Văn hóa nghệ thuật

Thư pháp “Nhật ký trong tù” của nghệ nhân Phan Thanh Sơn xác lập kỷ lục Việt Nam

Minh Huy 26/08/2023 18:22

Ngày 26/8/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục cho nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn với tác phẩm “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ và 133 câu nói, lời dạy của Bác Hồ viết bằng thư pháp chữ Việt trên vải toan bồi lụa gấm, ép hai mặt lớn nhất Việt Nam.

1(1).jpg
Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn (thứ hai từ bên phải) nhận bằng xác lập kỷ lục Việt Nam

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2023), 80 năm ngày Người hoàn thành tập thơ Ngục trung nhật ký (1943-2023), nghệ nhân Phan Thanh Sơn đã thực hiện cuốn sách thư pháp đồ sộ với nội dung gồm 133 bài thơ trong tác phẩm Ngục trung nhật ký của Bác Hồ (bản dịch của dịch giả Hoàng Bá Vy, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, in năm 2020).

Bên cạnh đó, tác giả dày công sưu tập 133 câu nói, lời dạy của Bác để viết lại bằng thư pháp chữ Việt trên vải toan bồi lụa gấm. Tác phẩm được nghệ nhân thực hiện từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023 thì hoàn thành.

Tác phẩm Nhật ký trong tù và 133 câu nói, lời dạy của Bác Hồ viết bằng thư pháp chữ Việt xác lập kỷ lục với phần bìa bằng chất liệu gỗ gõ, kích thước thực tế dài 131cm, rộng 99cm, cao 41cm.

Phần nội dung được nghệ nhân thực hiện viết tay, một mặt thể hiện các bài thơ (Hán Nôm và thuần Việt) trong tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh bằng chữ thư pháp trên vải toan. Một mặt in hoa sen hoặc hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lời dạy của Người. Các trang nội dung được thể hiện trên vải toan, tác giả tự tay may viền lụa gấm, ép hai mặt, với kích thước thực tế mỗi trang dài 115cm, rộng 81cm. Tổng trọng lượng phần ruột sách nặng gần 260kg.

2(1).jpg
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn bên tác phẩm Nhật ký trong tù

Chia sẻ về tác phẩm, nghệ nhân Phan Thanh Sơn cho biết thêm, sau khi nhận được cuốn Ngục trung nhật ký của dịch giả Hoàng Bá Vy, ông say mê đọc và nghiên cứu. Nhận thấy cuốn sách có sự kế thừa của các dịch giả trước đây của nhiều nhà thơ, dịch giả, nhiều bài thơ được dịch sát nghĩa và đặc biệt là nhiều bài dịch thơ chữ Hán của Bác sang thể thơ lục bát truyền thống dân tộc.

Chính vì thế đã tạo thêm cảm xúc, cuốn hút ông thực hiện ý tưởng viết thư pháp cho tập thơ của Bác. Ông đã dồn hết tâm sức, tình cảm, sự đam mê để thực hiện tác phẩm này với trách nhiệm và sự nghiêm túc cao nhất.

Tác phẩm Nhật ký trong tù và các tác phẩm thư pháp ghi lời dạy của Bác được viết bằng thư pháp của nghệ nhân Phan Thanh Sơn sẽ được trưng bày tại Nhà truyền thống quận Gò Vấp - TP.HCM để phục vụ công chúng thưởng lãm.

Bén duyên với bộ môn thư pháp Việt từ năm 1990, sau khi về hưu, nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn luôn quyết tâm rèn luyện và không ngừng học hỏi nghệ thuật thư pháp, khám phá cái hay, cái đẹp trong từng con chữ. Nghệ nhân luôn tâm niệm, viết thư pháp chữ có đẹp, nét có hồn hay không là nhờ vào tâm người viết.

Thư pháp không phải là nghề mà là một trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Trong suốt hành trình ấy, ông đã không ngừng trau dồi để tạo nên những tác phẩm thư pháp mang đậm chiều sâu văn hóa, giàu cảm xúc bằng hoạt động văn hóa và dành 20 năm lên chùa để viết thư pháp tặng miễn phí cho các Phật tử.

Ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2022.

Tôi luôn có một ước mơ là làm những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời, truyền đạt những kinh nghiệm mà mình đã có để có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đẹp đẽ và quý báu của dân tộc.

Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn

Minh Huy