Quốc tế

Phá sản doanh nghiệp và “nỗi đau” chu kỳ kinh tế

Khả Hân 13/09/2023 06:00

Quá khứ đã bao lần chứng minh với tính chu kỳ, những doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh, năng lực cạnh tranh thấp và kinh doanh kém hiệu quả sẽ khó tránh khỏi bị đào thải. Xu hướng phá sản doanh nghiệp hàng loạt hiện nay có lẽ chưa sớm dừng lại.

debt.jpg

Sẽ chưa dừng lại?

China Evergrande - tập đoàn địa ốc hàng đầu Trung Quốc - mới đây đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, trong quá trình tái cơ cấu nợ sau vụ vỡ nợ gây chấn động hồi năm 2021. Country Garden - một gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc báo cáo thua lỗ 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời cũng trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu quốc tế và đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh vỡ nợ. Không chỉ vậy, một loạt doanh nghiệp (DN) địa ốc khác của Trung Quốc cũng đang chênh vênh bên bờ vực sụp đổ vì thua lỗ trầm trọng và gánh “núi” nợ khổng lồ, với những khoản nợ đáo hạn chưa thể thanh toán.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Research, số nợ chưa trả được của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc hiện là 390 tỷ USD. Đặc biệt, mớ bòng bong của lĩnh vực bất động sản cũng đang bắt đầu “lây sang” các công ty ủy thác tài chính của Trung Quốc - những DN cung cấp sản phẩm đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm và thường dùng tiền huy động được của khách hàng để rót vào bất động sản.

Bên kia đại dương, trong nửa đầu năm nay, Mỹ có 324 DN sở hữu giá trị tài sản từ 2-10 triệu USD bị phá sản, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Ở Nhật Bản, số liệu mới nhất do Tokyo Shoko Research công bố cho thấy, sau khi ghi nhận 4.042 DN phá sản trong nửa đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ, số lượng DN phá sản trong tháng 7/2023 lại tăng thêm 758 và đã tăng 16 tháng liên tiếp.

Cựu lục địa cũng không thoát khỏi cảnh này, khi tình trạng phá sản DN đã và đang diễn ra ồ ạt. Cụ thể, số lượng DN phá sản của Đức nửa đầu năm tăng lên con số 8.400, đồng thời số DN nộp đơn xin phá sản có mức cao nhất trong 20 năm qua. Tại Pháp, có đến 13.200 DN phá sản trong quý II/2023. Bên cạnh đó, theo một báo cáo nghiên cứu khác của PwC, số lượng doanh nghiệp phá sản của Anh trong nửa đầu năm là 13.000, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Việt Nam, dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) từ hơn 500 DN thuộc lĩnh vực bất động sản cho thấy, nếu khó khăn tiếp tục duy trì, có tới 25% DN chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023, có tới 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì. Cụ thể, 50% DN cho biết gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai - vốn, thị trường trái phiếu - tín dụng với lần lượt 21%, 22% DN được khảo sát.

Chu kỳ kinh tế

Đáng lưu ý, xu hướng này sẽ chưa dừng lại, khi giới phân tích chỉ ra rằng, số đơn xin phá sản không có nghĩa là phá sản thực sự, kết quả thụ lý cuối cùng chắc chắn sẽ khiến số vụ phá sản tại các quốc gia thực tế vượt xa con số hiện tại.

Theo dự báo mới nhất của công ty bảo hiểm tín dụng toàn cầu Allianz, số lượng DN phá sản của Eurozone năm nay sẽ vượt qua năm trước, Anh có khoảng 28.500 DN phá sản, tăng 16% so với năm trước. Còn theo báo cáo phân tích toàn diện của PwC và Allianz, tình trạng phá sản DN của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình cảnh ấy là các DN không có sự chuẩn bị cho những thách thức ở giai đoạn hậu “tiền rẻ”. Quá khứ đã bao lần chứng minh với tính chu kỳ của nền kinh tế, sau mỗi giai đoạn bùng nổ và nới lỏng tiền tệ, tiếp đó sẽ là thời kỳ thắt chặt và suy thoái xuất hiện, khi đó những doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh, năng lực cạnh tranh thấp và kinh doanh kém hiệu quả sẽ khó tránh khỏi bị đào thải.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 năm 2020-2021, nhiều chính phủ đã không ngừng tung ra các gói nới lỏng định lượng, các chương trình giải cứu và hỗ trợ DN, tuy giúp DN cầm cự được trong giai đoạn khó khăn nhưng vô hình chung cũng khiến nhiều công ty tồn tại như dạng “xác sống”, trì hoãn tái cấu trúc.

Hệ quả là một lượng lớn DN lẽ ra đã phá sản trong vài năm trước đây, nhưng nhờ lượng “oxy tài chính dễ dãi” mà các chính phủ bơm cho nên mới tồn tại đến hôm nay, giờ vẫn phải chấp nhận phá sản khi nguồn vốn hỗ trợ đã chấm dứt.

Trong một năm rưỡi qua, FED đã tăng lãi suất 11 lần, lãi suất chủ chốt của ngân hàng này cuối cùng được nâng lên mức 5,25-5,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng 9 lần tăng lãi suất huy động, lãi suất cận biên và lãi suất tái cấp vốn đồng loạt tăng lên cao nhất trong 22 năm. Ở Anh, BoE tăng lãi suất 14 lần liên tục, từ 0,25% của hai năm trước vọt lên 5,2% hiện nay, mức cao nhất trong 15 năm qua.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ bị cắt đứt, trong khi chi phí lãi vay cũng gia tăng chóng mặt, các DN còn phải đối mặt với chi phí nguyên vật liệu đầu vào leo thang cùng với lạm phát tăng sốc trong hai năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu cho thấy mức độ tăng giá của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua, đặc biệt là các nước châu Âu và Nhật Bản có tỷ lệ tự cung năng lượng thấp.

Lãi suất bằng đồng USD ngày càng cao đã thúc đẩy giá cả hàng hóa chiến lược bao gồm dầu thô quốc tế leo thang, điều này khiến các nước châu Âu và Nhật Bản nhanh chóng tạo ra lạm phát nhập khẩu, DN phải thanh toán chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và nhiên liệu nhiều hơn. Vì thế, nhiều DN lâm vào tình trạng thua lỗ, hoặc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Không những vậy, nhiều quốc gia cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng lao động và đối mặt với áp lực chi phí tiền lương gia tăng. Đại dịch

Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu và tâm lý của nhiều người, khi công việc không còn là ưu tiên hàng đầu và tình trạng nhảy việc diễn ra thường xuyên hơn, trong đó ngày càng nhiều người chỉ ưa thích các công việc trực tuyến.

Khả Hân