Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp

Anh Khoa 24/07/2023 17:00

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cho thấy tính kiên định trong chính sách nới lỏng tiền tệ trở lại, như là giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, mục tiêu kéo giảm lãi suất và mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng được ưu tiên.

Kiên định nới lỏng chính sách tiền tệ

Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành vào các ngày 15/3, 3/4, 25/5 và 19/6/2023, với lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu giảm tổng cộng 1,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm 2%, trần lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 1,25%, không kỳ hạn giảm 0,5%, trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%, NHNN mới đây có thêm những động thái mới thể hiện sự kiên định trong nới lỏng chính sách tiền tệ.

ngan-hang.jpg

Cụ thể, hôm 10/7/2023, NHNN đã quyết định phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng lên gần chạm mục tiêu cho cả năm nay là 14%, sau đợt phân bổ lần 1 vào đầu năm với tổng mức tăng trưởng 11%. Việc phân bổ hết hạn mức mục tiêu ngay từ đầu quý III là khá sớm nếu nhìn vào những năm trước đây, nhất là khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm rất trì trệ, nhiều ngân hàng còn dư địa cho vay khi vẫn chưa sử dụng hết hạn mức trong lần phân bổ đầu tiên.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 97 yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm ít nhất từ 1,5 - 2%/năm áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Sau đó, đến lượt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có công văn gửi tới các tổ chức tín dụng hội viên, kêu gọi xem xét giảm lãi suất cho vay theo yêu cầu từ Chính phủ, đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác.

Đáng lưu ý là trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá, bên cạnh những điểm sáng, hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập như mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao, dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới, nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó, có thể thấy định hướng mở rộng tín dụng và kéo giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới.

Về phần mình, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, vì khi được tái cơ cấu nợ, doanh nghiệp mới đảm bảo đủ điều kiện tiếp cận các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

Có thể thấy, dù ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn đang duy trì neo lãi suất ở mức cao, thậm chí còn có thể tăng thêm, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có thể tăng lãi suất cơ bản USD trong cuộc họp vào tháng 7 này và tháng 9 tới, nhưng NHNN Việt Nam đã sớm quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại để hỗ trợ nền kinh tế, khi mà “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang nguy cấp hơn bao giờ hết.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có xấp xỉ 100.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là những tín hiệu cảnh báo quan trọng, phản ánh môi trường kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Trong nước đã khó khăn, tình trạng thiếu hụt đơn hàng của doanh nghiệp nước ngoài kéo dài từ quý IV/2022 đến nay, trong bối cảnh cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, có 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trong quý II/2023, giảm so với quý I/2023. Về xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 27,1% doanh nghiệp dự kiến đơn hàng tiếp tục giảm. Xu hướng này đã nói lên những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu.

Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng gặp khó, áp lực chi phí lãi vay vẫn rất cao, trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm, những giải pháp hỗ trợ lực lượng này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay được đặt ra như là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay cũng như trong giai đoạn tới.

Đáng lưu ý là theo thông tin mới đây từ Thống đốc NHNN, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, những gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Dù vậy, dư địa để giảm thêm lãi suất vẫn còn. Theo Ngân hàng Standard Chartered, NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 4% trong quý III/2023 - cũng là mức tương tự những năm đại dịch và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Còn Ngân hàng UOB dự báo lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023, trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá tác động.

Trong khi đó, về định hướng chính sách trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phải nắm chắc tình hình để lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt 4 công cụ có thể sử dụng gồm dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng cần đồng hành, chia sẻ, cảm thông với khách hàng, người dân và doanh nghiệp, các bên cần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang gặp khó khăn. Cần rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Anh Khoa