Quốc tế

Vì sao lãi suất sẽ còn neo cao?

Khả Hân 14/08/2023 17:00

Dù chính sách thắt chặt tiền tệ đang vào hồi kết, nhưng lãi suất có lẽ sẽ còn neo cao một thời gian trong bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì ở mức cao và chưa nằm trong mục tiêu đề ra của ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước.

rate-1.jpg

Hồi kết thắt chặt chính sách tiền tệ?

Cuộc họp tháng 7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần thứ 11 trong 12 cuộc họp gần nhất, với mức tăng 0,25%, đưa lãi suất cơ bản USD lên mức cao nhất trong 22 năm qua tại mức 5,25-5,5%. Cùng với việc tăng lãi suất, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cũng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối kế toán, trước khi thắt chặt định lượng.

Đáng lưu ý là trong khi thị trường cho rằng đây là đợt tăng lãi suất cuối cùng của FED, thì Chủ tịch FED Jerome Powell lại để ngỏ khả năng tăng lãi suất. Đây là điều khá bất ngờ vì kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, FED thường thông báo về những động thái tiếp theo. Dù vậy, có thể thấy chu kỳ tăng lãi suất của các NHTƯ lớn nhất thế giới đã bước vào giai đoạn cuối, dù tháng 9 tới có hay không một đợt tăng lãi suất nữa.

Nối gót FED, NHTƯ châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất đồng euro thêm 25 điểm cơ bản, lên 3,75%, mức cao nhất kể từ năm 2000. Trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp, ECB không đưa ra gợi ý rõ ràng về việc tăng lãi suất thêm nữa như những kỳ họp trước, cho thấy việc không chắc ECB sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong kỳ họp tháng 9 tới hay không.

Không ít NHTƯ đang xem xét dừng lại lộ trình tăng lãi suất, mà được cho là nhanh nhất trong nhiều năm qua. Thống kê cho thấy, 9 nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất tổng cộng 3.840 điểm cơ bản trong chu kỳ này, ngoại trừ Nhật Bản vẫn giữ chính sách “ôn hòa”. Nhưng giờ đây, trước rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia đang cân đối lại chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, NHTƯ New Zealand, Úc đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuối tháng 7 vừa qua.

Lãi suất tăng nhanh đã ảnh hưởng đến đầu tư tại các quốc gia này,
khiến sức cầu tiêu dùng suy yếu, góp phần làm thu hẹp thương mại toàn cầu và đảo ngược dòng vốn đầu tư quốc tế từ các nền kinh tế mới nổi. Hệ quả là những nước đang phát triển đối mặt rủi ro tỷ giá, áp lực lãi suất tăng theo và sự xuống dốc của các thị trường tài sản.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm có thể khiến các điều kiện tài chính nới lỏng quá nhanh, tạo áp lực lạm phát gia tăng trở lại.

Hiện một số quốc gia đã rơi vào suy thoái, như nền kinh tế hàng đầu của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Đức, GDP giảm 0,4% trong quý IV/2022, giảm 0,1% trong quý I/2023 và tiếp tục giảm 0,2% trong quý II vừa qua.

Nhưng lãi suất sẽ neo cao?

Tuy nhiên, dù chính sách thắt chặt tiền tệ đang đi vào hồi kết, nhưng lãi suất có lẽ sẽ còn neo cao một thời gian nữa, trong bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì ở mức cao và chưa nằm trong mục tiêu đề ra của các NHTƯ. Điều này đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm và cần nhiều thời gian hơn trước khi quay trở lại giai đoạn tăng trưởng tích cực và ổn định như trước, do lãi suất cao hơn và việc không ai biết chắc liệu lãi suất có tăng tiếp hay không đang cản trở động lực dành cho đầu tư.

Đơn cử như tại Mỹ, Chủ tịch FED cho biết lạm phát đã hạ nhiệt kể từ giữa năm ngoái, nhưng “vẫn còn một chặng đường dài” mới có thể đạt được mục tiêu 2% của FED. Con số lạm phát hằng năm trong tháng 6 là 3%, giảm mạnh so với mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, ông Jerome Powell cho biết sẽ cần thêm những dữ liệu như vậy để chắc chắn rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững.

Theo khảo sát do ECB công bố mới đây, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Eurozone năm nay không thay đổi ở mức 0,6% so với ba tháng trước, trong khi các dự báo cho năm 2024 đã giảm nhẹ 1,1%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Anh được dự báo sẽ không thay đổi trong phần còn lại của năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn làm chậm quá trình mở rộng, theo dự báo gần đây của nhóm chuyên gia tại Ngân hàng Goldman Sachs.

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, căng thẳng địa - chính trị giữa các nước lớn, xu hướng tách rời kinh tế của các khu vực, cường quốc, dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị đứt gãy, tắc nghẽn tại một số mắt xích. Điều này khiến lạm phát khó có thể giảm nhanh, đặc biệt là tại các nước phát triển.

Đơn cử như gần đây là sự leo thang của giá lương thực toàn cầu, sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, kéo theo hàng loạt quốc gia có chính sách tích trữ và hạn chế xuất khẩu lương thực. Hệ quả là diễn ra tình trạng người dân chen lấn nhau mua lương thực để “tích cốc phòng cơ”, giữa lúc giá gạo xuất khẩu tại nhiều nước đã lên mức cao nhất 10 năm qua.

Chưa dừng lại ở đó, giá năng lượng gần đây cũng có xu hướng tăng mạnh trở lại. Giá dầu thế giới đã trải qua 5 tuần tăng liên tiếp tính đến cuối tháng 7, khi nguồn cung bị thắt chặt sau động thái cắt giảm sản lượng từ Liên minh OPEC+ đã thông báo vào đầu tháng 8.

Cùng với xu hướng dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm, theo giới phân tích, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 8 có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm 2021. Ngược lại, nguồn cầu dầu có thể gia tăng trong thời gian tới khi Trung Quốc cam kết đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đối với Mỹ, khi FED ngừng tăng lãi suất, đồng USD có khả năng mất giá mạnh, đặc biệt là khi mới đây nền kinh tế số một thế giới đã bị Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm từ mức cao nhất là AAA xuống AA+, một phần vì bế tắc trần nợ cách đây vài tháng. Tổ chức này cũng dự báo tình hình tài khóa của Mỹ sẽ xuống cấp trong 3 năm tới, gánh nặng nợ công sẽ tăng cao và chất lượng quản trị đi xuống so với các nước có cùng xếp hạng AA và AAA trong hai thập niên qua. Với đồng USD yếu hơn, hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ có xu hướng đắt đỏ hơn, càng khiến mục tiêu kéo giảm lạm phát thêm thách thức.

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, căng thẳng địa - chính trị giữa các nước lớn, xu hướng tách rời kinh tế của các khu vực, cường quốc, dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị đứt gãy, tắc nghẽn tại một số mắt xích. Điều này khiến lạm phát khó có thể giảm nhanh, đặc biệt là tại các nước phát triển.

Khả Hân