Hơn 85.000 lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài trong 7 tháng đầu năm
Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 lao động (trong đó có 29.712 lao động nữ), đạt 77,47% kế hoạch năm.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, bởi đây là thị trường có điều kiện làm việc, thu nhập hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.
Cụ thể, Nhật Bản tiếp nhận 41.139 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 36.956 lao động, Hàn Quốc 1.799 lao động, Trung Quốc 1.024 lao động, Singapore 800 lao động, Hungary 802 lao động, Romania 537 lao động và các thị trường khác.
Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho chương trình kỹ năng đặc định số 2.
Theo đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam. Các lao động sau 3 năm thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội chuyển sang lao động kỹ năng đặc định ở lại lâu dài. Nhiều hiệp hội ngành nghề Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, liên kết với các trường đào tạo nghề ở Việt Nam để giúp người lao động thuần thục tay nghề trước khi xuất cảnh.
Không chỉ riêng Nhật Bản, đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500-2.000 USD/tháng.