Chuyện làm ăn

Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại

Hồng Nga 10/08/2023 11:00

Các doanh nghiệp (DN) gỗ, may mặc, thủy sản đã bắt đầu nhận những đơn hàng mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các DN vẫn phải cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Gỗ đón đơn hàng mới

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trở lại, đạt 1,1 tỷ USD, cao hơn 3,7% so với tháng 5.

go.jpeg
Những tín hiệu tích cực giúp ngành gỗ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2023

Thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng cho thấy những tín hiệu vui của ngành. Cụ thể, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, DN trong ngành đã đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế.

Tuy số lượng các đơn hàng mới chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA cho rằng, đây là những tín hiệu khả quan và ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra đầu năm 2023.

Nhận định của ông Quốc Khanh là có cơ sở bởi trên thực tế, dù kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn có những mặt hàng tăng trưởng đáng kể. Đơn cử, mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 3 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 31,7 triệu USD; sản phẩm dăm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 3%.

Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là hai thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

Số liệu từ Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thị trường châu Âu đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sang châu Âu được đánh giá là sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm.

Điều đáng mừng là trong thời điểm khó khăn này đã có những khách hàng nước ngoài đến Việt Nam tìm nguồn cung sản phẩm gỗ. Ông Trần Lam Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty Gỗ Thiên Minh cho biết, không chỉ DN Việt tìm nhà mua hàng mà một số khách hàng nước ngoài đã đến Việt Nam tìm nguồn hàng. Hiện thị trường Mỹ bắt đầu ấm dần, hàng tồn đã được tiêu thụ và xu hướng tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại.

Riêng với Thiên Minh, từ tháng 6/2023 đến nay, đơn hàng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các đơn hàng chủ yếu là đơn hàng nhỏ và không dài như thời điểm trước dịch Covid-19, nhưng cũng giúp công ty duy trì hoạt động và triển khai kế hoạch để đón những đơn hàng mới theo yêu cầu “xanh hóa” với các tiêu chuẩn về tuân thủ trách nhiệm xã hội, môi trường, chứng minh gỗ sử dụng là gỗ rừng trồng…

Tôm, may mặc đứng trước nhiều cơ hội

Cũng như gỗ, sau thời gian ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam hồi phục với lượng đơn hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu các nhà nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

thuy-san.jpg
Ngành thủy hải sản đã có những tín hiệu khởi sắc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), có những yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm. Đó là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu đặt hàng chuẩn bị phục vụ mùa lễ hội cuối năm tăng và nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.

Ngành may mặc cũng đã nhận những đơn hàng mới dù chưa nhiều và không lớn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan trong tháng 7/2023 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước đó.

Một điều thuận lợi nhất của các DN xuất khẩu là giá thuê container hiện rất rẻ. Nếu như năm ngoái giá thuê container luôn đứng ở mức 17.000-18.000 USD, thì nay giảm còn có 800-1.000 USD. Điều này cũng góp phần giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá rất cạnh tranh so với hàng các nước.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, hiện thị trường may mặc Mỹ vẫn chưa phục hồi nhưng thị trường các nước châu Á đang rất tốt. Trong đó, các nước Trung Đông và Đông Nam Á (Malaysia, Singapore) đang có nhu cầu nhập khẩu cao từ Việt Nam. Với thời gian vận chuyển chỉ khoảng một tuần và giá cả có thể chấp nhận được, thị trường châu Á đang là “cứu cánh” cho DN may mặc của Việt Nam trong thời điểm này.

Vì thị trường tốt châu Á đang tốt nên ông Phạm Quang Anh quyết định hủy chuyến xúc tiến thương mại thị trường Mỹ trong tháng 10 tới và chuyển qua thị trường châu Á. “Thay vì đi Mỹ, tôi chuyển qua đi Malaysia, tăng cường kết nối với các đối tác ở thị trường này. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các đối tác Trung Đông và hàng đồng phục”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

may-mac.jpeg
Doanh nghiệp dệt may tích cực tìm kiếm thị trường mới

Tuy thị trường có tín hiệu khởi sắc nhưng theo các DN, những khó khăn vẫn còn đó bởi đơn hàng chủ yếu trong thời gian ngắn, quy mô nhỏ và cơ cấu mặt hàng đa dạng hơn, khiến DN khó tính toán dài hơi và phải có sự thích ứng nhanh chóng. Bên cạnh đó, để có được khách hàng, DN phải gia tăng các sản phẩm có tính thiết kế và giá cả cạnh tranh.

“Trong điều kiện hiện nay, DN phải năng động, thay đổi mẫu mã, thiết kế phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, tham gia tất cả hoạt động, trong đó marketing phải mạnh, quản lý chất lượng phải tốt, giá thành phải cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải có sự đồng hành của ngành ngân hàng giải quyết vấn đề lãi suất. Các bài toán phải quyết cùng một lúc mới vượt qua được”, ông Trần Lam Sơn chia sẻ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1%. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cả nước vượt 30 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%. Nhóm hàng hóa nông sản, đặc biệt là hai mặt hàng lúa gạo, rau quả đã lập kỷ lục xuất khẩu với mức tăng 68,1% và 29,6%, tương ứng 3,23 tỷ USD và 2,58 tỷ USD.

Hồng Nga