Taxi bay dự kiến cất cánh vào năm tới
Giấc mơ điện khí hóa hàng không vốn bị xem là viển vông đang dần trở thành hiện thực, khi chiếc taxi bay đầu tiên dự kiến cất cánh vào năm tới.
Paris dường như là thành phố có nhiều duyên nợ với những chuyến bay lịch sử. Thủ đô của nước Pháp là nơi hai anh em nhà Montgolfier gồm Joseph và Étienne hiện thức hóa ước mơ vươn tới bầu trời của con người, khi lần đầu tiên bay lên không trung bằng khinh khí cầu vào năm 1783. Đây cũng là nơi Charles Lindbergh hoàn thành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương một mình lần đầu tiên vào năm 1927.
Năm tới, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, kinh đô ánh sáng sẽ tiếp tục là nơi “chào sân” của một chuyến bay lịch sử nữa, khi Volocopter - nhà sản xuất máy bay điện của Đức, ra mắt dịch vụ taxi bay tại Thế vận hội. Trước đó, tại Paris Airshow vào tháng 6 qua, công ty này và một số đối thủ đã trình diễn một thế hệ máy bay mới chạy bằng pin được thiết kế cho giao thông đô thị.
Lý do vì theo số liệu ước tính của Liên Hiệp Quốc, gần 70% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố vào năm 2050, so với mức 55% ở thời điểm hiện tại. Do đó, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại đô thị lớn, chính phủ các nước đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có phát triển taxi bay nhằm thay thế phương tiện giao thông mặt đất.
Trong tương lai, mái nhà và các bãi đậu máy bay trực thăng có thể được sử dụng làm nơi cất và hạ cánh của taxi bay. Tại một số quốc đảo như Nhật Bản hay Indonesia, phương tiện này được dự báo đóng vai trò quan trọng trong hoạt động di chuyển ở các vùng núi, đảo xa hay nơi thường có thiên tai.
Dự báo về triển vọng của dịch vụ taxi bay, một báo cáo của Citigroup cho biết loại phương tiện này sẽ có mặt tại những siêu đô thị như Singapore, Dubai và Thượng Hải từ năm 2025. Và người tham gia giao thông sẽ sẵn sàng trả một khoản tiền cao hơn taxi truyền thống để tránh kẹt xe.
Rút ngắn tiến trình điện khí hóa hàng không
Trên thực tế, chuyến bay “chào sân” của Volocopter rất được kỳ vọng và quan tâm, vì tiến trình điện khí hóa hàng không đã luôn bị xem là viển vông trong suốt một thời gian dài.
Từ lâu, taxi bay đã chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ của con người và được gửi gắm qua các bộ phim viễn tưởng như The Jetsons hay Back to the Future. Tuy nhiên, giấc mơ này đang dần trở thành hiện thực, khi nhiều tên tuổi lớn như Toyota, Uber, Huyndai, Airbus hay Boeing liên tục hứa rằng sẽ đưa hành khách lướt qua bầu trời trên những chiếc taxi bay.
Còn với một công ty non trẻ như Volocopter, các nhà sản xuất của nó đặt cược rằng điện khí hóa có thể mở ra sự bùng nổ về nhu cầu đối với những chuyến đi ngắn trên không nhanh chóng, tiện lợi và sạch sẽ. Theo các nhà phân tích và CEO công ty, việc triển khai dịch vụ taxi bay thành công tại Thế vận hội năm tới có thể thúc đẩy lĩnh vực hàng không đô thị phát triển hơn bằng cách thuyết phục nhà đầu tư với kết quả trực quan. Nếu tất cả thành công như dự kiến, du khách tới Paris xem thể thao sẽ được đưa đón bằng taxi bay.
Thế vận hội sẽ là sao Bắc Đẩu dẫn đường cho chúng tôi
Dirk Hoke - CEO Volocopter
Hiện hình thức chính của taxi bay đang được nghiên cứu phát triển là máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL). Về ngoại hình, nó trông giống máy bay không người lái cỡ siêu lớn, chở được từ 1-4 khách, cùng 1 phi công. Vận hành bằng pin, eVTOL “có thừa” yên tĩnh để dập tắt những lời phàn nàn kẹt xe và tắc nghẽn giao thông ở các thành phố đông đúc.
Đồng thời, tốc độ của nó cũng khá nhanh, có thể chạy lên tới 300km/giờ, đủ để thoải mái vượt xa một chiếc ô tô. Những người lạc quan tin rằng việc không có nhiều phương tiện giao thông trên bầu trời thậm chí sẽ giúp mở đường cho eVTOL vận hành tự động, không cần người lái. Hơn nữa, chúng cũng có thể hữu ích cho việc vận chuyển hàng hóa.
Tầm nhìn và những thách thức
Theo The Economist, không thể phủ nhận nhiều lợi ích của taxi bay, song những viễn cảnh kể trên dường như đã truyền cảm hứng cho nhiều dự báo triển vọng có phần “choáng váng”. Cụ thể, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho rằng, chi tiêu toàn cầu cho eVTOL có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2040, và Volocopter không phải người chơi duy nhất trong cuộc đua taxi bay.
Theo Hiệp hội Bay Thẳng đứng - một tổ chức phi lợi nhuận, hơn 400 đối thủ đã và đang phát triển các mẫu eVTOL. Joby - một startup ở Thung lũng Silicon, đã huy động được 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Archer - một “người chơi” khác, hy vọng sẽ có “hàng trăm hoặc hàng nghìn” máy bay của mình bay tới Thế vận hội Los Angeles 2028.
Trong khi đó, Seletar - sân bay thứ hai của Singapore và ít được biết đến hơn Changi, vì chủ yếu là nơi giới siêu giàu đáp máy bay riêng, đang có những kế hoạch lớn cho taxi bay. Tự định vị là nơi dành cho taxi bay, Seletar tham vọng đưa loại phương tiện này cất cánh thương mại sớm nhất vào năm 2024. Theo Bloomberg, Singapore đã ký thỏa thuận với hai startup là Skyports và Volocopter để chuyển đổi sân bay cũ thành cảng hàng không dành cho các eVTOL.
Đầu năm nay, Rolls-Royce cùng công ty tư vấn Roland Berger cũng công bố một nghiên cứu cho biết, khoảng 82.500 eVTOL chở khách dự kiến sẽ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2050 và khu vực này sẽ chiếm khoảng 50% thị trường toàn cầu. Nghiên cứu nói eVTOL có thể được sử dụng làm phương tiện đưa - đón ở sân bay, phục vụ các chuyến du lịch hoặc đi liên tỉnh, bay xa tới 250km cho một lần sạc.
Dù vậy, thực tế là vẫn còn nhiều thách thức với taxi bay. Thứ nhất là vấn đề chứng nhận kỹ thuật. Đến nay, chưa nhà sản xuất nào, dù là Lilium của Đức hay Joby, nhận được chứng nhận cho sản phẩm của mình, do các cơ quan quản lý hàng không hiện vẫn đang chật vật với một loại máy bay hoàn toàn mới. Một số nhà sản xuất đã sắp có thể đi vào hoạt động là Volocopter và EHang - một công ty Trung Quốc, trong khi những “người chơi” khác vẫn còn cách xa. Cuối năm ngoái, Joby đã buộc phải lùi thời gian ra mắt một năm đến năm 2025 do sự chậm trễ về quy định, cùng với những lý do khác. Nhiều công ty khác thậm chí còn phải chờ lâu hơn.
Câu hỏi lớn thứ hai là liệu việc kinh doanh taxi bay có khả thi không. Hiện eVTOL có giá dao động từ 1-4 triệu USD. Dù chi phí có thể giảm khi ngành công nghiệp phát triển, chúng vẫn có thể vẫn là những phương tiện đắt tiền. Brian Yutko của Wisk - một nhà sản xuất được Boeing hậu thuẫn nói, việc đi taxi bay sẽ “có thể tiếp cận được với đại chúng”. Trong khi đó, Joby hứa rằng giá taxi bay sẽ tương đương với việc taxi thường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy chi phí có thể lên tới 7 USD/km, gấp nhiều lần giá taxi thường. Ngay cả khi không có phi công, taxi bay vẫn có thể là một phương tiện tiện lợi chỉ dành cho một số ít người may mắn.
Do đó, nhiều công ty đã tìm đến những cơ hội và cách tiếp cận khác: trực thăng nhỏ được thiết kế để vận chuyển vài chục hành khách trên quãng đường vài trăm cây số, chẳng hạn như giữa các thành phố lân cận. Heart Aerospace - một công ty của Thụy Điển, dự kiến có máy bay điện 30 chỗ ngồi với tầm bay 200km vào năm 2028. Vào tháng 9 năm ngoái, Eviation - một công ty của Israel, cũng đã thử nghiệm thành công một chiếc máy bay điện 9 chỗ ngồi với tầm bay 400km.
Theo McKinsey, du lịch hàng không chỉ chiếm 8% số lượng chuyến đi từ 150-800km ở Mỹ. Ở châu Âu, tỷ lệ này chỉ là 4%. Hầu hết chuyến đi như vậy đều được thực hiện bằng ô tô, ngay cả ở châu Âu - nơi có nhiều xe buýt và xe lửa hơn. Điều đó tạo ra cơ hội lớn cho các chuyến bay chặng ngắn thân thiện với môi trường, đặc biệt khi 90% dân số Mỹ và 50% dân số châu Âu sống cách sân bay khu vực 30 phút lái xe.
Tuy vậy, taxi bay sẽ không thể thay thế phương tiện mặt đất mà chỉ hoạt động ở một không gian khác. Khi taxi bay thương mại phổ biến thì một thách thức pháp lý đặt ra là cần thiết lập hệ thống quản lý không lưu của thành phố. Cùng với đó, để phương tiện này thực sự đi vào đời sống đòi hỏi phải có hạ tầng cho máy bay điện đáp - cất cánh.