Góc nhìn

Hệ lụy của việc quá dễ dãi với cái đẹp

Huỳnh Thị Ánh Tuyết (*) 12/08/2023 06:00

Hệ lụy của việc quá dễ dãi với cái đẹp đã tạo nên những chân dung hoa hậu đầy những lỗi về văn hóa và cách ứng xử kém chừng mực, thích đề cao bản thân quá đà.

chung-khao-hoa-hau-the-gioi-viet-nam-2023-2-copy.jpg

Cách đây vài ngày, đứa con trai bé bỏng của tôi sau khi chăm chú xem một đoạn clip trên mạng đã hỏi: “Mẹ ơi! Ở Bình Định có ba người nổi tiếng là hoa hậu Ý Nhi, nhà thơ Hàn Mạc Tử và vua Quang Trung phải không mẹ?”.

Câu hỏi ngây thơ của con khiến tôi giật mình. Khi ngồi xem lại lời phát biểu của cô hoa hậu, tôi không khỏi ngán ngẩm về sự thiếu hụt kiến thức lẫn thái độ tự phụ thái quá của cô hoa hậu.

Không chỉ sai về kiến thức, cô hoa hậu còn tự nhận mình là người nổi tiếng trước cả vua Quang Trung, nhà thơ Hàn Mặc Tử. Vì thế mà người đời có thể cho rằng cô hoa hậu thiếu tôn trọng các bậc tiền nhân có công giữ nước, có tài để lại những bài thơ sống mãi cùng năm tháng.

Con người dù ở bất kỳ thời điểm hay cương vị nào mà thiếu lòng tri ân công lao của thế hệ đi trước thì mọi việc làm trong hiện tại cũng chỉ bằng không. Huống chi, cô gái này chỉ vừa đăng quang hoa hậu, chưa tạo được bất kỳ giá trị hay thành tựu nào cho xã hội, đã vội vàng thể hiện bản thân một cách quá đà.

Là một giáo viên dạy lịch sử, cá nhân tôi tự hỏi chẳng biết những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, cô hoa hậu có tên là Ý Nhi này đã tiếp thu tri thức và tu dưỡng cách ứng xử ra sao mà lại có những phát ngôn đến “kém duyên” như thế trước công chúng.

y-nhi-2.jpg
Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi

Đó là chưa kể đến sự “bộc bạch” của cô về tiêu chuẩn người yêu: “Tôi nghĩ tình yêu sẽ là động lực để bạn trai thay đổi vì tôi chứ không phải vì tôi mong muốn mà bạn trai làm điều đó. Nếu bạn trai ít hoặc không thay đổi thì tôi vẫn sẽ ủng hộ và tôn trọng bạn. Tôi nghĩ đây là một vấn đề mà mọi người quan tâm nên hy vọng mọi người đừng đặt nặng lên bạn trai. Bạn là người bình thường thôi, mọi người hãy đặt sự chú ý vào tôi”.

Ngày 29/7/2023, cô hoa hậu lại tiếp tục gây tranh cãi khi phát ngôn về những người đồng trang lứa. Cô nói: “Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã lo nghĩ sau này mình sẽ làm gì. Bạn bè đồng trang lứa với tôi dành thời gian để ngủ, để chơi, đi uống trà sữa hay cà phê thì tôi đã trưởng thành hơn các bạn. Tôi đã có công việc, các bạn vẫn đang là sinh viên thì tôi đã là hoa hậu rồi. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình”.

Phát ngôn này của Ý Nhi được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến cô tiếp tục nhận chỉ trích gay gắt từ công chúng. Thậm chí, nhiều khán giả còn yêu cầu ban tổ chức Miss World Vietnam 2023 tước vương miện hoa hậu, hủy bỏ suất đi thi Miss World 2024 của cô.

Sự vô minh trong tri thức, kém hiểu biết về xã hội đã gây nên lỗi về văn hóa trong cách ứng xử của cô gái này. Cũng từ những lỗi văn hóa khiến Ý Nhi từ thời điểm đăng quang cho đến nay liên tục nhận được những phản ứng trái chiều từ dư luận, thậm chí trở thành hoa hậu có lượng “anti-fan” nhiều nhất trên các diễn đàn mạng xã hội.

Đi cùng với sự phát triển của xã hội, thông điệp của các cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp không còn dừng lại ở vẻ đẹp nữ tính đơn thuần mà còn để thảo luận những vấn đề xã hội. Nhìn xa hơn, việc tham gia các cuộc thi hoa hậu quốc tế cũng là cơ hội để một quốc gia thể hiện mong muốn được hòa nhập và khẳng định vẻ đẹp văn hóa và hình ảnh đất nước mình. Lâu dần, các cuộc thi sắc đẹp quốc tế dần trở thành sân khấu để các nhà tổ chức, khán giả và cả thí sinh tìm kiếm những giá trị chung, đồng thời khẳng định niềm tự hào quốc gia qua hình tượng người đẹp.

Đáng buồn, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp ở Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng đi xuống. Giữa thời buổi khi cứ vài tuần lại có một hoa hậu đăng quang, khán giả như chúng tôi không khỏi cảm thấy ngao ngán và ái ngại vì tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp và những giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống ngày một thấp.

Cá nhân tôi tự hỏi, lẽ nào đích đến của một cuộc thi hoa hậu chỉ là tìm kiếm những gương mặt xinh đẹp, ăn ảnh mà không quan tâm đến phông nền văn hóa, những hiểu biết cơ bản và cách ứng xử cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc sao? Liệu những “bình hoa di động” chỉ có vẻ bề ngoài ấy có thể lan tỏa được bài học hay thông điệp gì cho công chúng hay chỉ đơn thuần là chiêu trò để “đánh bóng” tên tuổi cho riêng một cá nhân hay đơn vị tài trợ nào đó? Hệ lụy của việc quá dễ dãi với cái đẹp đã tạo nên những chân dung hoa hậu đầy những lỗi về văn hóa và cách ứng xử kém chừng mực, thích đề cao bản thân quá đà.

Khi các giá trị tích cực bị đặt sang một bên để đồng tiền và những cám dỗ đời thường “lên ngôi” thì cũng là lúc các cuộc thi người đẹp không còn là diễn đàn tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa. Ngược lại, nó trở thành cơ hội đổi đời một cách dễ dãi cho những cô gái bị tham vọng nổi tiếng và tiền tài lôi cuốn. Và đương nhiên, những người đẹp vô minh về văn hóa, thiếu chừng mực trong ứng xử ấy sẽ ngay lập tức gây phản cảm.

Thiết nghĩ, đã là hoa hậu, đảm đương vai trò là biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ thì mọi ứng xử, phát ngôn phải phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng, giúp xã hội ngày càng đẹp hơn. Ðó là điều công chúng mong đợi, cũng đồng thời là điều mà ban giám khảo - những người có quyền quyết định trong cuộc thi cần phải xác định để trao vương miện cho đúng người.

(*) Giáo viên môn lịch sử

Huỳnh Thị Ánh Tuyết (*)