Hoạt động

Học viên thích thú với việc ứng dụng ChatGPT trong công việc báo chí - truyền thông

Tâm An - Ảnh: Quỳnh Lâm 25/08/2023 12:22

Lớp học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động truyền thông, báo chí” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kết hợp Ban Truyền thông sự kiện HUBA tổ chức ngày 25/8 vừa qua mang đến cho các học viên nhiều trải nghiệm thú vị khi sử dụng ChatGPT trong công việc báo chí - truyền thông.

Lớp học thu hút hơn 50 học viên là các doanh nhân đến từ các hiệp hội, hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp trong thành phố. Đây là lớp học thứ ba do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kết hợp Ban Truyền thông sự kiện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức.

Hai lần trước, lớp học chia sẻ kỹ năng kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông và viết thông cáo báo chí, tin, bài PR cho doanh nghiệp, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đều nhận được nhiều phản hồi tích cực của các học viên.

5j0a2895.jpg
Nhà báo Ngô Xuân Lộc phát biểu khai mạc khóa học

Nhà báo Ngô Xuân Lộc - Phó tổng biên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết rất vui vì lớp học nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các học viên, điều đó chứng tỏ Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã đi đúng hướng trong việc trở thành một cơ quan truyền thông kết nối mạnh.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn không chỉ là nơi phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, mà còn lan tỏa kiến thức, giúp các doanh nghiệp, doanh nhân có thêm nhiều kiến thức trong việc ứng dụng ChatGPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động truyền thông một cách hiệu quả, cũng như hạn chế các lỗi có thể xảy ra.

Theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Kinh tế số Việt Nam, trong thời đại số hóa hiện nay, truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của AI, các hệ thống chatbot như ChatGPT cũng đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng ChatGPT đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, nhất là với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

hoc-vien.jpg
Lớp học thu hút nhiều học viên tham dự

Tại buổi học, các học viên đã được lắng nghe những chia sẻ về ChatGPT, ứng dụng của ChatGPT trong nhiều công việc liên quan đến báo chí truyền thông, như hỏi đáp, sửa lỗi ngữ pháp, tóm tắt văn bản phức tạp thành rút gọn, dịch văn bản, chuyển văn bản sang ngôn ngữ lập trình, nhập vai người thứ ba, tạo ra ý tưởng trong mọi lĩnh vực, tưởng tượng ra không gian kiến trúc, viết kịch bản video, viết quảng cáo bán hàng, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược, tạo câu hỏi phỏng vấn, tạo slide thuyết trình, viết báo...

Các học viên cũng được làm quen với các bước làm việc cùng ChatGPT, công thức viết nội dung, prompt (câu lệnh) trong xây dựng và biên tập bài báo… Đặc biệt là những lưu ý khi sử dụng ChatGPT trong hoạt động báo chí truyền thông để đảm bảo tính chính xác, quyền sở hữu trí tuệ, đạo đức và quyền riêng tư.


Trong đó, các học viên đặc biệt hứng thú khi có dịp thực hành việc ứng dụng ChatGPT trong việc viết ngay bài báo về buổi học. Với mỗi khẩu lệnh, bài báo ra những kết quả khác nhau, mang đến những trải nghiệm thú vị cho học viên.

Ông Đặng Xuân Điêp - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định tại TP.HCM, thành viên lớp học cho biết: “Trước đây, tôi đã có tài khoản ChatGPT nhưng chưa sử dụng và chưa hiểu nhiều về nó. Chính vì thế, tôi còn lúng túng và chưa tận dụng hết những điều hay và giá trị mà ChatGPT mang lại cho bản thân cũng như trong hoạt động kinh doanh. Sau buổi học hôm nay, tôi thấy rất thú vị và sẽ trải nghiệm những điều mà ChatGTP mang lại cho hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp trẻ có thể áp dụng ngay các kiến thức trong buổi học hôm nay, còn các doanh nghiệp lâu năm cũng có thể có những kinh nghiệm giúp công ty xây dựng đội ngũ nhân sự và phát triển chiến lược tốt hơn nữa”.

lop1.jpg
Học viên chụp hình lưu niệm sau phần bài giảng trong buổi sáng
lop2.jpg
Buổi chiều, lớp học về “Quản trị khủng hoảng truyền thông thực chiến” cũng mang lại những bài học thú vị cho học viên

Trong buổi chiều ngày 24/8, các học viên tiếp tục được lắng nghe những bài học bổ ích trong việc “Quản trị khủng hoảng truyền thông thực chiến” do TS. Nguyễn Mạnh Hiền - chuyên gia quản trị marketing Đại học UBIS Thụy Sĩ phụ trách và nhà báo Lữ Ý Nhi - Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trợ giảng.

Hai giảng viên đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình giải quyết khủng hoảng truyền thông và làm báo nhằm giúp các học viên có thêm nhiều bài học kinh nghiệm. Kết thúc khóa học, nhiều học viên đã sử dụng chính ứng dụng ChatGPT để gửi lời cảm ơn đến các giảng viên trong khóa học.

Tâm An - Ảnh: Quỳnh Lâm