Sống khỏe

Người Việt thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới

Minh Huy 02/08/2023 09:20

Với tỷ lệ ước tính 218/100.000 dân, người Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất.

kham-benh.jpg

Với dân số gần 100 triệu người, số ca đột quỵ ở nước ta sẽ vào khoảng 200.000 ca mỗi năm. Dù vậy, số lượng đơn vị đột quỵ tại Việt Nam hiện tại rất đáng báo động.

Theo PGS. Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đơn vị đột quỵ đầu tiên bắt đầu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, cho đến nay sau 18 năm đã có 110 đơn vị đột quỵ (hoặc trung tâm đột quỵ) được thành lập trên toàn quốc. Trong khi nhu cầu cần trên 400 đơn vị/trung tâm.

Phần lớn đơn vị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh, thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.

Trong khi đó, cứ 1 đơn vị đột quỵ tại nước ta phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm, so với Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ.

Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Các báo cáo khoa học hằng năm cho thấy, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong nói chung, đây là một con số rất lớn trong điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.

Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.

Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.

Độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).

Minh Huy