Chuyện làm ăn

TP.HCM: Giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống còn 14,09%

Bích Ngọc 02/08/2023 11:30

Tỷ lệ thất thoát nước tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm giảm còn 14,09% so với kế hoạch năm 2023 đề ra là 17,90%. Để giảm tỷ lệ thất thoát nước, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp về kỹ thuật, đầu tư mạng lưới và công nghệ để rút ngắn lộ trình giảm thất thoát nước, góp phần cùng tổng công ty kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch trên địa bàn thành phố.

Năm 2023, SAWACO đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước còn 17,9%. Nhưng, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất thoát nước tính toán quy đổi về m3/ngày chỉ còn 14,09%, giảm 4,15% so với năm 2022 và giảm hơn 3,81% so với kế hoạch năm 2023.

Hiệu quả từ nhiều giải pháp

Cụ thể, tại Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, năm 2022 tỷ lệ thất thoát nước bình quân của đơn vị là 13,12%, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ thất thoát nước bình quân chỉ còn 5,63%. Tỷ lệ thất thoát nước của công ty mang tính bền vững vì đã được duy trì từ tháng 10/2022 đến hiện nay ở mức từ 5,05-5,6%. Đại diện Cấp nước Phú Hòa Tân cho biết, chỉ riêng tiền thu về do giảm thất thoát nước mang lại là hơn 10,6 tỷ đồng - tính theo giá mua sỉ nước sạch.

Ông Dương Văn Hòa - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình giảm thất thoát nước, dưới sự chỉ đạo của ban điều hành, toàn thể người lao động công ty đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, tìm kiếm các giải pháp để giảm thất thoát nước. Công ty đã đi đúng hướng trong việc giảm thất thoát nước bằng nhiều giải pháp hiệu quả, cả về lượng và chất với sự chủ động và đa dạng hơn trong cách làm.

2e3a0969-edit-20230730165456.jpg
Công nhân ngành nước thực hiện công tác dò bể

Theo đó, với thất thoát nước hữu hình, Cấp nước Phú Hòa Tân đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, làm giảm thất thoát nước, quản lý lưu lượng, áp lực đúng hướng, tăng cường công tác dò tìm và sửa bể. Đặc biệt là điểm bể ngầm tăng qua các năm cho thấy công ty đã chủ động hơn trong các giải pháp giảm thất thoát nước.

Bên cạnh đó, tập thể người lao động đơn vị cũng có nhiều giải pháp, sáng kiến được công nhận từ công ty và SAWACO trong việc hoàn thiện hệ thống phục vụ công tác giảm thất thoát nước trong điều kiện chi phí có giới hạn.

Còn tại Công ty CP Cấp nước Gia Định xác định, công tác giảm nước thất thoát là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu sống còn của công ty và phải được triển khai quyết liệt gắn liền trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. “Mục tiêu là tiếp tục duy trì tỷ lệ thất thoát nước lũy kế dưới 14% trong năm 2023. Để đạt mục tiêu đó, công ty đã rà soát, điều chỉnh và ban hành bổ sung các quy định đã ban hành có liên quan cho phù hợp hơn và tạo động lực cho người lao động. Nhất là triển khai đồng bộ các ứng dụng khoa học kỹ thuật, các ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty”, đại diện đơn vị này chia sẻ.

Tính đến tháng 6/2023 tổng số DMA (khu vực) đã thiết lập là 85 khu vực. Từ đó giúp xác định chính xác tỷ lệ thất thoát nước và định hướng cho các công tác giảm nước thất thoát thất thu. Công ty cũng cập nhật thường xuyên dữ liệu đồng hồ khách hàng và thông tin khách hàng theo tiến độ hoàn công gắn mới (trong 6 tháng đầu năm đã cập nhật được 276 địa chỉ gắn mới).

Phân vùng tách mạng, kiểm soát thất thoát nước

Hiện SAWACO cũng đẩy nhanh giảm thiểu thất thoát nước thương mại. SAWACO tiếp tục triển khai kế hoạch giảm khai thác nước ngầm để tăng lượng nước cấp cho khách hàng; giảm thiểu số lượng khách hàng sử dụng đồng hồ nước có hóa đơn từ 0-4m³. Tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy thay cho nước giếng. Có chính sách hỗ trợ người dân thực hiện trám lấp giếng ngầm chuyển sang sử dụng nước sạch.

Tỷ lệ đồng hồ nước 0-4m³ vẫn còn cao, chiếm khoảng 15,6% tổng số khách hàng, tập trung chủ yếu ở các quận huyện vùng ven, nguyên nhân là do người dân không sử dụng nước sạch và còn quen sử dụng nước ngầm.

Ngoài ra, việc thay mới đồng hồ nước cũng giúp cho công tác giảm thất thoát nước đạt kết quả tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác thay đồng hồ nước đã được các đơn vị quan tâm nhằm giảm thiểu lượng nước thất thoát do tình trạng đồng hồ đo đếm thiếu chính xác. Công tác kiểm tra, thay thế các đồng hồ hết niên hạn sử dụng, các đồng hồ chạy sai, nâng và hạ cỡ đồng hồ được triển khai thường xuyên và liên tục đã đóng góp đáng kể trong công tác giảm thiểu lượng nước thất thoát. Cụ thể, đã thay đồng hồ nước cỡ nhỏ 77.270 cái, nâng tổng số đồng hồ nước khách hàng hơn 1,5 triệu cái.

do-be.jpg
Gắn mới đồng hồ nước cho người dân tại huyện Cần Giờ

Bên cạnh đó, công tác tăng cường quản lý mạng lưới cũng được SAWACO chú trọng triển khai. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra mạng lưới cấp nước, phối hợp chính quyền địa phương cùng các sở ban ngành tuyên truyền đến người dân về hành lang an toàn ống cấp nước để tránh tình trạng gây hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước.

Cập nhật thường xuyên khai thác các dữ liệu phần mềm GIS trong công tác quản lý mạng lưới, quản lý tài sản, cập nhật thông tin khách hàng, cập nhật sự cố trên mạng lưới cấp nước, phân loại, xác định nguyên nhân bể, vật liệu ống, năm lắp đặt... để từ đó có kế hoạch cải tạo, sửa chữa kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Đắng - Phó tổng giám đốc SAWACO cho biết, với các đơn vị có tỷ lệ thất thoát nước giảm hơn so với kế hoạch năm 2023 cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tập trung duy trì tỷ lệ thất thoát nước. Riêng với đơn vị chưa đạt tỷ lệ theo kế hoạch, cần nỗ lực tập trung đẩy mạnh các giải pháp giảm thất thoát nước để đảm bảo đạt tỷ lệ được tổng công ty giao.

“Một đồng chi phí là một đồng lợi nhuận, nên việc giảm nhanh tỷ lệ thất thoát nước chính là làm tăng lợi nhuận rất lớn cho đơn vị. Mặt khác còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu”, ông Đắng cho biết thêm.

SAWACO cũng tiếp tục phân vùng tách mạng, kiểm soát thất thoát nước tại các DMA. Gắn đồng hồ đo lưu lượng điện từ dạng thanh trên tuyến ống bê tông D2000 Xa lộ Hà Nội để kiểm tra thất thoát nước sau nguồn nước ra của Nhà máy nước Thủ Đức.

Đối với các khu vực có số đấu nối lớn, các đơn vị chủ động nghiên cứu phân chia khu vực nhằm thuận lợi cho việc quản lý và vận hành giảm thất thoát nước.

Bích Ngọc