Chuyện làm ăn

Tháo “điểm nghẽn” logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Hồng Nga 11/08/2023 11:00

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm, logistics được xem là thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ kém và thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành chưa thể phát triển thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và cũng khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu kém cạnh tranh với các nước.

Thị trường mới nổi

logistics1.jpeg
Cảng Cát Lái (TP.HCM) - cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam bộ nhưng suốt nhiều năm bị bủa vây bởi ùn tắc

Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam xếp hạng thứ 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng.

Hiện Việt Nam là quốc gia đang đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics được cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FCM) cấp phép. Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4-5%.

Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50-60%, chi phí giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên…

Chia sẻ tại tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu”, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng bình quân từ 14-16% một năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các DN và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các DN dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng, cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân DN.

Nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu

Tăng trưởng là vậy nhưng ông Trần Thanh Hải cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao, thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ logistics với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển dịch vụ logistics chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng…

logistics.jpg
Thị trường logistics đầy tiềm nhưng chưa phát triển tương xứng

Những năm qua, đầu tư vào hạ tầng khá lớn, có những sân bay mới, bến cảng mới… nhưng vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ. Đến nay, các cảng biển và sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa. Trong khi đó, kho bãi chưa đủ số lượng và chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa. Có đến hơn 50% kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Đơn cử như cảng Cát Lái (TP.HCM) - cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam bộ nhưng suốt nhiều năm bị bủa vây bởi ùn tắc đã làm suy giảm hoạt động kinh tế toàn khu vực.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng DN ngành này rất đông nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên năng lực chủ yếu cung cấp dịch vụ trong phạm vi biên giới Việt Nam. Các công ty logistics Việt Nam dù chiếm hơn 80% số lượng nhưng chỉ giữ khoảng 30% thị phần, mới đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỷ USD.

Chính việc thiếu liên kết giữa các DN đã khiến cho ngành logistics khó hình thành mạng lưới các DN logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Ngoài các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN xuyên quốc gia, số lượng DN cung cấp dịch vụ tích hợp (3PL và 4PL) chưa nhiều và chưa đủ mạnh để cạnh tranh được với các DN nước ngoài đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Nhân lực - một trong những chìa khóa cốt lõi để phát triển ngành vẫn đang chậm so với các nước bởi thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp trung. Ngoài ra, về công nghệ, dù đang trong thời đại 4.0, tác động của công nghệ tới các ngành là rất rõ nhưng sự áp dụng công nghệ trong ngành này chưa rõ.

Các lý do trên dẫn đến chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay cao hơn các quốc gia trong khu vực, chiếm 18% GDP, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (8,5%) và các nước phát triển khác (8-15%). Trong khi đó, logistics chiếm 30-40% chi phí sản xuất - kinh doanh, do đó hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia, để ngành logistics phát triển, trở thành trung tâm tầm cỡ khu vực, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ Nhà nước, bộ, ngành, địa phương và cả DN.

logistics2.jpg
Các chuyên gia cho rằng các giải pháp kho bãi phải thích nghi với các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối...

Cụ thể, Chính phủ cần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn và lãi suất ưu đãi cho DN số hóa, đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính… Trong đó, ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng kết hợp công tư, huy động tối đa nguồn vốn tư nhân như các địa phương đã huy động để phát triển sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi…

Theo ông Đặng Vũ Thành - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), việc kéo giảm chi phí logistics đang là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Vì thế, cần nhanh chóng hình thành trung tâm logistics lớn, nâng cao hiệu quả liên kết liên vùng; cải thiện kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp, kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam (hiện tại khoảng 18% GDP)…

Cùng với các chương trình, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, các DN cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Các giải pháp kho bãi phải thích nghi với các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối... Không chỉ vậy, DN cần hướng tới cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các DN cung cấp dịch vụ và các DN chủ hàng.

Ở góc độ này, ông Mike Bhaskaran - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Công nghệ Kỹ thuật số DP World cho rằng, Việt Nam cần tăng cường khả năng hiển thị và tính minh bạch thông qua thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ Internet vạn vật, hệ thống theo dõi GPS. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo xu hướng thị trường.

Ngày 10/8/2023, Triển lãm Quốc tế Logistics - VILOG 2023 đã khai mạc với sự tham gia của 250 DN là những DN hàng đầu trong ngành logistics, đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ để tìm hiểu xu hướng mới ngành logistics. Triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ tiên tiến nhất của ngành logistics với các nhóm ngành hàng và dịch vụ gồm vận tải - giao nhận, kho bãi - chuỗi lạnh, thiết bị - công nghệ đóng gói, ứng dụng công nghệ logistics, các dịch vụ hỗ trợ khác.

trien-logistic.jpg

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 - VILOG 2023 được tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Việc Việt Nam lần đầu tiên có một triển lãm quốc tế logistics với quy mô lớn là một một dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới. Sự kiện cũng là cơ hội lớn để các DN dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, DN chủ hàng và các bên liên quan khác giới thiệu sản phẩm, giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình logistics của DN.

Triển lãm kéo dài đến ngày 12/8/2023 và dự kiến thu hút 20.000 lượt khách đến tham quan giao dịch.

Hồng Nga