Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

6 lý do khiến doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng

Minh Huy 31/08/2023 06:00

Hiện chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng, khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng. Dưới đây là các lý do dẫn đến thực trạng trên.

sme.jpg

Theo các chuyên gia, khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần có “một cơ sở hạ tầng tài chính tốt” để vượt qua 4 khó khăn: thông tin bất cân xứng, động lực cho vay, chi phí giao dịch và cơ chế rời thị trường…

Ba trong số 4 khó khăn nêu trên có thể được giải quyết nếu các bên cho vay được tiếp cận thông tin về bên vay một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, thông tin tín dụng không chỉ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Các chuyên gia đưa ra những lý do khiến ngân hàng e dè với doanh nghiệp SME như sau:

Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính tốt, bao gồm hệ thống về giao dịch bảo đảm, hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản.

Thứ hai, các bên đi vay thiếu tài sản bảo đảm. Thông thường, các bên đi vay không có nhà cửa hay đất đai mà chỉ có các khoản phải thu hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các loại tài sản là động sản khác.

Bạn đọc đề cử 10 doanh nhân truyền cảm hứng 2023 nhấn vào ảnh bên dưới:

part-1_3.gif

Thứ ba, thị trường còn thiếu các dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ tư, các định chế tài chính còn chưa đa dạng để có thể có cả các tổ chức tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trên thị trường.

Thứ năm, các bên đi vay thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính; phương án kinh doanh còn chưa có tính thực thi; các doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa có thông tin về tín dụng và doanh thu còn thấp.

Thứ sáu, bên cho vay thiếu thông tin về doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thông tin tín dụng, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm trên 90%. Hằng năm, các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động.

sme-2(1).jpg

Số lượng doanh nghiệp SME đông đảo, song quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp SME. Chính bởi quy mô nhỏ nên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, như là khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa.

Minh Huy