Doanh nhân xưa

Doanh nhân Mai Dị: Tiên phong thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc kinh doanh

Thanh An (tổng hợp) 23/07/2023 17:00

Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh phát động ở các tỉnh miền Trung đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người Việt về vai trò và tầm quan trọng của thương nghiệp trong công cuộc canh tân đất nước. Nhờ thế, nhiều hội buôn do người Việt thành lập đã xuất hiện. Trong đó, Hợp thương Diên Phong ở Quảng Nam do Mai Dị đồng sáng lập và điều hành là một trong những điểm sáng của phong trào canh tân đất nước này.

phong-trao-duy-tan.png
Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX

Mai Dị sinh năm 1880 trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Nông Sơn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của ông là Mai Luyện - một tú tài từng tham gia phong trào Cần vương kháng Pháp của thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu. Khi khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu bị thực dân Pháp dập tắt, Mai Luyện bị xử tội “chết không được lập bia”. Vì thế mà Mai Dị phải trải qua tuổi thơ không có cha, được thân mẫu là bà Huỳnh Thị Lý chăm sóc và cho ăn học thành tài.

Từ nhỏ, Mai Dị là người khẳng khái lại học rất giỏi nên được cụ Phan Chu Trinh đánh giá cùng với Phan Khôi là hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp Trường Đốc Quảng Nam, Mai Dị đi thi, đậu cử nhân ở tuổi 24 tại trường thi Thừa Thiên (1906) cùng với Nguyễn Bá Trác và nhiều cử nhân quê Quảng Nam như Lê Thích, Phan Vĩnh, Hoàng Dương, Cao Tường… Tuy nhiên, Mai Dị không ra làm quan mà về quê dạy học rồi tham gia phong trào Duy Tân đang lan rộng khắp các tỉnh miền Trung.

Mùa Đông năm 1906, khi Phan Chu Trinh từ Nhật trở về đã đến thăm các cơ sở Duy Tân tại Điện Bàn. Mai Dị cùng một số chí sĩ yêu nước đón cụ Phan và tham gia vận động thay đổi nhận thức về cách ăn mặc của người Việt.

Chịu ảnh hưởng từ các tư tưởng cải cách, canh tân của Phan Chu Trinh, Mai Dị là một trong những nhân sĩ đầu tiên của Quảng Nam hưởng ứng phong trào Duy Tân bằng việc tiên phong cắt tóc ngắn, vận Âu phục nhằm thay đổi những quan điểm của nhà Nho về phong cách ăn mặc trước sự thay đổi của thời cuộc. Với hành động ấy của Mai Dị, nhiều nhà Nho như Phan Khôi, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm theo. Không lâu sau đó, hàng trăm người cũng tham gia học theo họ.

hinh-1.jpg
Mộ cụ Mai Dị tại Điện Phước, Điện Bàn (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Cùng với thay đổi nhận thức trong ăn mặc, Mai Dị còn tiên phong thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc kinh doanh. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Xuân trong cuốn Phong trào Duy Tân, nhiều chí sĩ yêu nước trong Nam, ngoài Bắc đã đến nhà Mai Dị họp bàn lập hiệu buôn theo lời kêu gọi của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu: “Ngành buôn không chỉ thu hẹp trong tỉnh mà còn mở rộng ra tới Hà Nội. Công cuộc này khởi sự từ khoảng năm 1906, nhưng không rõ trước hay sau khi ông cử Dương Bá Trạc cầm đầu một phái đoàn từ Bắc vào thăm Quảng Nam theo lời mời của Trần Quý Cáp. Thời ấy vẫn có nhiều người từ Quảng Nam ra Bắc theo chân các ông Phan Sào Nam, Phan Chu Trinh… Phái đoàn do ông Dương Bá Trạc - một nhân sĩ có tiếng trong công cuộc Duy Tân và hoạt động chính trị ở Bắc thăm các cơ sở Duy Tân để rút những kinh nghiệm cho một công cuộc khác mà ta có thể đoán là Đông Kinh Nghĩa thục sau này”.

Sau khi thống nhất, các chí sĩ yêu nước đã thành lập Hợp thương Diên Phong mà theo miêu tả của Nguyễn Văn Xuân thì thương hội này có ảnh hưởng và danh tiếng rất lớn ở miền Trung: “Cơ sở gồm một nhà lầu rất bề thế, một nhà ngang dài và hai nhà nhỏ nấu cơm, ăn cơm và ngủ… Tại nhà lầu, có một phòng tiếp khách, chỗ làm việc, chỗ chứa hàng hóa. Hàng gồm những thổ sản thường buôn trong tỉnh do những ghe bầu vượt biển đi buôn các tỉnh khác hay mang xuống cho thương cuộc Hội An bán, có dụng ý tranh thương với người Trung Hoa. Những vải, sợi, đường, dầu phụng, đậu… chất ngổn ngang đến bên ngoài, gợi cho người dân sự làm ăn phát đạt, có tương lai vững chắc… Số nhân viên làm việc ở đây lên đến 40 người. Vì vậy, Diên Phong “là đầu não cho các thương cuộc trong tỉnh, cả nước chưa có thương hội nào lớn hơn” quy mô và phạm vi hoạt động của hợp thương khiến nhiều người phải gọi là “quốc thương” vì buôn bán ra đến tận Hà Nội”.

Ngoài công việc kinh doanh, Mai Dị còn cùng các chí sĩ yêu nước thành lập Trường Nghĩa thục Diên Phong nhằm truyền bá tư tưởng canh tân đất nước, chấn hưng dân khí mà theo Nguyễn Văn Xuân “là ngôi trường lớn nhất tỉnh và thực sự duy tân vì không có liên hệ với chính quyền và vì thế gây tiếng vang rộng lớn hơn cả”. Nghĩa thục Diên Phong bao gồm hai trường, một ở Hội thương phía sau ngôi nhà dài để buôn bán, tất cả đều mới cất bằng gạch ngói, ngôi thứ hai ở chùa (gần chợ Phong Thử cũ). Trường Diên Phong gây tiếng vang lớn hơn cả vì trước hết nó không phải là trường của chính quyền mà của tư nhân. Nó lại được dựng trên một khu vực lúc ấy cũng đang nức tiếng vì Thương hội Diên Phong cũng là thương hội lớn nhất của tỉnh thành lập tại Phong Thử, phủ Điện Bàn, quy mô to lớn, chắc chắn là toàn quốc vì lúc ấy chưa có thương hội nào lớn hơn. Giáo sư của trường ngoài Trần Quý Cáp còn có ông cử nhân Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài…

Việc kinh doanh của Hợp thương Diên Phong đang rất phát triển thì phải dừng lại khi phong trào chống thuế ở miền Trung năm 1908 bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Nhiều thành viên chủ chốt của Hợp thương Diên Phong bị bắt đi đày ở Côn Lôn hoặc bị xử chém. Mai Dị lúc bấy giờ đang ở Hà Nội cùng với Phan Khôi để mang bản “Đầu Pháp chính phủ thư” ra Hà Nội đưa lên toàn quyền Đông Dương đã bị chính quyền thực dân bắt giam rồi đưa về Quảng Nam xét xử.

Mai Dị bị kết án ba năm tù ở nhà lao Hội An, toàn bộ tài sản của Hợp thương Diên Phong bị tịch thu. Khi nghe tin con trai bị xử tội, bà Huỳnh Thị Lý liền viết đơn kiện lên Toàn quyền Đông Dương Bonhoure đòi xét lại tội của chồng và con trai bà. Trong đơn, bà viết: “Chồng tôi bị xử tước bỏ danh vị tú tài và bị quản thúc tại làng với lý do đã tham gia vào một hội buôn tại Hội An. Con tôi bị kết án ba năm tù và 100 trượng vì có quan hệ với ông Phan Duyện và vì mặc Âu phục vào chùa Sắc Tứ cùng rời khỏi tỉnh đi ra Bắc học khi chưa có phép của chính quyền. Về việc tham gia hội buôn mà quan công sứ và các quan đã cho phép thành lập, chồng tôi đã ghi tên, đóng 100 đồng bạc, nhưng chỉ mới đóng được 30 đồng. Mục đích duy nhất của chồng tôi khi góp tiền cho thương hội là mong có chút tiền lời mà thôi”. Nhưng chế độ thực dân không ngó ngàng đến tờ đơn của bà.

Sau khi mãn hạn tù, Mai Dị tiếp tục mưu cầu việc nước. Năm 1916, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo.

Ông đã bán một phần tài sản để đóng góp cho cuộc khởi nghĩa, vận động kinh tài và là người thay mặt vua Duy Tân thảo các hịch kêu gọi nhân dân đứng dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt ở Hà Nội, bị kêu án ba năm tù và đưa về giam ở nhà lao Hội An.

Sau khi ra tù, theo lời mời của Nguyễn Bá Trác, Mai Dị ra Huế tham gia viết sách. Nhận thấy việc viết sách phục vụ khai dân trí cũng là việc cần thiết nên ông nhận lời. Ông là đồng tác giả của Thừa Thiên đăng khoa lục, Thừa Thiên địa dư chí, Tự điển Hán Việt.

Mai Dị bị bệnh lao và mất ở Huế năm 1928 trong nỗi phẫn uất trước tình cảnh đất nước, được chôn trên núi Ngự Bình. Năm 1989, gia đình và chính quyền đã đưa ông về an nghỉ tại quê nhà.

Thanh An (tổng hợp)