Thời sự

TP.HCM phải có điểm nhấn kinh tế đêm

Thảo Minh 24/08/2023 11:00

Nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, TS. Trần Du Lịch đã có nhiều đề xuất đóng góp cho lãnh đạo thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

3432334.jpg

* Thưa tiến sĩ, những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết 98 như thế nào và ông đã kiến nghị các giải pháp, biện pháp để triển khai ra sao?

- Có rất nhiều nội dung nhưng chủ yếu hội đồng đóng góp vào nội dung nâng cao chất lượng công vụ của nền hành chính địa phương theo cơ chế phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong 7 nhóm nội dung của Nghị quyết 98; đồng thời, đóng góp vào việc thực hiện chính sách huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội, các mô hình TOD, BT, BOT, trái phiếu, chính quyền địa phương… đã quy định trong Nghị quyết 98.

Ngoài ra, hội đồng cũng đóng góp vào chính sách huy động các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh; đóng góp vào chính sách và cơ chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp vào cơ chế phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức, những động lực để khai thác hiệu quả lợi thế tiềm năng của thành phố Thủ Đức.

Những nội dung mới cần tiếp tục nghiên cứu để trình Trung ương về cơ chế chính sách đặc thù như trái phiếu quốc tế để phát triển nhanh hệ thống đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

* Các nội dung này sẽ được triển khai theo lộ trình ra sao, thưa ông?

- Hội đồng sẽ thảo luận sâu những nội dung cơ bản của Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù, đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn trong triển khai Nghị quyết 98; xác định những nội dung hội đồng cần tổ chức tham vấn các ý kiến của thành viên; thảo luận xây dựng các nhóm chuyên gia chuyên sâu theo từng lĩnh vực, cử chuyên gia phụ trách các nhóm. Từ tháng 9 đến hết năm 2023, mời các thành viên hội đồng tham gia diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4, hằng tháng chọn 1-2 nội dung để tổ chức trao đổi… Cuối tháng 12, hội đồng báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 98 và những kiến nghị cần thiết cho lãnh đạo thành phố.

* Đóng góp cho phát triển du lịch TP.HCM, ông đã đề xuất nên xây dựng cảng Sài Gòn trở thành trung tâm thương mại và phải là điểm nhấn kinh tế đêm, lợi thế đó theo góc nhìn của ông như thế nào?

- Từ năm 2002, TP.HCM có nghị quyết di dời các cảng biển. Trong quá trình này, tôi luôn tự hỏi trên mảnh đất 30ha này, trên tổng thể bờ sông Sài Gòn, chúng ta sẽ phát triển cái gì ở đây?

Với 30 ha ở khu vực cảng Sài Gòn, nơi từng là thương cảng quốc tế sầm uất, tôi vô cùng xúc động khi được nhìn lại những hình ảnh này. Như vậy, từ thương cảng quốc tế, chúng ta chuyển thành trung tâm dịch vụ tàu biển hay giết chết nó, để biến nơi đây thành những biệt thự, những chỗ ở cho những người giàu có?

Nơi đây, theo tôi phải là mảnh đất hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch, là điểm nhấn kinh tế đêm cho TP.HCM. Nó gắn với trung tâm quận 1 và trong tương lai không còn phân biệt quận 1, quận 4 về địa lý. Vị trí này cũng lợi thế hơn Bạch Đằng, bởi nó có chiều dài 1.800m cầu tàu và một đoạn sông tuyệt đẹp. Nếu nhìn xa hơn, đối diện bên kia là Thủ Thiêm, hãy tưởng tượng trong tương lai, hai bờ sông này là một bức tranh cực kỳ đẹp và sầm uất nhất thành phố.

Với tinh thần như vậy, chúng ta phải đặt mục tiêu lớn cho thành phố, đó là tiếp tục phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế, để trở thành điểm nhấn và đây chính là điểm khác của du lịch TP.HCM với các thành phố khác, đó là du lịch tàu biển.

Để biến một nơi từng là thương cảng sầm uất của thế giới, tương lai trở thành trung tâm dịch vụ sầm uất. Tôi nghĩ, lãnh đạo của thành phố phải tính toán kỹ để gắn với phát triển, đó là mục tiêu mang tính chiến lược. Nếu chọn sai mục đích thì sẽ không bao giờ sửa được.

Với một người nhiều năm nghiên cứu và yêu mảnh đất này, tôi rất kiên trì giữ ý kiến biến thành phố này thành trung tâm sầm uất nhất mà không nơi nào có được. Tương lai thành phố phải là kinh tế đêm.

Để du lịch phát triển thì nơi đó phải có cái ở, cái chơi, cái ăn, cái vui, mà du lịch phát triển thì kinh tế thành phố cũng phát triển.

du-lich-bien1-4732.jpg

* Về định hướng phát triển Cần Giờ, ông có đề xuất gì?

- Tôi rất tâm đắc với nhiều ý tưởng góp ý cho phát triển Cần Giờ. Tuy nhiên, việc quan trọng làm sao hiện thực hóa ý tưởng. Trong quy hoạch phát triển trung tâm kinh tế biển có 6 nhóm ngành lớn. Với vị trí và đặc điểm tự nhiên, Cần Giờ chỉ xác định 3 nhóm ngành làm trụ cột chính phát triển đó là du lịch, kinh tế hàng hải gắn với cảng và năng lượng tái tạo. Riêng những ngành khác như phát triển khu công nghiệp ven biển, dầu khí… Cần Giờ không làm được.

Tôi đề nghị phải chọn lọc các ý tưởng phát triển Cần Giờ để tích hợp vào quy hoạch chung và các quy hoạch thành phố. Cùng với đó, tôi đề xuất làm nhanh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, xây dựng khu hậu cần cảng để nơi đây trở thành cửa ngõ kết nối Việt Nam với quốc tế.

Ngoài ra, áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) tại Cần Giờ, tạo hình mẫu chuẩn cho cả nước. Từ đó, tập trung phát triển giao thông công cộng và giao thông xanh, giảm khí thải.

Cần Giờ phải là nơi không có tự do sử dụng phương tiện giao thông mà phải theo quy định chuẩn mực sử dụng phương tiện không có khí thải. Từng bước có phương án để chuyển đổi dần phương tiện giao thông sang phương tiện xanh. Tôi cũng hình dung, tương lai Cần Giờ cũng chỉ dùng điện tái tạo.

Cần Giờ chỉ giữ được hơn 30.000 ha rừng tự nhiên, còn phần đô thị thì làm bê tông, mà phải nhìn phần còn lại cũng là rừng, nhưng trong đó có đô thị. Cả Cần Giờ là rừng và mọi đời sống ở đó cũng là rừng nếu nhìn trên tổng thể, như vậy mới giữ được rừng tự nhiên.

Thảo Minh