Góc chuyên gia

Xu hướng tích cực của ASEAN thúc đẩy Việt Nam trường tồn và phồn vinh

TS. Đoàn Duy Khương (*) 08/08/2023 19:00

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8/8/1967 tại Bangkok, Thái Lan. Hiện nay, ASEAN đã phát triển thành một cộng đồng với 10 quốc gia thành viên. Khối này lấy sự duy trì ổn định an ninh chính trị làm nền tảng thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội trong khu vực.

Trải qua gần 60 năm phát triển, khu vực đã hình thành một cộng đồng kinh tế ASEAN năng động với 700 triệu dân trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng của từ ba xu hướng cơ bản:

1. Mặc dù có nhiều áp lực kinh tế toàn cầu đang gia tăng, ASEAN vẫn là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng từ 5-6%. Trong hơn một thập kỷ qua, thương mại nội khối ASEAN đã đạt khoảng 750 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng thương mại của khu vực.

Với tổng kim ngạch thương mại hơn 3.000 tỷ USD, ASEAN đã trở thành khu vực thương mại lớn thứ tư trên thế giới, sau EU, Trung Quốc và Mỹ.

Tổng dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng từ 108 tỷ USD năm 2010 lên gần 200 tỷ USD, đưa ASEAN trở thành khu vực nhận FDI lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trong ASEAN cũng có nước đứng trong top đầu các nước có năng suất và khả năng cạnh tranh cao nhất trên thế giới.

2. Vị trí địa chính trị của Biển Đông ngày càng quan trọng trong bối cảnh chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó càng khẳng định vị trí trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương - IPEF).

Hiện nay, trong liên kết khu vực, ASEAN đã quản lý một cách chủ động và hiệu quả những thách thức chung như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột, dịch bệnh và thảm họa thiên nhiên…

3. Ngoài ra, còn có hai xu hướng mới nổi trong khu vực sẽ định hình tương lai của các nỗ lực hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN. Trong số đó, nổi bật nhất là chuyển đổi kỹ thuật số (nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030) và nhu cầu cấp bách về cân nhắc tính bền vững (môi trường sinh học và chênh lệch phát triển đang gia tăng giữa các quốc gia). Cả hai đều nằm trong chương trình nghị sự hội nhập kinh tế ASEAN. Cách tiếp cận toàn thể cộng đồng là cần thiết, do tính chất quan trọng của những vấn đề này.

Ở Việt Nam, với chủ trương đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên Hiệp Quốc… Trong tiến trình đó, hiện nay Việt Nam đã trở thành Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, bên cạnh hợp tác chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của khu vực ASEAN.

asean.jpg

ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sau các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế. Thay vào đó, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ.

Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc, nhưng năng suất lao động vẫn còn thấp.

Năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất của Singapore, 63,9% của Thái Lan, 94,2% của Philippines, 24,4% của Hàn Quốc, 58,9% so với Trung Quốc. Đây có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và trường tồn của Việt Nam, cũng như dẫn đến sự tụt hậu và cạm bẫy trung bình của quốc gia.

Theo các nhà chiến lược kinh tế, nâng cao năng suất lao động và có lợi thế cạnh tranh quốc gia sẽ đem lại sự thịnh vượng bền vững. Chỉ cần một vài phần trăm tăng năng suất cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mức độ giàu có và mức sống của một quốc gia theo thời gian.

Các doanh nghiệp sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh khi một nhà nước pháp quyền cho phép và hỗ trợ tích lũy nhanh nhất các tài sản và kỹ năng chuyên biệt (kỹ năng của một quốc gia trong việc tạo ra và thương mại hóa sự đổi mới, giúp đầu tư và người lao động làm việc hiệu quả hơn), hoặc đôi khi chỉ đơn giản là do nỗ lực và cam kết cao hơn.

Khi một môi trường quốc gia cung cấp thông tin liên tục tốt hơn và hiểu rõ hơn về nhu cầu của sản phẩm và quy trình, các doanh nghiệp sẽ có được lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng, khi môi trường quốc gia buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và đầu tư, các doanh nghiệp vừa đạt được lợi thế cạnh tranh vừa nâng cấp những lợi thế đó trong tương lai. Trong quá trình đó, khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của công nghiệp 4.0 thông qua đầu tư vào số hóa sản xuất, sử dụng các giải pháp sản xuất tiên tiến, xây dựng nhà máy thông minh và thiết lập cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm công nghệ và trung tâm xuất sắc trong khu vực.

Lịch sử ở nước ta những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước cho thấy, kinh nghiệm thành công của cơ chế khoán sản phẩm đã đem lại năng suất cao trong ngành sản xuất nông nghiệp, tạo được đột phá lan tỏa sang các ngành khác, hướng tới nền kinh tế thị trường và là nền tảng cho lý luận và thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường trong công cuộc đổi mới.

Để thực hiện thắng lợi đường lối chính sách của Nhà nước trong các xu hướng tích cực của khu vực ASEAN và hướng đến một quốc gia trường tồn và phồn vinh, nên chăng cần nghiên cứu và triển khai 4 nội dung quan trọng dưới đây:

Tầm nhìn hội nhập

Ưu tiên phát triển hữu nghị và hợp tác kinh tế với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á và ASEAN. Xác định rõ đây là nền tảng trong chính sách hội nhập bền vững của đất nước và là cơ sở để phát triển mạnh mẽ toàn diện các chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế song phương và đa phương của đất nước.

Trong quá trình đó, cần chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và hoàn thiện các thể chế hợp tác tích cực (luật pháp, quy tắc ứng xử COC…) với các đối tác chiến lược mở rộng của ASEAN, như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Mỹ… cũng như các chương trình sáng kiến hợp tác khu vực như RCEP, IPEF… đảm bảo các nguyên tắc công khai, bình đẳng và “win - win” cho các bên tham gia.

Chính phủ

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc phát triển môi trường kinh doanh quốc gia cạnh tranh lành mạnh trước pháp luật, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy các doanh nghiệp phải đổi mới nghiên cứu và phát triển để các doanh nghiệp vừa đạt được lợi thế cạnh tranh vừa nâng cấp những lợi thế đó.

Cần xác định vị trí của quốc gia trong các yếu tố sản xuất, chẳng hạn như lao động lành nghề hoặc cơ sở hạ tầng, cần thiết để cạnh tranh trong một ngành nhất định. Qua đó xác định các ngành công nghiệp có khả năng đột phá và lan tỏa trong nền kinh tế thị trường Việt Nam ở các lĩnh vực nông nghiệp, logistics, năng lượng, kinh tế biển và công nghệ cao…

asean-2.jpg

Ngoài ra, cần nhận thức rằng, với các chính sách tài khóa và tiền tệ được các doanh nghiệp cổ súy trong việc xây dựng môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc gia thường chỉ dẫn đến việc khai thác nó và phục vụ cho các nhóm lợi ích. Nếu theo đuổi các chính sách này với tất cả sức hấp dẫn ngắn hạn của chúng, các quốc gia (kể cả quốc gia tiên tiến) hầu như sẽ không thể đảm bảo đạt được lợi thế cạnh tranh thực sự và bền vững.

Sự thịnh vượng của quốc gia được tạo ra chứ không phải được kế thừa. Nó không phát triển từ các nguồn lực tự nhiên, lực lượng lao động, lãi suất hay giá trị đồng tiền của một quốc gia… như kinh tế học cổ điển khẳng định, bởi nó dựa trên khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong việc nâng cao năng suất lao động. Về dài hạn, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào khả năng đổi mới và nâng cấp của các ngành công nghiệp cốt lõi dựa vào động lực của thị trường.

Doanh nghiệp

Sự hợp tác doanh nghiệp và sử dụng các hợp tác liên minh một cách có chọn lọc mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ở cấp độ đơn giản nhất, nó có thể là một cách để tiết kiệm chi phí và tránh trùng lặp nỗ lực.

Bên cạnh đó, cạnh tranh góp phần vào sự vận hành tốt của thị trường. Với sự cạnh tranh, các doanh nghiệp được khuyến khích và có động lực trở nên hiệu quả hơn; nhờ đó, người tiêu dùng được hưởng mức giá cạnh tranh, có nhiều sự lựa chọn hơn và các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn. Về dài hạn, cạnh tranh dẫn đến tăng năng suất, đảm bảo nền kinh tế duy trì tính cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Khi một doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới, doanh nghiệp cần duy trì lợi thế đó thông qua cải tiến không ngừng và xây dựng năng lực cốt lõi, bởi hầu như bất kỳ lợi thế nào cũng có thể bị đối thủ bắt chước.

Về chiến lược, doanh nghiệp cần xây dựng vững chắc thị phần bản địa và từng bước phát triển ra khu vực và quốc tế theo các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Xây dựng văn hóa bền vững, hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Văn hóa làm việc đoàn kết và hợp tác bình đẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hình thành văn hóa đổi mới. Văn hóa luôn đổi mới, sáng tạo trong học tập và lao động sẽ giúp các tổ chức gặt hái thành quả của thành công từ đổi mới, trong khi vẫn học hỏi từ những thất bại của họ.

Xây dựng văn hóa sáng tạo và đổi mới là một quá trình cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nguồn lực đáng kể, nhất là khi đứng trước sự thất bại hoặc thậm chí là thái độ thù địch của xã hội. Vì vậy, nếu muốn phát triển mạnh mẽ công cuộc đổi mới và sáng tạo tuyệt vời, chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời phải thích nghi với sự đổi mới trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng toàn cầu.

Xác định và triển khai tốt các nội dung trên, chắc chắn Việt Nam sẽ góp phần phát triển tích cực cộng đồng ASEAN đang hướng tới tầm nhìn sau năm 2025 và đóng góp hiệu quả vào sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội cho khu vực và thế giới.

(*) Nguyên Chủ tịch ASEAN BAC

TS. Đoàn Duy Khương (*)