Văn hóa doanh nghiệp

Triết lý văn hóa doanh nghiệp của người dẫn đầu

Quân Nguyễn 30/08/2023 06:00

Nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành. Nói một cách hình tượng thì văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất. Đó cũng là triết lý của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ

cao-thi-ngoc-dung(1).jpg

Để phát triển một tổ chức bền vững thì phải lấy con người và văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng. Tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp là con người chứ không phải tiền.

Với quan điểm “Con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp”, PNJ xem chế độ lương bổng, chính sách đãi ngộ nhân viên chính là yếu tố đầu tư hiệu quả nhất. Khi làm việc tại PNJ, mỗi thành viên sẽ nhận được mức lương thưởng tương xứng với năng lực và cạnh tranh mà họ bỏ ra so với thị trường. Công tác khen thưởng, ghi nhận những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc cũng luôn được PNJ chú trọng.

Bên cạnh đó, PNJ không ngừng mở ra các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức đáp ứng mọi yêu cầu và thách thức trong công việc, giúp mỗi thành viên thực hiện mục tiêu sự nghiệp một cách vững vàng nhất.

Đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho người ta thì người ta phải làm cho mình. Người ta đi làm là người ta hưởng lương chứ không phải ăn xin mình. Nếu không có những người lao động này thì sẽ không có ai làm cho mình cả, không thể gầy dựng nên một doanh nghiệp bền vững…

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ

Văn hóa PNJ luôn giáo dục cán bộ, nhân viên của mình sống có tinh thần trách nhiệm đối với chính mình, với xã hội và cộng đồng, là những công dân tôn trọng pháp luật, các giá trị nhân - lễ - nghĩa - trí - tín phải luôn được đề cao. Có thể nói PNJ còn được ví như là một trường học mà ở đó con người không chỉ được đãi ngộ bằng vật chất, không chỉ bằng lợi ích trước mắt, mà bằng sự trân trọng và yêu thương.

Quan điểm của chúng tôi là lãnh đạo thì phải làm gương, phải có sự nhất quán, phải làm những điều tốt thì những người khác mới có thể đi theo. Làm sao để đến những năm sau này, dù những người sáng lập có mất đi thì văn hóa vẫn còn đó. Tuy nhiên, văn hóa luôn luôn có sự biến đổi, phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng môi trường.

Văn hóa xuất phát từ người đứng đầu và người lãnh đạo cần biết lắng nghe, biết thay đổi, tiếp thu những cái mới, đào thải những gì không còn phù hợp. Những giá trị cốt lõi vẫn giữ nhưng cần tinh chỉnh phù hợp với thời đại thì doanh nghiệp mới bền vững.

Ông Trần Lệ Nguyên - Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn KIDO

ongtranlenguyen.jpg

Ở KIDO, ngoài thế hệ đầu tiên đã bước qua tuổi 50 là đông đảo các bạn trẻ thế hệ F2, F3 với sự năng động, nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn từ 25-40%. Vì thế, trách nhiệm của thế hệ đi trước là truyền cảm hứng, động lực phấn đấu cho thế hệ tiếp bước.

Với đội ngũ trẻ, người lãnh đạo giờ đây cần sẵn sàng tiếp nhận cái mới, phải biết bắt “trend”, trân trọng sự sáng tạo của các bạn trẻ để họ xem công ty như ngôi nhà hạnh phúc thứ hai, tạo không gian sáng tạo để những người trẻ tạo nên giá trị, sản phẩm được người tiêu dùng ủng hộ. Những thương hiệu lâu đời giống như những con tàu khổng lồ, muốn chuyển hướng trong bất kỳ việc gì cũng không hề dễ dàng, nhanh chóng. Vì vậy bắt “trend” cũng chính là cách để chống đối làm mới bản thân.

Tại KIDO, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố tạo không gian thúc đẩy sự sáng tạo của người lao động. Lãnh đạo phải truyền cảm hứng và phải bắt “trend”.

Ông Trần Lệ Nguyên - Phó chủ tịch HĐQT,
Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn KIDO

Ở bất cứ doanh nghiệp nào, người lao động cũng luôn mong muốn được cống hiến tại những công ty có văn hóa quản trị, có chính sách sử dụng và hỗ trợ nhân sự phát triển hơn là được nhận mức lương cao. Và điều quan trọng nhất ở KIDO là xây dựng lộ trình văn hóa doanh nghiệp - một trong những yếu tố hàng đầu để người lao động, nhất là nhân sự trẻ có khả năng phát huy thế mạnh, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi cá nhân.

Triết lý quan trọng nhất: người lãnh đạo như một huấn luyện viên, phải có tư duy thoáng, còn các bạn trẻ đều có vai trò riêng trong từng khâu thì mới xây dựng thành hệ thống, một đội ngũ. Trong đó, sự đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh cho tập thể.

Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Kim Oanh

kim-oanh.jpg

Xây dựng một tập thể gắn kết dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp Tập đoàn Kim Oanh (Kim Oanh Group) gặt hái thành công

Trong bối cảnh mới, Kim Oanh Group đang bước đầu vươn ra thế giới khi hợp tác với các nhà đầu tư lớn tại Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Để bắt kịp tốc độ phát triển trong giai đoạn mới, việc tối quan trọng là phải nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp mà trước tiên là phải chuẩn hóa cơ cấu vận hành.

Văn hóa doanh nghiệp của Kim Oanh là chia sẻ, liên tục đầu tư và nâng cấp vào yếu tố con người, giúp nhân viên thăng tiến.

Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT,
Tổng giám đốc Tập đoàn Kim Oanh

Trong bối cảnh khó khăn, để phục vụ chiến lược phát triển giai đoạn 2023-2025, chúng tôi tuyển dụng nhiều vị trí, nhất là cấp quản lý và chuyên viên kinh doanh. Vì thế, Kim Oanh Group liên tục đầu tư và nâng cấp vào yếu tố con người. Tại Kim Oanh Group, mỗi nhân viên luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để khai phá tiềm năng và phát huy tối đa năng lực của mình. Hàng loạt chương trình đào tạo từ chuyên môn đến kỹ năng mềm được tập đoàn tổ chức liên tục giúp doanh nghiệp giữ chân hiền tài, tạo nên đội ngũ cán bộ - nhân viên nhiệt huyết và tận tâm.

Chúng tôi luôn xem đội ngũ nhân viên là nguồn vốn quý giá nhất và đưa ra những chính sách đãi ngộ hấp dẫn, minh bạch để nhân viên an tâm cống hiến hết mình. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ - nhân viên luôn vững tinh thần để cùng nhau kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho khách hàng và cho chính mình.

Cuối cùng, muốn giữ nhân tài phải xuất phát từ cái tâm của người lãnh đạo. Nói phải đi đôi với làm và lãnh đạo cần luôn giữ lời hứa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Quân Nguyễn