TP.HCM: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm
Ngày 10/9/2023, HĐND TP.HCM đã phối hợp Sở Thông tin Truyền thông và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 9, chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.
Tham dự chương trình có Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng các đại biểu.
Tại chương trình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục đích nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030.
Để đạt được những chỉ tiêu đề ra trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị quan tâm và tham mưu lãnh đạo TP.HCM về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố gắn với quy hoạch quốc gia về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, xác định các khu vực ưu tiên xây dựng trường cao đẳng, trường trung cấp đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định pháp luật nhằm thu hút, mời gọi các dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; tham mưu HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM ban hành các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học; hỗ trợ chi phí đào tạo đội ngũ nhà giáo; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có tham gia tích cực trong việc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo; chương trình kích cầu đầu tư của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
TP.HCM hiện có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm có hơn 125.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố cần quan tâm trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông cần phải được thực hiện đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng công tác thông tin, tuyên truyền về giá trị nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp cần được tăng cường, thực chất hơn để phụ huynh học sinh của thành phố có thể lựa chọn cho con em những con đường học tập tiếp theo, trong đó, giáo dục đại học không là lựa chọn duy nhất như trong tâm lý xã hội thời gian qua.
Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế đất nước, là nơi cung ứng nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình đề nghị UBND TP.HCM cần tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM; Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cần dự báo và đánh giá chính xác cung - cầu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; lao động khu vực chính thức, phi chính thức; nhu cầu lao động tại địa phương, ngoài tỉnh và quốc tế; lao động qua đào tạo, lao động phổ thông; xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế để sàn giao dịch việc làm đạt hiệu quả tối ưu.
Ngoài ra, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín; xây dựng chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết, phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời có giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học tham gia chương trình giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu xây dựng thí điểm chính sách khuyến khích phát triển nghề truyền thống và các ngành nghề nông thôn chủ lực trên địa bàn các huyện ngoại thành của thành phố góp phần giải quyết việc làm; đồng thời, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với việc kết hợp giữa du lịch làng nghề truyền thống gắn với các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm.