Chuyện làm ăn

VinFast: Cuộc chơi dài hơi?

Khả Hân 24/08/2023 06:00

Để nhận định về triển vọng cổ phiếu VFS trong tương lai, có lẽ cần phải quan sát và theo dõi hoạt động sản xuất và bán hàng của VinFast tại thị trường Mỹ trong thời gian tới.

vinfat.jpg

Trò chơi định giá

Cổ phiếu VinFast (Nasdaq: VFS) sau khi chào sàn ở mức giá 22 USD/cổ phiếu và khép phiên đầu tiên ở mức 37,11 USD/cổ phiếu vào ngày 15/8/2023, chỉ trong 3 phiên giao dịch kế tiếp đã mất hơn 58% giá trị, giữa lúc các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ cũng rơi vào giai đoạn điều chỉnh mạnh trong những tuần gần đây, trong đó riêng chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 12/2022.

Việc niêm yết trên sàn Mỹ thông qua hợp nhất với một công ty SPAC (Special Purpose Acquisition Companies) là Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) của VFS đã trở thành tâm điểm trong những ngày vừa qua. Hầu hết nhận định đều cho rằng, giá cổ phiếu VFS đang neo ở mức quá cao nếu dựa trên quy mô sản xuất và thực trạng tài chính của tập đoàn này so với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sản xuất xe điện, đơn cử như báo cáo của hãng tin Forbes gần đây.

Thống kê cho thấy, trên thế giới hiện chỉ có 12 công ty sản xuất xe điện có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và với giá chào sàn vừa qua đưa hãng xe của Việt Nam trở thành công ty lớn thứ hai trong lĩnh vực sản xuất xe điện, chỉ sau Tesla. Do đó, đà lao dốc của cổ phiếu VFS sau khi chào sàn dường như là điều không mấy bất ngờ đối với một bộ phận nhà đầu tư.

Đáng lưu ý là cơ cấu cổ đông của VFS hiện khá cô đặc, dù trước hay sau khi đã hợp nhất với BSAQ. Trong bản công bố thông tin, sau khi sáp nhập với Black Spade, tổng lượng cổ phiếu lưu hành của VinFast Auto là hơn 2,3 tỷ cổ phiếu. Trong đó, Vingroup sở hữu 51,36%, hai công ty đầu tư thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) sở hữu 33,37% và Asian Star Trading & Investments Pte. Ltd. sở hữu gần 15%. Còn lại một phần nhỏ thuộc về các cổ đông khác.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay cổ đông nội bộ chỉ được giao dịch sau 180 ngày kể từ ngày niêm yết lần đầu. Vì vậy, lượng lớn cổ phiếu do ông Phạm Nhật Vượng và cổ đông nội bộ nắm giữ không giao dịch, khối lượng giao dịch những phiên vừa qua chủ yếu đến từ cổ đông trước đây của BSAQ. Dù vậy, để nhận định về triển vọng cổ phiếu VFS trong tương lai, có lẽ cần phải quan sát và theo dõi hoạt động sản xuất và bán hàng của VinFast tại thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Mục tiêu xa hơn? Đầu tiên, cần phải trả lời được câu hỏi vì sao VinFast lại quyết định niêm yết ở thị trường Mỹ? Theo bà Lê Thị Thu Thủy - CEO VinFast từng chia sẻ rằng một số người cho rằng việc VinFast niêm yết trên thị trường Mỹ chỉ là một cách marketing thương hiệu. Tuy nhiên, theo bà, không phải cứ có công ty là có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và nếu chỉ để marketing thì có nhiều cách chứ không cần thiết phải đi theo cách tốn kém như vậy.

Còn nếu chỉ để nhằm huy động thêm vốn từ nhà đầu tư thì rõ ràng cũng còn nhiều thị trường khác có thể dễ dàng hơn, như Singapore hay Nhật Bản. Nhưng nếu nhìn sự việc một cách đơn giản hơn, khi VinFast đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ, có lẽ quyết định phải niêm yết tại Mỹ là chiến lược hợp lý. Vì khi các sản phẩm xe điện bán tại Mỹ có thể gia tăng doanh số trong thời gian tới, cũng sẽ giúp cho cổ phiếu VFS tại thị trường này thu hút nhà đầu tư hơn.

Đây là một hiệu ứng tác động qua lại. Việc VinFast niêm yết với định giá cao tại Mỹ gần đây trước mắt đã tạo được một tiếng vang và thu hút sự chú ý, giúp sản phẩm được truyền thông nhiều hơn. Nếu như việc xây nhà máy tại Mỹ trước đây có thể vẫn chưa được khách hàng tại Mỹ biết đến VinFast, thì đợt niêm yết vừa rồi có lẽ sẽ giúp nhiều người biết đến hơn, từ đó quan tâm hơn đến những sản phẩm của công ty này. Và trong trường hợp ngược lại như đã nói, nếu sản phẩm đã thu hút sự chú ý và tiêu thụ tốt hơn trong thời gian tới, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

vinfat-tren-san-my.jpg
Cổ phiếu VinFast (VFS) niêm yết trên sàn Mỹ

Thực tế khi được hỏi về sự kiện niêm yết này mang lại cho Vingroup lợi ích gì về doanh số bán xe tại Mỹ, hay nói cách khác, mục tiêu thị trường Mỹ của Vingroup ngoài huy động vốn sẽ bán được bao nhiêu xe trong những năm tới? Bà Thủy không đề cập đến con số chi tiết, song CEO VinFast toàn cầu cho biết, hiện tại số lượng VinFast bán còn khiêm tốn, đang chờ đợt cập nhật phần mềm sau đó sẽ giao nhiều xe hơn.

Với việc đã niêm yết thành công và gây được tiếng vang, bước kế tiếp có lẽ VinFast sẽ tập trung làm sản phẩm, cải tiến để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dùng và cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường được xem là khó tính nhất này. Đây có lẽ cũng là một trong những chiến lược cốt lõi của VinFast khi quyết định đánh vào thị trường Mỹ, vì nếu chinh phục được thành công thị trường này, hoặc ít nhất chiếm được một thị phần nhất định, cũng đủ giúp VinFast lấy tiếng và bán hàng cho các thị trường dễ tính hơn tại các khu vực khác.

Ngoài ra, việc lựa chọn thị trường với nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất này cũng có thể giúp VinFast liên tục cọ xát và học hỏi kinh nghiệm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhanh nhất. Khách hàng tại Mỹ vốn khó tính và đặt ra những yêu cầu cao nhất cũng giúp các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường này luôn phải đứng trước áp lực cải tiến, nghiên cứu, tìm tòi, khai phá và liên tục tự nâng cao chính mình. Nói cách khác, khi đã lựa các thị trường khó nhất và các đối thủ khó nhất, nếu vẫn tồn tại được thì việc chinh phục các thị trường khác sẽ khả thi hơn.

Bên cạnh đó, các hãng xe truyền thống khác có thể mất nhiều nguồn lực và thời gian hơn để chuyển đổi sang mô hình sản xuất xe điện, từ đó có thể bị phân tán nguồn lực. Ngược lại, nếu VinFast chỉ tập trung làm xe điện sẽ có những lợi thế cạnh tranh nhất định, vì quá khứ cũng cho thấy những tập đoàn với quy mô quá lớn và chiếm thị phần quá cao ở một phân khúc truyền thông, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chuyển đổi sang một mô hình kinh doanh mới với phân khúc khách hàng mới.

Cuối cùng, việc VinFast quyết định đầu tư và xây dựng nhà máy tại Mỹ cũng là cách để cho thấy Việt Nam nỗ lực nhất định trong việc thực hiện đầu tư ngược trở lại Mỹ, hưởng ứng chính sách thu hút nhà đầu tư vào Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump kéo dài sang Tổng thống Joe Biden hiện nay. Đáng lưu ý, nước Mỹ dưới thời tổng thống Biden cũng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư tư nhân đối với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng xanh.

Với việc đã niêm yết thành công và gây được tiếng vang, bước kế tiếp có lẽ VinFast sẽ tập trung làm sản phẩm, cải tiến để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dùng và cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường được xem là khó tính nhất này. Đây có lẽ cũng là một trong những chiến lược cốt lõi của VinFast khi quyết định đánh vào thị trường Mỹ, vì nếu chinh phục được thành công thị trường này, hoặc ít nhất chiếm được một thị phần nhất định, cũng đủ giúp VinFast lấy tiếng và bán hàng cho các thị trường dễ tính hơn tại các khu vực khác.

Khả Hân