Nguyễn Quang Thạch chia sẻ về “Những bước chân hy vọng”
Cuối tuần qua, tại Đường sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu ra mắt cuốn sách "Những bước chân hy vọng" của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch. Sự kiện được tổ chức bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và tác giả Nguyễn Quang Thạch.
Từ nhiều năm nay, bên cạnh việc thúc đẩy xây dựng tủ sách cho các lớp học, giáo xứ, làng quê, dòng họ ở Việt Nam, Nguyễn Quang Thạch còn ấp ủ và đã bắt tay đặt những nền móng đầu tiên cho chương trình xây dựng tủ sách, phát triển văn hóa đọc ở các quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Ấn Độ hay một số quốc gia châu Phi.
Về chương trình sách hóa nông thôn tại Việt Nam và Ấn Độ, Nguyễn Quang Thạch giải thích:
“Sự ám ảnh và sự thôi thúc tôi là việc cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp và treo lên cành cây hồi năm 2011. Hình ảnh ấy làm lồng ngực tôi nóng lên và tự hứa rằng, tôi sẽ sang Ấn Độ làm tủ sách giúp trẻ em ở đó như là cách ngăn ngừa các tội ác tương tự trong tương lai.
Từ năm 2011-2019, tôi gặp gỡ với các ông bố, bà mẹ, thầy cô giáo và trẻ em, cũng như sự đóng góp ý kiến của cha tôi, việc sang Ấn Độ làm tủ sách có thêm những mục tiêu khác ngoài mong muốn nêu trên, gồm tạo nhận thức với thanh thiếu niên Việt Nam về vai trò của bản thân trong việc đóng góp vào phát triển của nhân loại rộng lớn; xóa bỏ suy nghĩ trong nhiều người rằng chúng ta là nước nhỏ nên không thể tạo thay đổi bên ngoài Việt Nam; thiết lập ngoại giao nhân dân để khi đất nước cần.
Chính vì vậy, tôi đã cam kết trước đại điện nhiều quốc gia rằng: “Chúng ta có thể mở đường cho một thế giới dân chủ, hòa bình, nhân văn và tiến bộ bằng cách tăng cường quyền đọc sách của trẻ em trên toàn thế giới. Tôi sẽ là thành viên kiên trì công việc đó bằng bước chân, trái tim và trí não của mình”.
Việc ra mắt cuốn sách và tổ chức các buổi giao lưu liên quan đến tác phẩm Những bước chân hy vọng là cách để nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch kết nối và kêu gọi sự chung tay của nhiều người cho chương trình nhiều ý nghĩa này.
Tại buổi ra mắt sách, chị Vũ Thị Thu Hà - người quyên góp hàng nghìn tủ sách trong phong trào sách hóa nông thôn của tác giả Nguyễn Quang Thạch cũng đã có những chia sẻ về việc đưa sách đến trại giam. Được biết, chị Hà từng đem hơn 1.000 cuốn sách nhiều thể loại như định hướng nghề nghiệp, phật pháp đến trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang). Tại đây, chị Hà đã lắng nghe nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời và giúp họ trở nên tự tin, sống có ý nghĩa hơn qua việc đọc sách.