Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Phát triển ngân hàng số cần bổ sung hành lang pháp lý cụ thể

Lan Ngọc 28/08/2023 09:00

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đang “nhuốm màu” số hóa cao, nhưng hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng số còn thiếu, cần bổ sung để thúc đẩy phát triển và cung cấp dịch vụ ngân hàng số đảm bảo an toàn, lành mạnh.

banking.jpg

Ngân hàng số đã bước đầu phát triển, hoạt động cung cấp các dịch vụ ngân hàng số đã và đang diễn ra có những chuyển biến tích cực. Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán nội địa thông qua Internet và Mobile Banking đang tăng mạnh, trong đó giao dịch qua kênh Mobile Banking đang chiếm ưu thế.

Năm 2022, hoạt động giao dịch thanh toán qua Internet tăng 63,2% về số lượng và 32,3% về giá trị, còn giao dịch thanh toán thông qua điện thoại di động Mobile Banking tăng 98,3% về số lượng và tăng 84,3% giá trị. Điều này cho thấy, giao dịch ngân hàng thông qua nền tảng số đang tăng trưởng nhanh, nhất là giao dịch ngân hàng số thông qua ứng dụng di động .

Người dùng điện thoại thông minh hiện nay đã sử dụng ứng dụng để kết nối, thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ngân hàng ngày càng tăng và trở nên phổ biến. Hiện nay, đi một cuốc xe ôm công nghệ, hay mua một món hàng vài chục nghìn đồng ngoài chợ, ở các cửa hàng tạp hóa, thay vì sử dụng tiền mặt thanh toán như trước đây, thì người dùng (cả bên bán, cung cấp dịch vụ, lẫn bên mua hàng, sử dụng dịch vụ) nếu có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng mở ra là đã có thể giao dịch, thanh toán rất nhanh và tiện lợi.

Để cạnh tranh phát triển, các ngân hàng thương mại đã tích cực chuyển đổi số nhằm tăng thị phần phân khúc khách hàng ngân hàng số. Có ngân hàng đã và đang tập trung nguồn lực và nhân lực với tham vọng mang đến cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại, một siêu ứng dụng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau cho khách hàng.

Một số ngân hàng cũng đã và đang tiếp tục ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning), xử lý ngôn ngữ (Natural Language Processing) giúp người dùng tương tác thông qua nhập dữ liệu (giọng nói, cử chỉ, chạm, văn bản) để tư vấn sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ nhanh khách hàng khi cần thiết, thậm chí có ngân hàng đã sử dụng chatbot có cả tính năng giao dịch.

Ngoài ra, ứng dụng RPA (tự động hóa quy trình bằng robot software) để quản lý thông tin, dữ liệu, xử lý giao dịch và giao tiếp giữa các hệ thống nhanh, thay thế các thao tác thủ công mất thời gian, dễ sai sót, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng trải nghiệm cho khách hàng… đang là một xu hướng buộc các ngân hàng truyền thống phải chuyển đổi để thích ứng, cạnh tranh.

ipay-mobile.jpg
Giao dịch thanh toán qua ngân hàng bằng ứng dụng ngày càng tăng

Tuy nhiên, phát triển và hoạt động của ngân hàng số tại Việt Nam mới là những bước ban đầu nên cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Ngoài yếu tố tội phạm công nghệ ngân hàng gia tăng nhắm vào kênh ngân hàng số và người dùng (khách hàng), thì hành lang pháp lý cho ngân hàng số hoạt động còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp xu thế phát triển. Đã có những văn bản pháp lý cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, song cơ sở pháp lý hoạt động ngân hàng số hiện tại mới tập trung chủ yếu điều chỉnh kênh thanh toán (mở tài khoản, giao dịch trên điện thoại…), hoạt động cấp tín dụng online trên ứng dụng di động... vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý vững chắc.

Ngay tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới, cũng chưa thấy có những nội dung đề cập tới việc cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng số. Phát triển kinh tế số (bao gồm ngân hàng số), Chính phủ số, xã hội số là xu thế tất yếu đang diễn ra, nếu không có hành lang pháp lý kịp thời, cụ thể, bao quát hoạt động ngân hàng số, thì lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, cũng như quá trình thúc đẩy chuyển đối số quốc gia.

Ông Dương Quốc Anh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) đang lấy ý kiến góp ý cần có những quy định làm sao vừa thúc đẩy phát triển được ngân hàng số, vừa quản lý hiệu quả để tránh các rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính quốc gia nói chung. Các quy định cần bao quát được việc cấp phép, giám sát, quản lý, xử lý các rủi ro trong quá trình tổ chức tín dụng thực hiện cung cấp dịch vụ ngân hàng số.

Các quy định cần có nội dung cụ thể đối với hoạt động ngân hàng số phải đảm bảo lành mạnh, an toàn để các tổ chức tín dụng tuân thủ; có các quy định về kết nối, giám sát cơ sở dữ liệu ngân hàng số với cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ công tác quản lý. Trường hợp phát sinh những vấn đề mới trong thực tiễn đối với các hoạt động ngân hàng số mà chưa có tiền lệ, chưa có các quy định pháp luật để điều chỉnh, Luật Các tổ chức tín dụng cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành cơ chế để thử nghiệm (sandbox).

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng cần rà soát để ban hành mới hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng số như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt... sao cho phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo không cản trở sự phát triển, an toàn, lành mạnh của ngân hàng số.

Lan Ngọc