Xuất khẩu nông sản sang EU: Đáp ứng các tiêu chuẩn mới
Để tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn mới liên quan đến phát triển bền vững.
Theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), một số nhóm hàng nông sản (rau, quả…) từ Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ từng bước được EU cắt giảm thuế quan nhập khẩu về 0% trong 10 năm đầu (hiện EVFTA đã thực thi năm thứ ba). Ngoài cam kết tại EVFTA, những năm đầu thực thi EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU vẫn có thể tận dụng song song các ưu đãi phổ cập (GSP) và ưu đãi theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của EU dành cho Việt Nam.
Số liệu khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong hai năm đầu tiên thực thi EVFTA (tính từ ngày 1/8/2020), tỷ lệ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU tận dụng ưu đãi EVFTA còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 21% (năm 2021). Tỷ lệ hàng hàng hóa xuất khẩu chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi EVFTA còn cao, khoảng 33,33%. Hàng hóa xuất khẩu doanh nghiệp chưa biết đến ưu đãi EVFTA khoảng 15,38%.
Nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp Việt Nam những năm đầu thực thi EVFTA vẫn tận dụng các ưu đãi GSP và MFN. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi này không còn nhiều thời gian, sẽ hết hiệu lực trong ngắn hạn. Trong dài hạn, khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng các ưu đãi đến từ EVFTA.
Tỷ lệ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU tận dụng ưu đãi theo cam kết EVFTA còn thấp, một phần cũng còn do các đối tác nhập khẩu của EU không cung cấp được chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường EU, tận dụng các ưu đãi hàng nông sản theo cam kết EVFTA trong bối cảnh mới”, do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/9/2023, ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương khuyến nghị: “Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU muốn tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA trước tiên phải đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa (theo mẫu C/O From EUR.1), nếu không đáp ứng được yêu cầu này sẽ không được hưởng ưu đãi, nếu gian lận về xuất xứ hàng hóa sẽ bị phạt và có thể bị xử lý hàng quay trở lại sẽ rất tốn kém”.
Trong xu thế toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, văn hóa tiêu dùng ở EU đang ngày càng đòi hỏi cao, hàng hóa khi lưu thông phải an toàn và đảm bảo sức khỏe, gắn với các tiêu chí về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải carbon, trách nhiệm xã hội, thực phẩm phải có tính chất dinh dưỡng lành mạnh (hữu cơ), bao bì đóng gói sản phẩm sau sử dụng có khả năng tái sinh. Không những thế, một số mặt hàng nông sản khi nhập khẩu vào thị trường EU còn phải tuân thủ các quy định về chống phá rừng.
Ông Neil Như Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam - EU nhận định: “EVFTA là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU, nhưng không phải điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được mọi rào cản. Muốn được hưởng ưu đãi EVFTA, doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn, quy định của EU, trong đó có các tiêu chuẩn mới có liên quan đến phát triển bền vững”.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho hay, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào EU. Từ ngày 1/10/2023 EU sẽ thí điểm áp dụng CBAM (bản chất là áp thuế quan carbon đối với một số sản phẩm nhập khẩu trong quá trình sản xuất có mức độ phát thải carbon cao quá mức tiêu chuẩn của EU), đến tháng 1/2026 sẽ có hiệu lực chính thức, khi đó các sản phẩm mức độ phát thải carbon cao sẽ bị đánh thuế.
Từ nay đến năm 2026 là quá trình chuyển tiếp, các doanh nghiệp xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu nông sản) vào EU cần áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nếu muốn tiêu thụ sản phẩm và có chỗ đứng tốt tại thị trường EU.
Ngoài tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa, các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững, theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, khi đưa hàng hóa vào EU, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ xem nhà nhập khẩu yêu cầu những gì, đồng thời điều tra nắm rõ thông tin về nhà nhập khẩu, từ đó trao đổi với họ và xác định xem hàng hóa của mình có thích ứng được với các yêu cầu của thị trường hay không trước khi đưa hàng vào EU.
Hiện nay, việc tiếp thị hàng hóa vào thị trường EU các doanh nghiệp Việt Nam thường làm theo cách tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ là phổ biến. Tuy nhiên, theo ông Neil Như Nguyễn, tính hiệu quả chưa cao do nhiều doanh nghiệp trong nước của Việt Nam chưa tạo được thị trường sản phẩm để các đối tác nhập khẩu tin tưởng. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tạo thị trường (dù quy mô còn nhỏ), khi tham gia giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tại các hội chợ, từ đó sẽ giúp tạo ra mức độ tin tưởng với nhà nhập khẩu, thuận lợi đàm phán.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tiếp cận khách hàng EU ngay tại thị trường trong nước thông qua nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trải nghiệm của người nước ngoài (bao gồm đến từ EU) đang đầu tư tại Việt Nam đối với các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang EU cũng rất quan trọng, bởi họ có thể cung cấp hành vi, thái độ mua hàng và văn hóa tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguồn dữ liệu để nghiên cứu, khám phá tiềm năng thị trường mục tiêu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch xuất khẩu sang EU.