Văn hóa đọc

Văn hóa đọc trong doanh nghiệp phải gắn với không gian mạng

Tâm An 28/08/2023 11:00

Theo ThS. Lê Thanh Tú - Chánh văn phòng Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thư viện ảo, kho sách trực tuyến, trang báo điện tử hay các kênh mạng xã hội.

thuong-truc-dang-uy-saigon-co.op-tham-quan-tu-sach-tri-thuc-cua-trung-tam-huan-luyen-nghiep-vu-saigon-co.op.jpg
Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op tham quan tủ sách tri thức của Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ Saigon Co.op

ThS. Lê Thanh Tú cho rằng, văn hóa đọc giữ vai trò quan trọng đối với việc xây dựng bản sắc dân tộc, đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trước đây, văn hóa đọc thường chỉ đề cập đến hệ giá trị, chuẩn mực, cách ứng xử, sự đam mê đọc sách, tạp chí hay báo giấy, thì giờ đây chủ thể của văn hóa đọc phải được hiểu rộng hơn, bao gồm thư viện ảo, kho sách trực tuyến, trang báo điện tử hay mạng xã hội (sau đây gọi chung là đọc sách).

“Vấn đề được đặt ra là trong vô vàn thông tin, kiến thức trên mạng, độc giả phải lựa chọn ra ấn phẩm, tài liệu, bài viết phù hợp để nâng cao kiến thức, đời sống tinh thần, hình thành và phát triển nhân cách trong mỗi con người”, ông Tú chia sẻ.

Với môi trường doanh nghiệp, theo ông Tú, văn hóa đọc không kém phần quan trọng. Thị trường, thị hiếu, nhu cầu của khách hàng luôn biến đổi không ngừng, vì vậy người lao động của doanh nghiệp, nhất là cán bộ quản lý, nếu không thường xuyên đọc tài liệu, sách báo (ấn phẩm giấy và ấn bản điện tử) thì sẽ bị tụt hậu, khó đề ra được những giải pháp hay, cách làm hiệu quả để cải tiến công việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước nói chung và ở TP.HCM nói riêng quan tâm đến việc đọc sách còn hạn chế so với doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân chính là do thói quen đọc sách của người Việt Nam nói chung còn chưa phổ biến. Trong khi đó, đa phần ban lãnh đạo công ty chủ yếu dành thời gian cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án, giải pháp để phát triển doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng phong trào đọc sách đối với người lao động trong đơn vị.

Lãnh đạo doanh nghiệp đa phần chưa giải thích rõ cho người lao động thấu hiểu những lợi ích của việc đọc sách đối với sự phát triển về tầm hiểu biết, nâng cao năng lực làm việc, từ đó hình thành sự yêu thích, niềm đam mê, động lực đọc sách; đa phần chưa tạo nên “môi trường đọc” tiện lợi, hứng khởi trong công ty, chưa có nhiều hình thức ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng khi nhân viên chăm đọc sách, hay hình thành các câu lạc bộ, nhóm sở thích cùng nhau đọc sách, chưa xây dựng tủ sách và phòng đọc sách tại công ty. Vì thế, tỷ lệ đọc sách trong doanh nghiệp còn hạn chế.

Tính nêu gương của lãnh đạo một số doanh nghiệp trong việc đọc sách cũng chưa cao. Nhiều chủ doanh nghiệp chỉ chú trọng việc đầu tư tài chính, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển, chưa nhận thấy chính đầu tư về “tài sản trí tuệ” sẽ mang lại thành công bền vững.

Để xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, theo ông Tú, cần sự quan tâm của ban lãnh đạo công ty, nhất là người đứng đầu. Bởi lẽ, lãnh đạo nào thì phong trào nấy. Lãnh đạo phải nêu gương và vận động, khuyến khích người lao động xây dựng thói quen đọc sách, đồng thời cần tuyên truyền, giải thích để người lao động nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc đọc sách đối với bản thân và doanh nghiệp.

Việc hình thành văn hóa đọc là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì, quyết tâm từ lãnh đạo đến người lao động trong doanh nghiệp, từ việc phát động phong trào cho đến giải pháp duy trì thường xuyên để hình thành thói quen đọc sách.

Bên cạnh đó, công ty cũng cần tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về sách, viết cảm nhận sau khi đọc một quyển sách, một bài báo hay, hoặc gợi ý các đầu sách để nhân viên đọc và đề xuất các ý tưởng cải tiến công việc sau khi đọc xong một tác phẩm.

Ông Tú nêu ví dụ, tại Saigon Co.op, việc phát triển văn hóa đọc được sự quan tâm đặc biệt từ Ban Thường vụ Đảng ủy với nhiều giải pháp cụ thể, như chỉ đạo các cơ sở Đảng trực thuộc đăng ký tủ sách, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy phát động các cuộc thi tìm hiểu về sách, tuyên truyền việc đọc sách trên trang tin điện tử tổng hợp của Đảng bộ Saigon Co.op. Ban lãnh đạo Saigon Co.op thường xuyên truyền cảm hứng, tình yêu đọc sách và tặng sách đến cán bộ quản lý các cấp và người lao động, giới thiệu sách hay trên chương trình phát thanh nội bộ hằng ngày.

“Tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc. Một doanh nghiệp mà từ lãnh đạo, quản lý các cấp đến nhân viên đều hứng thú với việc đọc sách thì sẽ có nền tảng tri thức tốt, từ đó có nhiều biện pháp, sáng kiến làm việc hay, hiệu quả, giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận của đơn vị và thu nhập của mỗi thành viên”, ông Tú trải lòng.

Tâm An