Tin trong nước

TP.HCM: Đề xuất bổ sung 3 tuyến đường sắt đô thị vào quy hoạch

Minh Huy 22/07/2023 - 20:22

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết đang nghiên cứu bổ sung thêm 3 tuyến đường sắt đô thị và kéo dài một số tuyến khác vào quy hoạch.

metro.jpg

Theo các chuyên gia, ngoài hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị đã được quy hoạch, TP.HCM có thể bổ sung, kéo dài một số tuyến để tăng khả năng liên thông, kết nối toàn mạng lưới, tổ chức vận hành và khai thác hiệu quả.

Qua nghiên cứu, rà soát, các đơn vị đề xuất bổ sung thêm 3 tuyến đường sắt đô thị vào quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Tuyến đường sắt đô thị thứ nhất được đề xuất có tính chất kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (qua các nhà ga hành khách) về đến đến trung tâm thành phố và Thủ Thiêm, qua đó kết nối đến cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã quy hoạch.

Tuyến thứ hai là tuyến vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ, kết nối đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Tuyến còn lại có tính chất vận chuyển khách, kết nối giữa hai ga đầu mối đường sắt quốc gia là ga Thủ Thiêm và ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 28km bằng cách sử dụng một phần hướng tuyến trước đây được quy hoạch cho tuyến đường sắt một ray (monorail) theo đường Nguyễn Văn Linh.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để làm rõ, thống nhất một số nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị để báo cáo UBND TP.HCM xem xét, kịp thời cập nhật vào đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220km, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD. Đến nay, thành phố mới triển khai được hai tuyến là metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

Điều này có nghĩa là thành phố phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200km) trong 12 năm tới.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, đây là một thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi thành phố phải quyết tâm thay đổi hết sức quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá để hoàn thành.

Minh Huy