Thời sự

Khi thuế tối thiểu có hiệu lực...

Minh Nhi 11/09/2023 06:05

Từ ngày 1/1/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực. Việt Nam sẽ phải ứng phó với những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu thế nào để giữ doanh nghiệp “đại bàng” FDI cũng như hài hòa lợi ích các bên. Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với TS. Hà Thị Cẩm Vân - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam về vấn đề này.

* Thưa bà, thuế tối thiểu toàn cầu 15% được hiểu như thế nào và hoạt động thế nào?

- Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Trong đó, quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập mà doanh nghiệp được miễn, giảm thuế (bao gồm các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư) tại nước nhận đầu tư.

anh-gap-go.jpg
TS. Hà Thị Cẩm Vân - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Cụ thể, khi áp thuế, các nước trên thế giới có doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ đánh thuế tối thiểu 15% trên toàn bộ thu nhập mà doanh nghiệp được hưởng bởi chính sách ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu) của Việt Nam dành cho doanh nghiệp FDI. Đây là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia có doanh thu lớn nhưng lại đầu tư vào các nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế và có nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

* Vậy sắc thuế này có tác động tích cực gì với Việt Nam?

- Đầu tiên là Việt Nam sẽ thu thêm được một khoản thuế, từ đó giúp hoạt động đóng thuế của các doanh nghiệp công bằng hơn. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ bị thu phần thuế chênh lệch tương ứng tại nước đặt trụ sở công ty mẹ. Một quốc gia trung gian có liên quan đến tập đoàn này cũng có quyền đánh thuế. Như vậy, bản thân tập đoàn này không được hưởng lợi và Việt Nam cũng mất quyền đánh thuế.

* Nhưng nếu áp dụng chung thuế tối thiểu 15%, Việt Nam có bị mất ưu thế thu hút doanh nghiệp FDI?

- Sắc thuế này mang đến nhiều lợi ích cho các quốc gia phát triển (nước đầu tư), còn đối với những quốc gia đang phát triển (nước nhận đầu tư) thì sắc thuế này được áp dụng có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ tại Việt Nam, ưu đãi thuế hiện là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI không còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế như Việt Nam đang làm, vì nó bắt buộc phải có mức thuế suất tối thiểu theo quy định của các quốc gia trên thế giới.

Những doanh nghiệp FDI đang được miễn thuế, giảm thuế thấp hơn mức quy định. Như vậy, đối với những doanh nghiệp FDI mới, Việt Nam không còn chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn để họ đầu tư vào.

* Hiện tại, các công ty lớn như Samsung, Foxconn của Mỹ tạo công ăn việc làm cho Việt Nam rất lớn. Nếu luật thuế này áp dụng từ năm 2024, liệu các công ty “đại bàng” có bỏ Việt Nam sang quốc gia khác?

- Việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư tại các công ty lớn vào Việt Nam. Nếu các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia, Malaysia... đưa ra các ưu đãi thuế hấp dẫn hơn Việt Nam thì dòng vốn đầu tư có thể chảy qua các quốc gia này thay vì vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

thue_toi_thieu_toan_cau.jpg

* Cụ thể phải làm thế nào để Việt Nam vẫn áp dụng thuế, vẫn thu hút doanh nghiệp FDI?

- Đối với các nước đang phát triển, FDI là một nguồn vốn vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm... nên cần có các chính sách thuế ưu đãi để hấp dẫn các doanh nghiệp FDI đầu tư. Cụ thể, Việt Nam cần phải xây dựng, điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI.

Về dài hạn, cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động của người lao động, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới... để thu hút FDI. Cần xây dựng chính sách ưu tiên bù đắp những chính sách mà các doanh nghiệp FDI đang được hưởng. Hoặc hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó bù trừ vào những lợi thế về thuế mà bây giờ không còn được hưởng.

Đây sẽ là những nhân tố hấp dẫn và giữ chân các doanh nghiệp FDI trong dài hạn, thay vì các ưu đãi về thuế trong ngắn hạn có khả năng sẽ không còn tác dụng dưới chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

* Hiện Việt Nam có khoảng bao nhiêu công ty phải áp dụng thuế này?

- Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (khoảng trên 18.900 tỷ đồng) và có mức lợi nhuận trên 10%, khoảng 75 triệu euro (khoảng 1.897 tỷ đồng) sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư (Việt Nam) dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Ở Việt Nam, theo dữ liệu của Bộ Tài chính, trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp FDI có công ty mẹ tại nước có áp dụng loại thuế này thì có khoảng 70 doanh nghiệp thuộc diện phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu nếu như các nước chủ đầu tư áp dụng mức thuế này.

* Vậy có công bằng hay không khi các công ty lớn mới phải đóng thuế, còn công ty nhỏ không phải đóng thuế?

- Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một xu hướng tất yếu nhằm tránh cuộc đua giảm thuế xuống “đáy” để thu hút FDI tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời tăng nguồn thu thuế cho các nước chủ đầu tư. Việc làm này góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ hơn.

* Xin cảm ơn bà.

Minh Nhi