Quốc tế

Giảm phát ở Trung Quốc đang ảnh hưởng tới người dân như thế nào?

Nguyễn Văn Phong 14/09/2023 17:30

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng chậm, rồi âm 0,3% vào tháng 7. Con số 0,1% hồi phục vào tháng 8 vẫn phản ánh CPI không mấy khả quan. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng trên kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với khả năng tăng trưởng thấp và rủi ro ngày càng cao.

china.jpg

Cô Rebecca Zhang sinh sống tại thủ đô Bắc Kinh. Cô là nhân viên tư vấn, năm nay 43 tuổi, có một căn hộ cũ đang rao bán. Vài tuần sau khi rao bán, cô phải hạ giá căn hộ. Thông tin cô thường xuyên tiếp nhận là nếu không bán được sớm, càng để lâu giá nhà càng thấp.

Cô Zhang nói với Nikkei Asia: “Từ tháng 3 vừa rồi, giá nhà đã qua sử dụng giảm mạnh, vì người dân không dám vay tiền ngân hàng để giao dịch bất động sản như trước”. Cô cũng nhắc đến sự suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc.

Hàng hóa không xuất khẩu được nhiều, cộng với tiêu dùng nội địa thấp, nên dư thừa và ứ đọng. Công ty không tuyển thêm người, ngược lại còn sa thải bớt. Hậu quả là thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng cao.

Rõ ràng sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 không như dự định. Căn hộ 65m2 ở trung tâm Bắc Kinh của cô lúc rao bán là 710.000 USD, giờ đây xuống còn 650.000 USD. Người đại diện bán nhà cho cô muốn giảm thêm nữa, bởi thị trường rất ảm đạm.

Tác động của giảm phát đối với người dân và doanh nghiệp

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của đất nước tỷ dân cũng như những quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, việc đại lục giảm phát sau nhiều thập niên tăng trưởng là điều đáng lo ngại.

Giảm phát là khi mọi người chi tiêu ít lại, dẫn đến dư thừa hàng hóa và giá cả đi xuống, làm suy yếu tiêu dùng cũng như phủ bóng đen lên nền kinh tế.

2.jpg

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng chậm, rồi âm 0,3% vào tháng 7. Con số 0,1% hồi phục vào tháng 8 vẫn phản ánh CPI không mấy khả quan. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng trên kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với khả năng tăng trưởng thấp và rủi ro ngày càng cao.

Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế gia tăng tạo ra lo ngại cho những quốc gia phụ thuộc Trung Quốc về xuất nhập khẩu. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng nợ công lớn và dân số giảm. Một số nhà kinh tế khẳng định, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc kéo dài hàng thập niên dựa vào xuất khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, không thể tiếp tục trong những năm tới.

Tháng 8, mặc dù CPI của Trung Quốc tăng 0,1%, nhưng PPI - thước đo giá cả sản phẩm khi vừa xuất xưởng lại giảm 3%.

Ông Yu Yongding - nhà kinh tế và cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói với Nikkei Asia: “Tình trạng hiện nay của nền kinh tế có thể gọi là giảm phát hay không, vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt thì hiện hữu và rõ ràng”.

Giảm phát tác động thế nào đến nền kinh tế, đang là chủ đề tranh luận sôi nổi. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm nhận rõ nhất những thay đổi mang tính tiêu cực.

Anh James Su - quản lý một nhà máy sản xuất giấy dán tường ở tỉnh Giang Tô cho biết, mọi năm tháng 9 là mùa cao điểm. Hiện nay, công ty của anh và những doanh nghiệp khác phải chuyển qua sản xuất đồ trang trí và đồ gia dụng. Lý do là không có đơn hàng. Công ty đang nỗ lực để tồn tại, tránh phải đóng cửa.

Anh Su nói tiếp: “Chúng tôi dự đoán nhu cầu sẽ tăng cao sau khi đất nước mở cửa sau đại dịch Covid-19 nhưng điều đó đã không xảy ra. Năm nay, dự kiến doanh thu của chúng tôi sẽ giảm xuống dưới 30 triệu nhân dân tệ, chưa bằng một nửa năm ngoái”.

Điều anh Su không ngờ là tình hình làm ăn hiện tại còn khó khăn hơn giai đoạn Covid-19 hoành hành, mặc dù lúc đó đi lại bất tiện do phong tỏa. Hiện giờ, mỗi ngày anh Su đều thuyết phục nhân sự nghỉ việc, vì công ty không còn tiền. Tuy nhiên, mọi người đều chấp nhận thu nhập thấp, bởi họ không có nơi khác để đi.

Khó đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 5%

Bất chấp kinh tế giảm phát với xu hướng thắt lưng buộc bụng, vẫn có một lượng người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua sắm.

Cuối tháng 8, tập đoàn bán sỉ Costco của Mỹ khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Một đoàn người dài đã xếp hàng đợi đến lượt mua những sản phẩm đắt đỏ, như rượu vang và túi xách cao cấp.

3.png

Ở một số nơi khác, nhiều điểm du lịch bận rộn khi người dân đổ xô đi chơi vào dịp hè. Các cửa hàng chật kín người, những buổi hòa nhạc không còn chỗ trống. Điều này thắp lên hy vọng chi tiêu của một số người dân tại các khu vực trên sẽ góp phần làm cho nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát.

Trước khi mở cửa vào đầu năm 2023, hầu hết chuyên gia tài chính cho rằng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng vọt sau thời gian dài người dân chịu cảnh phong tỏa. Không ai tưởng tượng CPI của Trung Quốc chỉ tăng bình quân 0,5% từ đầu năm 2023 tới giờ. Năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát, CPI của Trung Quốc ở mức trung bình là 2,4% mỗi tháng.

Trong tháng 8, lạm phát cơ bản không bao gồm lương thực và năng lượng là khoảng 0,7%. Điều này được các nhà kinh tế cho rằng có thể dự báo tình hình sẽ tích hơn trong những tháng cuối năm.

Theo một số nhà kinh tế, giá thịt heo giảm trong tháng 7 và 8, tác động đáng kể lên CPI. Thịt heo là loại thực phẩm truyền thống và rất phổ biến ở Trung Quốc.

Dù yếu tố nào đang đè nặng lên CPI, đến lúc những nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cần hành động dứt khoát, nếu không, mục tiêu tăng trưởng 5% GDP trong năm nay sẽ ngoài tầm với.

Ông Yu Yongding - cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng: “Chính sách tài chính và chính sách tiền tệ phải được thực hiện mạnh mẽ để kích thích nền kinh tế và đảo ngược sự suy giảm tăng trưởng liên tục từ năm 2010 tới nay”.

Hai chuyên gia Justinas Liuima và Lan Ha từ Euromonitor International - một công ty tư vấn có trụ sở tại London cho biết, giảm phát có thể làm nghiêm trọng hơn gánh nặng nợ nần của Trung Quốc. Doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải bỏ tiền ra nhiều hơn để trả nợ, dẫn đến giảm nguồn lực cho tái đầu tư và chi tiêu.

Một nhà kinh tế học giấu tên ở Thượng Hải nói với Nikkei Asia rằng, họ nhận được chỉ thị không tranh luận công khai nữa về giảm phát đã thực sự bắt đầu hay chưa. Ông khẳng định, dù giảm phát đã bắt đầu hay chưa thì thực tế lạm phát đang ở mức rất thấp. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu, và triển vọng tăng trưởng GDP ảm đạm.

Nguyễn Văn Phong