Ngành nông nghiệp Việt Nam thiếu lao động chất lượng cao
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất lượng của lao động nông - lâm nghiệp và thủy sản, phần lớn vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Tại hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khu vực phía Nam vừa diễn ra ở TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong số các trường đại học đóng trên địa bàn hai vùng trên, có nhiều trường đào tạo về nông - lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.
Bên cạnh đó cũng có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vùng. Tuy nhiên, hiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Trong giai đoạn 2011-2020, lao động nông - lâm - thủy sản của vùng Đông Nam bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 người năm 2020 (mỗi năm giảm trung bình 46.700 người). Vùng đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người còn 9,36 triệu người (giảm 7,2%). Nguyên nhân là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.
Chất lượng của lao động nông - lâm nghiệp và thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2,21% đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Theo thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, 28 trường cao đẳng và 2 trường cán bộ quản lý. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hình thành mạng lưới các trường, các đơn vị đào tạo phân bố rộng trên cả nước.
Tại khu vực phía nam, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm, thủy sản như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường Đại học An Giang, Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi…
Giai đoạn 2016-2022, các trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh, thành phía nam với các trình độ: cao đẳng gần 15.000 người; trung cấp hơn 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người.
Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương trong khu vực phía nam đã đào tạo hơn 3.000 người có trình độ cao đẳng, 11.700 người trình độ trung cấp, 138.150 người có trình độ sơ cấp.
Theo đại diện Trường Đại học Cần Thơ, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo luôn ở mức thấp hơn so với cả nước, xu hướng này duy trì hơn 10 năm qua chính là thách thức đối với nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long trước bối cảnh ứng dụng tự động hóa, số hóa trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không thích học tập và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở khu vực nông thôn.
Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao vai trò nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo động cơ cho lực lượng lao động theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên ngành phát triển, lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.