Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Giải pháp cần đồng bộ
Người tiêu dùng ngày càng xem trọng yếu tố bền vững khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy, có đến 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu buộc doanh nghiệp (DN) phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều DN chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa. Việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn đã tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Bên cạnh đó, việc kiểm định hàng hóa xanh, hàng hóa sạch, hàng hóa đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ đối với DN nhiều khi chưa thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường làm giảm niềm tin người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm xanh thiếu đồng bộ và còn bộc lộ nhiều bấp cập. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ còn ít.
Tổng giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí công nghệ cao tại TP.HCM cho biết, bên cạnh việc xử lý hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tiếp cận vốn vay, DN phải rót thêm một khoản vốn đầu tư khá cao nếu sản xuất xanh. Thế nhưng, chưa có nhiều ưu đãi vay vốn để phát triển xanh nên nhiều DN chưa mặn mà với vấn đề này.
Đã vậy, chi phí sản xuất sản phẩm xanh cao hơn nhiều so với hàng hóa tương tự nên giá thành cao, khó cạnh tranh. Nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn về sản phẩm xanh chưa cao là những yếu tố khiến DN e ngại đầu tư sản xuất xanh. Như chia sẻ của ông Jinwoo Song - Tổng giám đốc Baemin Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi hành vi khách hàng. Mặc dù người tiêu dùng quan tâm nhất định tới sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng những sản phẩm này chưa phải là quá lớn. Trong đó, giá cả là yếu tố chi phối, quyết định chọn lựa sản phẩm của khách hàng. Hiện giá nguyên liệu thân thiện môi trường chênh lệch đến 30% so với sản phẩm thông thường là rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, Bộ Công Thương đã triển khai chương trình “Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thế tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Cùng với đó, đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2023 cũng bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng cần hơn nữa những cuộc trao đổi, chia sẻ để thu hút sự quan tâm của xã hội, từ đó kêu gọi người dân hướng tới hiệu quả của sản xuất, tiêu dùng bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội, trong đó người tiêu dùng đóng vai trò quyết định.
Cần giải pháp đồng bộ
Để hướng đến mô hình phát triển bền vững, cần có các giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực từ nhà sản xuất, nhà cung cấp và cả người tiêu dùng, cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ của các cơ quan chức năng, địa phương phải phù hợp, khuyến khích được sản xuất, tiêu dùng xanh.
Một trong những điều cần nhất hiện nay là Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh sao cho đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Cần xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết là những hàng hóa Việt Nam đang có thế mạnh.
Đồng thời phải có chính sách khuyến khích phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, cần phát triển và nhân rộng các mô hình DN xanh, hỗ trợ giá cho các sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng bá nhằm kích cầu tiêu dùng những sản phẩm này. Tuyên truyền về lợi ích của sản phẩm, dịch vụ xanh cũng như lợi ích trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người tiêu dùng “xanh”.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, có biện pháp nghiêm khắc với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng.
38% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng,
việc doanh nghiệp mang đến sản phẩm,
dịch vụ giảm tác động lên môi trường là rất quan trọng
(Nghiên cứu của NielsenIQ)