao thông và hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu hợp tác trong việc lập quy hoạch và xây dựng một số tuyến đường sắt ở Việt Nam. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa cả song phương và qua nước thứ ba; nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch sớm phục hồi như trước dịch Covid-19; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Lý Cường đã phản hồi tích cực và khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao; mở rộng hơn nữa quy mô và nâng cao hiệu suất giao thương thông qua nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, kết nối chính sách, xây dựng cửa khẩu thông minh, thúc đẩy thanh toán bằng đồng bản tệ.... Hai Thủ tướng đã nhất trí giao các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường trao đổi, cố gắng sớm đạt tiến triển.
Thể hiện đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác ASEAN và ASEAN - Trung Quốc
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng góp to lớn vào hợp tác và tăng trưởng kinh tế chung của khu vực, qua đó đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc.
Thông qua Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS năm 2023, Việt Nam cũng kỳ vọng những hợp tác trong khuôn khổ cơ chế CAEXPO sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung toàn khối ASEAN - Trung Quốc và các quốc gia thành viên RCEP, các quốc gia thuộc sáng kiến “Vành đai và con đường”, hướng đến tương lai, trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng kinh tế năng động nhất trên thế giới.
Với sự tham dự đông đảo của đoàn đại biểu Việt Nam cùng với doanh nghiệp Việt Nam dự hội chợ với quy mô lớn đã cho thấy sự xem trọng cao độ, nhu cầu và thiện chí của Việt Nam trong triển khai hợp tác sâu rộng, toàn diện với Trung Quốc cũng như với các nước ASEAN khác, đồng thời cũng cho thấy tiềm lực, vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương trong khu vực.
Qua đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước ASEAN khẩn trương hoàn tất đàm phán nâng cấp phiên bản 3.0 Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; nâng cấp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; đưa vào triển khai mở rộng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đầu tư, kinh doanh, giao thương, văn hóa, du lịch của cộng đồng doanh nghiệp và người dân mỗi nước.