Cần cú hích mới cho du lịch TP.HCM phát triển
Mặc dù đang triển khai nhiều chương trình kích cầu để khôi phục và phát triển nhưng như vậy vẫn chưa đủ, ngành du lịch TP.HCM cần cú hích mới từ Nghị quyết 98.
Vẫn còn khó khăn
Theo Sở Du lịch TP.HCM, 8 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch thành phố đón hơn 2,71 triệu lượt khách. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách du lịch tăng tới 92,3% và đạt 54,3% so với kế hoạch cả năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đến TP.HCM chiếm đến gần 30% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Tổng thu ngành du lịch TP.HCM 8 tháng vừa qua của năm 2023 ước đạt 106.020 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước.
TP.HCM xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cũng là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác bởi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Tuy nhiên, hiện nay ngành du lịch TP.HCM, trong đó cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể bứt phá.
Chia sẻ tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch với chính quyền TP.HCM ngày 29/8/2023 vừa qua, đại diện một doanh nghiệp cho biết, mặc dù thành phố đang triển khai các chương trình kích cầu và khôi phục ngành du lịch nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tác động.
Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp du lịch vừa phải khôi phục tái cơ cấu doanh nghiệp sau dịch Covid-19, vừa phải mở rộng thị trường kinh doanh. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện các loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh kết hợp đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của các địa phương… phải tiêu tốn rất nhiều cho chi phí quảng bá thương hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi về thuế.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng thừa nhận, hiện vẫn còn vướng mắc các mặt bằng đất nông nghiệp tại các huyện, khiến du lịch sinh thái còn hạn chế phát triển.
Đơn cử, Cần Giờ được quy hoạch du lịch sinh thái và hiện thí điểm kết hợp du lịch sinh thái và quảng bá sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, do vướng một số chính sách nên việc phát triển du lịch Cần Giờ còn hạn chế như hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết không biết được về định hướng quy hoạch, phát triển du lịch từ năm 2023-2030 để có thể đầu tư.
Theo một số doanh nghiệp, TP.HCM có tiềm năng về du lịch đường sông kết nối giữa TP.HCM và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, muốn đầu tư nhưng doanh nghiệp không biết quy hoạch của thành phố như thế nào, các vấn đề liên quan đến hạ tầng đường sông, tàu bè bến cảng, các công trình kết nối, các dịch vụ tiện ích đi kèm tại các khu vực trên ra sao.
Doanh nghiệp cũng rất thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm, không có kênh thông tin của sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Do thiếu thông tin nên doanh nghiệp không thể phổ biến được tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, các chương trình quảng bá cho khách hàng, các đơn vị đối tác khó kết nối với khách hàng tiềm năng...
Ngoài những khó khăn trên, các doanh nghiệp du lịch TP.HCM còn gặp áp lực với những quy định trong các vấn đề về chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam, về phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm…
Chờ cú hích từ Nghị quyết 98
Những khó khăn trên đang được các cấp chính quyền từng bước tháo gỡ. Và trong tương lai gần, ngành du lịch mà cụ thể là các doanh nghiệp du lịch đang trông chờ vào cú hích từ những chính sách đột phá mới.
Bởi sắp tới đây, TP.HCM sẽ áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù mới. Đây cũng là điều kiện tốt cho thành phố chủ động điều chỉnh các quy hoạch để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là những sản phẩm chiến lược của thành phố như các sản phẩm liên quan đến du lịch sinh thái nông nghiệp, nhất là vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế đặc thù đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư dưới hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Rất nhiều dự án đang chờ đầu tư theo mô hình phù hợp định hướng sản phẩm chủ lực của ngành như sản phẩm du lịch văn hóa, thể thao, kinh tế đêm về vui chơi giải trí kết hợp thể thao, các lễ hội…
“Nghị quyết 98 cũng giao quyền cho HĐND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dưới 500ha, là một trong những điều kiện để thành phố chủ động kêu gọi đầu tư, nhất là sản phẩm chiến lược về du lịch sinh thái nông nghiệp đang vướng rất nhiều ở các huyện ngoại thành. Cụ thể, đất nông nghiệp khi làm du lịch cần nhà nghỉ, homestay… nhưng bị vướng, nay đang chờ Nghị quyết 98 để tháo gỡ”, bà Thanh Thảo cho biết.
Sở Du lịch TP.HCM đã soạn thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 98 trong lĩnh vực du lịch và dự kiến trình UBND TP.HCM trong tháng 9/2023, kết hợp với Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho du lịch thành phố.