Chuyên đề

Doanh nhân và niềm tin

Lữ Ý Nhi-Thanh Tâm 25/08/2023 06:00

Nhiều khó khăn chung và riêng đang phải đối mặt, nhưng các doanh nhân tham gia tọa đàm “Doanh nhân và niềm tin” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 17/8 đều có chung động lực hành động, đó là “tin vào chính mình, ngày mai trời sẽ lại sáng”.

3.jpg

Niềm tin nội lực

Trong một buổi nói chuyện với doanh nhân trẻ cách đây ba năm, ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE khẳng định: “Trong tất cả khủng hoảng, đáng sợ nhất là khủng hoảng niềm tin. Vì nó là nguyên nhân của những tổn thất lớn nhất trong cuộc sống, trong tổ chức và cả trong đời sống gia đình. Thiếu niềm tin còn làm trì trệ mọi tiến trình, từ việc ra quyết định, giao tiếp cho đến việc xây dựng những mối quan hệ”.

Hiện nay, cùng với nền kinh tế chưa thể vực dậy bằng trước đại dịch Covid-19, các vụ bê bối của một số doanh nghiệp (DN), các vụ tham nhũng, ăn hối lộ lớn của không ít quan chức diễn ra liên tiếp khiến cho niềm tin trong mỗi người dân, doanh nhân ít nhiều bị suy giảm. Tuy nhiên, ở thời đại nào, xã hội nào cũng có khủng hoảng, không nhiều thì ít. Vì thế, điều quan trọng là phải giữ vững niềm tin. Trong khó khăn, có niềm tin sẽ giúp tìm kiếm sự thay đổi để thích ứng và vượt qua. Nói như ông Giản Tư Trung: “Các nhà lãnh đạo DN cần hiểu được những lợi ích kinh tế của “cổ tức niềm tin”, đặc biệt khi niềm tin xuất phát từ bên trong DN, chứ không phải bề ngoài hay một chiêu trò truyền thông nào”.

Với tinh thần đó, Chủ tịch HG Holdings Ngô Minh Đức tin rằng, khi nền kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế Việt Nam bị tác động cũng là đương nhiên. Vì thế, đây là giai đoạn lãnh đạo DN phải tỉnh táo, sử dụng dòng tiền sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Đặc biệt, có niềm tin vào chính mình thì DN sẽ có cơ hội sống sót qua giai đoạn này và sẽ tăng trưởng sau đó.

ong-ngo-minh-duc.jpg

Tôi có niềm tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Đã là doanh nhân thì phải chấp nhận thử thách để vượt qua. Vấn đề là chúng tôi phải có đủ khả năng sống sót. Vì thế, giai đoạn hiện nay, chúng tôi phải tiết kiệm chi phí, tập trung vào phát triển kỹ năng và đọc thật nhiều sách. Cuốn sách tôi tâm đắc là 7 thói quen của người thành đạt.

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holdings Invest

Cho rằng kinh tế suy giảm hay khủng hoảng là theo chu kỳ, có giai đoạn tăng trưởng thì cũng có giai đoạn xuống dốc, ông Phạm Liêm - đồng sáng lập CGO tin rằng, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đây cũng là lúc DN “sống chậm”, có dịp “thanh lọc” bản thân, nhìn được giá trị cốt lõi của mình. Vì thế, những DN có nội lực tốt, dù không tăng trưởng nhưng vẫn “sống tốt”. Từ đó, tạo cho DN niềm tin vào nội tại để càng nỗ lực tiến tới.

ong-liem-dung.jpg

Niềm tin giống như chạy marathon. Niềm tin càng mạnh mẽ thì sức bền càng cao. Dù thế giới rộng lớn thì vẫn có ngách nhỏ. Công ty lớn không thể làm hết việc, vẫn có chỗ cho DN nhỏ. Niềm tin của tôi là cuộc sống vẫn tiếp diễn theo dòng chảy tích cực, mọi nhu cầu chỉ giảm bớt chứ không quá tệ và quan trọng là cơ hội của DN vẫn còn. Công ty chúng tôi vẫn còn đủ nội lực để sống sót và chờ cơ hội.

Ông Phạm Liêm - đồng sáng lập CGO

Lấy dẫn chứng vào niềm tin bản thân khi quyết định chuyển từ lĩnh vực tư vấn thuế sang phân phối thực phẩm, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Điều hành Sato Group kể: “Trước dịch Covid-19, người tiêu dùng không mấy quan tâm đến sức khỏe, nhưng sau dịch, nhiều người mới nhận thấy sức khỏe là quan trọng nhất. Nhận thấy đây là cơ hội mà mình có đủ nội lực để chuyển hướng sang mảng kinh doanh mới, dù không ít bạn bè, người thân khuyên dừng lại, tôi vẫn có niềm tin trong nguy có cơ, trong gian nan sẽ là cơ hội thử thách bản thân, nên sau gần 4 năm kinh doanh, đã thấy mình đúng và công ty vẫn ổn”.

ong-son-dung.jpg

Niềm tin của tôi là “trong nguy có cơ”, trong gian nan sẽ là cơ hội thử thách bản thân, nên sau gần 4 năm kinh doanh, tôi thấy mình đã chọn hướng đi đúng và công ty vẫn ổn.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Điều hành Sato Group

Khẳng định đã kinh doanh thì phải có niềm tin và có niềm tin thì mới kinh doanh được, ông Nguyễn Quách Cương - Chủ tịch HĐQT Thành Nam Group cho rằng: “Giai đoạn này phải sống đã, phải làm sao sống sót qua thử thách. Cần đưa ra nhiều giải pháp đúng. Niềm tin lớn nhất của tôi là tin vào bản thân. Phải có niềm tin vào bản thân thì mới có niềm tin những người khác”.

quach-cuong-dung-2.jpg

Đã kinh doanh thì phải có niềm tin. Có niềm tin thì mới kinh doanh được và niềm tin của tôi chính là khách hàng, bạn bè, đối tác.

Ông Nguyễn Quách Cương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Nam Group

Cùng nhau tạo sức mạnh niềm tin

Sau đại dịch Covid-19, thị trường càng chứng minh sự hợp tác thực chất, đối tác tương hỗ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua thử thách. Vì thế, sự hợp tác nào có nền tảng là niềm tin đều đem đến hiệu quả vượt trội so với dựa trên những điều khoản trong hợp đồng. “Niềm tin càng cao càng gia tăng giá trị cho cổ đông và cho khách hàng”, theo diễn giả Stephen M. R. Covey - “cha đẻ” của phương pháp kiến tạo văn hóa và xây dựng thương hiệu bằng “tốc độ của niềm tin”.

Vì vậy, chủ DN không chỉ khơi dậy niềm tin cho chính mình mà còn phải xây dựng niềm tin cho đối tác, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao để cùng nhau chung sức làm việc hiệu quả.

Minh chứng điều này, ông Bùi Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Giao nhận vận tải VIS cho biết: “Logistics là một trong những ngành hiện tại bị giảm sút doanh thu nhiều nhất. Lý do là nhiều DN trước đây kinh doanh hàng hóa nhưng giờ sợ lỗ nên dừng lại. Quý I/2023, vận tải biển giảm từ 26-44% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, đối với vận tải trong nước, cước chỉ đủ để vận hành, chưa tính khấu hao lãi vay. Vì thế, DN logistics đã phải liên kết, tạo sự gắn bó để vượt qua khó khăn. Nếu như trước đây, việc liên kết, hợp tác trong ngành logistics Việt Nam vốn rời rạc, thì sau Covid-19, nhiều DN đã sẵn sàng “bắt tay nhau”, dựa vào nhau mà sống, không cạnh tranh thiếu lành mạnh, không phá giá, vì chỉ cần một vài DN hạ giá là DN khác sẽ khó tồn tại. Ví dụ, DN thực hiện công đoạn giao nhận đã hợp tác với DN ở khâu vận tải, kho bãi để tạo ra sự liên kết cả một ngành. Có DN còn tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Chính sự đoàn kết của DN trong ngành mà chúng tôi có niềm tin để vượt qua giai đoạn này”.

Là DN kinh doanh thực phẩm và đang là đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nhiều DN vừa và nhỏ khác, ông Nguyễn Hà Quốc Anh - Sáng lập Baka Food chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, số lượng đơn hàng của Baka Food không giảm nhưng giá trị đơn hàng thì giảm. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết. Tại Việt Nam, DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm 97% và trong giai đoạn này, dù chưa có nhiều chính sách hỗ trợ từ các cấp chính quyền nhưng nhiều DN vẫn kinh doanh có lãi là nhờ họ có niềm tin vào việc mang lại giá trị cho người dùng, đó là cung cấp sản phẩm sạch, phù hợp xu hướng, giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Trong ngành thực phẩm, nhờ có niềm tin vào mối quan hệ làm ăn với bạn hàng, đối tác nên dù kinh tế diễn biến xấu vẫn cùng nhau chia sẻ việc kinh doanh theo như cách lâu nay vẫn làm.

ha-quoc-anh-dung.jpg

Trong thời buổi khó khăn, tập trung năng lượng cho mình, phải làm đẹp mình trước, có suy nghĩ và hành động tích cực sẽ trở thành người mạnh mẽ. Năm 2023, theo thần số học đang ở năm thứ 8 của một chu kỳ, đến năm thứ 9 là năm đỉnh cao của sự thay đổi. Đây là thời điểm khép lại một chu kỳ cũ và mở ra một chu kỳ mới. Vì thế, niềm tin của tôi là sang năm 2024 sẽ mở ra vận hội mới, là thời kỳ kinh tế phát triển trở lại.

Ông Nguyễn Hà Quốc Anh - Sáng lập và điều hành Baka Food

Ông Quốc Anh dẫn chứng: “Nếu chưa có đủ niềm tin thì thường việc làm ăn chung sẽ bị nhiều thủ tục như hợp đồng, thanh toán và nhiều công đoạn khác chi phối, nhưng bây giờ chúng tôi đã tiết giảm bớt các thủ tục và đặt trọn niềm tin vào nhau, có khi chỉ là một đề nghị, một lời hứa cũng đủ để giao hàng, nhận hàng, thậm chí giúp nhau cả vốn kinh doanh hoặc chia sẻ đơn hàng.

“Người ta thường nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Hai năm đại dịch, nhiều DN vẫn sống được nhờ biết cộng sinh để cùng phát triển”, ông Trần Văn Quân - Sáng lập kiêm CEO Vietnam Tax Accounting Consuntancy chia sẻ. “Theo tôi, nhiều DN nếu làm ăn lớn trong thời gian này thì dễ thất bại, nhưng nếu làm nhỏ, linh hoạt trong quản lý, điều hành thì vẫn sống tốt. Trong thời gian này, DN phải xây dựng nội tại trước, phải tinh gọn bộ máy và sử dụng công nghệ thông tin để quản lý. Nếu DN biết cộng sinh với đối tác, với nhân viên thì sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn. Đặc biệt, phải có niềm tin vào sự phát triển của DN”.

ong-quan-dung.jpg

Tại thời điểm kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với suy thoái, bất ổn thì niềm tin, sự kiên nhẫn và khả năng thích nghi của DN sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển. Bởi trong nguy cơ luôn xen lẫn cơ hội và có sự đào thải, chọn lọc.

Ông Trần Văn Quân -
Sáng lập kiêm CEO Vietnam Tax Accounting Consultancy

Cũng theo ông Quân, công nghệ 4.0 đã làm thế giới “phẳng” hơn, do đó, không phải DN nào có bề dày phát triển có nghĩa là sẽ tiếp tục lớn mạnh, mà thậm chí còn có thể là chấm dứt sự tồn tại. Ví dụ, cách đây 10 năm, “người khổng lồ” Nokia đã phải bán lại mảng thiết bị và dịch vụ cho Microsoft với giá hơn 7 tỷ USD, đặt dấu chấm hết cho một thương hiệu 148 năm. VinFast với tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu là minh chứng cho niềm tin, thể hiện tinh thần “không gì là không thể”, đã tiếp thêm niềm tin cho DN Việt Nam.

Nhấn mạnh việc tiếp sức cho đội ngũ có thêm niềm tin, theo ông Quốc Anh, khó khăn cũng là lúc DN có thêm thời gian phát triển đội ngũ kế thừa đủ năng lực chuyên môn. Trong lúc nhiều người đang loay hoay tìm đường đi, nơi nào “sáng” ắt họ sẽ tìm đến. Vì thế, việc nâng cao niềm tin của đội ngũ, nâng cao nội lực và bản thân người lãnh đạo là rất cần thiết.

Ông Phạm Liêm - đồng sáng lập CGO kể: “Tôi đã nhiều lần đến thung lũng Silicon - nơi được xem là cái nôi startup về công nghệ của Mỹ. Trước thời điểm dịch năm 2020, khá đông nhà đầu tư thiên thần tìm đến đây và việc gọi vốn lên đến 5 triệu USD là chuyện phổ biến. Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch Covid-19, tôi quay lại nơi này và nhận thấy rất khó để tìm được nguồn tài trợ cho startup, dù chỉ là 500.000 USD”.

Nói vậy để thấy rằng, khó khăn hiện tại là khó chung. Để vượt qua thì phải xây dựng cho mình niềm tin. Muốn có niềm tin riêng thì phải đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào một quốc gia, vào một thành phố và phải có niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo kế thừa. Không thể có quan trí cao nếu dân trí thấp. Nếu được đào tạo bài bản thì thế hệ lãnh đạo tiếp nối sẽ có nhiều người có trình độ cao. Và khi dân trí lên cao thì sai phạm sẽ giảm.

Chắp cánh cho niềm tin

Theo các chuyên gia về quản trị, DN muốn tạo được niềm tin thì phải xây dựng được thương hiệu uy tín. Muốn có thương hiệu uy tín thì cần phải có tổ chức đáng tin cậy. Mà một tổ chức đáng tin cậy thì cần phải có những con người đáng tin cậy và có niềm tin, rồi từ đó lan tỏa trong tổ chức, lan tỏa trên thương trường và xã hội. Vì thế, để DN có thương hiệu uy tín, không làm sai pháp luật, có thêm động lực, rất cần được chắp thêm niềm tin từ chính sách rõ ràng, nhất quán của Nhà nước, từ thị trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, đặc biệt rất cần sự trợ lực, giúp sức từ cơ chế thông thoáng.

Từng chứng kiến một DN phải bán nhà vì không được hoàn thuế, ông Trần Văn Quân - CEO VTACS, Giám đốc Điều hành Đại lý thuế Nhật Quang kể: “Do thuế suất cao hơn quy định 2%, khi tính ra là 20 tỷ đồng, một DN không được hoàn thuế đã phải bán nhà. Điều đó cho thấy, nhiều chính sách của Nhà nước hiện nay không nhất quán, chỉ mang tính thời vụ. Khi người dân quen với chính sách này thì lại chuyển sang chính sách khác. Vì vậy, mong có những chính sách lâu dài, giúp người dân và DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quách Cương cũng chia sẻ mong muốn, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng, không thể đợi khi có môi trường tốt mới có những lãnh đạo tốt mà cần lãnh đạo tốt trước để giúp DN phát triển. Để TP.HCM phát triển, chính sách có rồi, chủ trương có rồi, nhưng lãnh đạo phải có tâm, có tầm mới thực hiện tốt được.

Nêu lên thực trạng của Doanh nghiệp hiện nay, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết: “Ngành cơ khí công nghiệp hỗ trợ có những đặc thù rất riêng như vốn lớn, hiệu quả đầu tư không cao nên hầu như không có quỹ đầu tư nào tham gia đầu tư vào ngành cơ khí công nghiệp hỗ trợ. Các DN Cơ khí công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn lực yếu nhưng đam mê nghề nghiệp và muốn được phát triển. Trước tình hình kinh kế khó khăn, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận tối đa để có khách hàng. Nếu được nhà nước hỗ trợ lãi suất kích cầu thì DNcó thể đầu tư từ vài mươi tỉ lên đến trên 100 tỷ đồng để phát triển sản xuất, còn như không có sự hỗ trợ lãi vay kích cầu thì DN “liệu cơm gắp mắm” chỉ dám đầu tư từ vài tỉ đến 20-30 tỷ đồng vì khó mà trả tiền lãi suất vay ngân hàng. Mà đầu tư như vậy thì không không thể phát triển sản xuất mạnh để thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà chỉ phục vụ nhỏ lẻ cho một số DN công nghiệp.

Doanh thu của công ty Duy Khanh năm nay sụt giảm mạnh do tình tình thị trường khó khăn, chỉ còn 50-60% so với năm ngoái, một số DN có thể cao hơn, và số khác có thể thấp hơn. Tình hình cạnh tranh hiện nay rất gay gắt. Vì thế, mong muốn của tôi là lãnh đạo Thành phố có quyết sách để giúp DN ngành cơ khí công nghiệp hỗ trợ có thêm sức mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đón đầu chu kỳ phát triển mới sau giai đoạn khó khăn.

Hiện nay nhiều DN cơ khí công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc qua Việt Nam mở nhà máy rất nhiều tại Bình Dương, Đồng Nai, họ đi theo các nhà đầu tư lớn vốn đang đầu tư tại Trung Quốc chuyển dần nhà máy sang Việt Nam như TTI …, họ có sẵn khách hàng lâu năm. DN Việt Nam nếu không đầu tư bài bản sẽ không thể trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI này. Mặc khác các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm mua các DN Việt Nam để nhanh chóng thâm nhập thị trường. Các DN Việt Nam nếu không được Nhà nước hỗ trợ, có thể phải bán DN cho phía Trung Quốc. Đây là điều tôi trăn trở nhất.

ong-tong.jpg

Tôi có niềm tin vào những sản phẩm “made by Vietnam”. Tôi nghĩ sản phẩm hiện nay không chỉ là “made in Vietnam” nữa mà phải là “made by Vietnam”. Tôi đánh giá cao VinFast vì là sản phẩm của Việt Nam, là thương hiệu của Việt Nam.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM,
Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh

Ở góc độ thuế, ông Nguyễn Hoàng Sơn nêu thực trạng: “Chúng tôi phải tranh cãi rất nhiều về biểu giá thế, về mức đóng thuế VAT với cơ quan thuế. Đó là chuyện đau đầu của DN. Chưa kể, nhiều cán bộ thuế cơ sở chưa nắm rõ về quy định mức thuế đối với nhiều mặt hàng và dịch vụ. Có khi hỏi cán bộ thuế chỉ nhận được câu trả lời DN phải tự xác định theo tình hình thực tế và phải đọc thông tư, nghị định về thuế để hiểu và tự kê khai, tự nộp thuế mà không hướng dẫn gì thêm và lưu ý, nếu DN áp sai mức thuế sẽ bị phạt. Vì thế, tôi đề nghị những người làm chính sách, thực hiện chính sách cần phải hiểu hơn về hoạt động của DN để từ đó áp thuế đúng, phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng vừa làm vừa sửa như hiện nay”.

ba-nhi-dung(1).jpg

Doanh nghiệp muốn phát triển tốt thì phải ở trong môi trường tốt. Môi trường tốt là doanh nghiệp phải tự xây dựng, không thể đi tìm mà có. Doanh nghiệp là hạt giống, nếu cùng nhau vun đắp cho hạt giống đó tốt thì cả khu rừng sẽ tốt.

Bà Dương Tường Nhi - Giám đốc Điều hành Công ty Happy Lifestyle

ong-nguyen-chien-luy.jpg

Tuy kinh tế khó khăn, nhưng tôi vẫn có niềm tin vào doanh nghiệp mình sẽ trụ vững, vượt qua giai đoạn này. Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ kê khai thuế. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp đỡ khó khăn, thì ngành của tôi sẽ còn phát triển hơn nữa.

Ông Nguyễn Chiến Lũy -
Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế Bắc Trung Nam

Lữ Ý Nhi-Thanh Tâm