Doanh nhân xưa

Doanh nhân Nguyễn Quý Anh: Kinh doanh với tinh thần “chấn dân khí”, “hậu dân sinh” (Kỳ 1)

Thanh An (Tổng hợp) 26/08/2023 17:00

Kế thừa tinh thần duy tân của Trần Quý Cáp, doanh nhân Nguyễn Quý Anh không chỉ để lại dấu ấn cho Công ty Nước mắm Liên Thành tại Bình Thuận và Sài Gòn, mà ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính giúp đỡ người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuất dương tìm đường cứu nước.

truong-duc-thanh-nguon-so-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tinh-binh-thuan-.jpg
Trường Dục Thanh (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận)

Kỳ 1: Giám hiệu Dục Thanh Học hiệu

Doanh nhân Nguyễn Quý Anh tự là Nhụ Khanh, hiệu là Thành Ấm, sinh ngày 15/9/1881 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ông là con út của danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884), người gốc thôn Bình Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) và bà Ngô Thị A Thúy, đồng thời ông cũng là em trai của doanh nhân Nguyễn Trọng Lội. Vốn gốc Long An nhưng khi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ bị thực dân Pháp chiếm trọn vào năm 1867, cha ông đã đưa gia đình đi theo nhiều sĩ phu yêu nước ra Bình Thuận tị địa, tiếp tục làm việc cho triều đình Huế, nhất quyết từ chối hợp tác với thực dân Pháp.

Xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước nồng nàn, lại có tố chất thông minh, ngay từ nhỏ, Nguyễn Quý Anh đã được cụ Nguyễn Thông cho theo học tại Quảng Nam dưới sự giảng dạy của Trần Quý Cáp - một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá phong trào Duy Tân tại các tỉnh miền Trung đầu thế kỷ XX. Chính việc theo học Trần Quý Cáp, Nguyễn Quý Anh đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng đương thời như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…

Qua những cuộc tiếp xúc này, Nguyễn Quý Anh đã được truyền tinh thần yêu nước và tư tưởng duy tân nhằm mưu đường cứu nước, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Pháp cũng như chấn hưng dân trí và xây dựng nền kinh tế vững mạnh cho dân tộc Việt Nam. Được truyền thụ tư tưởng duy tân, Nguyễn Quý Anh quyết định không nối nghiệp khoa cử như cha ông mà chọn trở về Phan Thiết vào cuối năm 1904 để cùng bạn bè đồng chí hướng và các sĩ phu yêu nước nghiên cứu xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm chấn hưng kinh tế, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Năm 1905, khi ba cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng vào Bình Thuận truyền bá tư tưởng duy tân cho dân chúng, Nguyễn Quý Anh và anh trai Nguyễn Trọng Lội đã cùng Nguyễn Hiệt Chi, Trương Gia Mô và nhiều chí sĩ yêu nước cùng họp bàn việc nước, mưu lập công ty kinh doanh, xây dựng trường học để mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Sau cuộc họp bàn việc nước đó, bắt nguồn từ cảm khái với tinh thần duy tân của cụ Phan Chu Trinh, hai anh em Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội đã vận động các nhà Nho học, Tây học uy tín nhất tại Bình Thuận hùn vốn thành lập Hội Liên Thành với ba cơ sở Duy Tân tại Bình Thuận là Liên Thành Thơ xã (năm 1905) để “chấn dân khí”, Liên Thành Thương quán (năm 1906) để “hậu dân sinh” và Dục Thanh Học hiệu (năm 1907) để “khai dân trí”.

Cả ba cơ sở đều do 6 nhà sáng lập của Liên Thành Thương quán gồm Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất và Ngô Văn Nhượng kêu gọi vận động hùn vốn thành lập và cùng nhau phân chia điều hành các cơ sở này.

Với mục tiêu tạo lập Bình Thuận trở thành một trung tâm chấn hưng kinh tế để một phần mưu đường kinh doanh chống lại tư sản Pháp và thương nhân Hoa kiều đang độc chiếm thị trường Việt Nam, một phần truyền bá tư tưởng canh tân đất nước cho dân chúng, Hội Liên Thành đã chọn Nguyễn Trọng Lội làm người điều hành công việc kinh doanh của Liên Thành Thương quán, Nguyễn Hiệt Chi phụ trách điều hành Liên Thành Thơ xã, Nguyễn Quý Anh được chọn làm Giám hiệu Dục Thanh Học hiệu để đào tạo nhân tài cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Dục Thanh Học hiệu hay còn gọi là Trường Dục Thanh đặt ở khuôn viên nhà cụ Nguyễn Thông tại làng Thành Đức (nay là số 39 đường Trưng Nhị, Phan Thiết). Đây là ngôi trường tư thục theo mô hình giảng dạy tiến bộ do Phan Chu Trinh khởi xướng tại Trung Kỳ thời bấy giờ. Kinh phí xây dựng trường do một phú gia yêu nước là ông Huỳnh Văn Đẩu và Liên Thành Thương quán tài trợ. Vì được tài trợ cho nên học sinh theo học tại đây đều không phải đóng tiền xây trường và học phí. Hội Liên Thành đã chọn Nguyễn Quý Anh làm giám hiệu, phụ trách cả việc giảng dạy cho học sinh cũng như điều hành hoạt động của trường với sự giúp đỡ của hai ông Nguyễn Hiệt Chi và Trần Đình Phiên.

Mặc dù cấu trúc trường đơn giản, chỉ gồm hai nhà lớn bằng gỗ, lợp ngói âm dương dùng làm phòng học và nơi nghỉ ngơi cho học sinh và giáo viên, nhưng trường rất được sự ủng hộ của đông đảo con em các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Phan Thiết và con cháu của các sĩ phu ở Nam Kỳ gửi ra trọ học. Đội ngũ giảng viên cũng chưa có ai có học vị cử nhân, tiến sĩ nhưng trường lại có nhiều điểm tiến bộ về phương diện tổ chức và nội dung chương trình giảng dạy.

Trường Dục Thanh chia làm hai ban, là Hán văn và Pháp văn. Mỗi ban có 4 lớp từ lớp tư đến lớp nhất của bậc tiểu học. Học sinh của hai ban đều học cả tiếng Pháp và chữ Hán. Ban Hán văn do Giám hiệu Nguyễn Quý Anh làm trưởng ban, ông Trần Đình Phiên làm phó ban, Ban Pháp văn do thầy Hải - một người Việt lai Pháp quê ở Quảng Nam phục chánh làm chánh Tây và thầy Của - cựu trưởng ga Phan Thiết, quê ở Đức Thắng làm phó Tây. Là ngôi trường tư thục nội trú cho cả thầy và trò, hai người chị của Nguyễn Quý Anh là Nguyễn Thị Chuyên và Nguyễn Thị Lúa phụ trách việc cơm nước cho cả trường.

Các chương trình dạy ở Trường Dục Thanh do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải gửi vào Phan Thiết thông qua Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, bạn thân giao của ông Trần Lệ Chất. Nội quy của trường rất nghiêm đối với học sinh. Các lớp học bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 17 giờ chiều, sau khi tập thể dục xong thì học sinh phải xếp hàng thật ngay ngắn để đi vào lớp. Trước khi bắt đầu học, học sinh phải xếp tay vòng trước ngực hát bài ca ái quốc, dựa theo bài thơ Quốc hồn ca do Phan Chu Trinh viết năm 1907. Trường Dục Thanh có khoảng 100 học sinh từ Sài Gòn, Hội An, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác theo học.

Một sự kiện đặc biệt của Trường Dục Thanh là vào đầu tháng 3/1909, thông qua sự giới thiệu của Trương Gia Mô, Giám hiệu Nguyễn Quý Anh đã gặp gỡ và cho phép người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) làm giáo viên giảng dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, cũng như dạy môn thể dục tại trường. Nguyễn Quý Anh cũng như nhiều học sinh của trường rất quý Nguyễn Tất Thành trong năm 1910 và 1911 giảng dạy tại đây. Về sau, Nguyễn Quý Anh đã giúp đỡ và tài trợ cho Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn để xuất dương vào ngày 5/6/1911.

Tuy nhiên, Trường Dục Thanh lại không tồn tại lâu sau khi ông Nguyễn Trọng Lội mất vào năm 1911. Đầu năm 1912, do Giám hiệu Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn đảm nhận chức Đổng lý Phân cuộc Liên Thành ở Chợ Lớn và vì nhiều lý do khách quan khác nên Trường Dục Thanh chính thức đóng cửa vào năm 1912.

Thanh An (Tổng hợp)