Sách và tôi

AI kể ai nghe?

Dương Tống (*) 21/07/2023 6:00

ChatGPT là công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) làm mưa làm gió từ cuối năm 2022. Với nhiệm vụ viết một câu chuyện ngắn về AI, ngoài cóp nhặt và tổng hợp thông tin, ChatGPT còn chứng tỏ sự thông minh của nó bằng câu kết luận: sự ưu việt của con người dù AI có mạnh mẽ đến đâu.

ai.jpg

Tại một thành phố nhỏ, có một chàng trai tên là A, anh ta sở hữu một trí tuệ nhân tạo được gọi là Rada với khả năng tự học và phân tích thông tin một cách nhanh chóng. A quyết định sử dụng Rada để giải quyết một vụ án bí ẩn trong thành phố.

Với năng lực vượt trội của mình, Rada đã thu thập thông tin, phân tích các mẫu dữ liệu và giải mã những manh mối rối ren. Cuối cùng, Rada đã phát hiện ra kẻ thủ ác là một người đàn ông trong vùng. Sau thành công đáng kinh ngạc này, A quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp người khác. Anh mở một công ty cung cấp dịch vụ sử dụng Rada để giải quyết các vấn đề phức tạp và tăng cường tư duy logic của con người.

Câu chuyện giúp ta nhận ra rằng, dù có trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ đến đâu, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và con người vẫn là vô cùng cần thiết để tạo ra những giải pháp đáng giá.

Câu chuyện trên không phải do tôi - Dương Tống viết, mà nó được viết bởi ChatGPT - công cụ AI làm mưa làm gió từ cuối năm 2022. Với nhiệm vụ viết cho tôi một câu chuyện ngắn về trí tuệ nhân tạo, ngoài cóp nhặt và tổng hợp thông tin, ChatGPT còn chứng tỏ sự thông minh của nó bằng câu kết luận: sự ưu việt của con người dù AI có mạnh mẽ đến đâu.

Trong quyển sách đầu tiên của mình - Kỹ năng bán hàng bất động sản trong kỷ nguyên mới (2023), tôi cũng đã thử sử dụng một vài đoạn mà ChatGPT viết về các vấn đề chung. Đây chính là thực trạng mà chúng ta dù muốn dù không cũng phải đối mặt - bắt tay với “người anh em” ngoài hành tinh AI.

Nếu Midjourney, Lensa cùng một số sản phẩm AI khác có khả năng sáng tạo nghệ thuật, chúng ta phê phán những công cụ này vì chúng tấn công vào nền tảng cơ bản nhất của xã hội hiện đại - quyền sở hữu trí tuệ, thì ChatGPT khiến con người lo ngại và lên án gay gắt không phải vì nguy cơ nó đủ thông minh để gây tội ác như các phim viễn tưởng, mà vì nó có khả năng tạo tác một nền văn hóa mới, hay thậm chí là hủy diệt nền văn minh mà nhân loại đã vất vả dựng xây.

ai-telling.jpg

Có thể bạn sẽ phản biện rằng, tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề, rằng chúng ta đã sống chung với AI bao lâu nay, từ máy in, TV đến phần mềm chỉ đường, theo dõi sức khỏe… Song chúng có một điểm chung là cần được vận hành bởi con người. TV không thể tự làm ra một bộ phim, máy in không thể tự viết nên một cuốn tiểu thuyết.

Nhưng bản chất của AI hiện tại thì khác, chúng có khả năng tự sáng tạo các ý tưởng. Khoảng cách giữa AI và con người ngày nay mong manh và duy nhất như khoảng cách giữa iPhone 7 và iPhone 8 (cơ bản chỉ khác nhau một điểm nhỏ ở ngoại hình).

Nếu ngẫm kỹ lại, bạn sẽ thấy văn minh nhân loại được tạo nên trước hết bằng những câu chuyện. Chúng là những viên gạch đầu tiên làm nên lịch sử, chính trị, tôn giáo, văn hóa… Chúng ta tri giác hiện thực qua lăng kính của truyền thống văn hóa. Sở thích, quan điểm sống của chúng ta được chi phối bởi phim ảnh, truyền thông. Cách chúng ta cư xử mỗi ngày đã sớm được định hình từ các câu chuyện cổ tích, từ những bài học qua các câu chuyện kể của gia đình…

Chính vì vậy, giá trị và sức mạnh của những câu chuyện là điều chúng ta không cần bàn cãi thêm nữa. Nhưng sẽ ra sao nếu loài người nhận thức thế giới qua lăng kính của AI? Điều gì xảy ra khi loài người tinh khôn (Homo Sapiens) chúng ta say sưa những câu chuyện mà AI kể? Kinh tế thế giới sẽ vận hành như thế nào dưới sự tiếp quản của những chủ tịch, giám đốc, quản lý AI?

Nói như Yuval Noah Harari: “Vũ khí hạt nhân không thể tự tạo ra vũ khí hạt nhân mạnh hơn nhưng AI có thể tạo ra AI mạnh hơn”. Thế nên đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ trước những biến động của thời đại. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động của mình.

AI hay cụ thể là ChatGPT “nghe” những câu chuyện của con người và kể lại chúng, vậy ai là người nghe lại những câu chuyện từ AI? Đó là những người dễ dãi với ngôn ngữ, “nghèo” vốn văn hóa và không có tư duy kể câu chuyện của cá nhân, doanh nghiệp. Tương lai có thể còn mơ hồ, nhưng tư duy cũ về con người, công việc và đời sống chắc chắc phải được đổi mới.

Nhiều người cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT và các công cụ tương tự sẽ sớm xóa sổ các công việc liên quan đến viết lách như nhà báo, người viết nội dung tiếp thị, quảng cáo… Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Trước khi có ngôn ngữ, chúng ta không hình dung được khả năng phóng chiếu tương lai hay dò tìm quá khứ của con người lại đi xa đến vậy và những nhà tiên tri, những nhà khảo cổ hay các dịch vụ chữa lành vẫn còn xa lạ.

Trước khi có Internet, chúng ta không tưởng tượng được những sàn thương mại điện tử, những lập trình viên hay những TikToker có thể gây ảnh hưởng xã hội như thế nào. Cho đến nay, khi AI có thể sản xuất ra văn bản, phải chăng con người cần tìm cách khác để tiêu thụ thông tin và sáng tạo các câu chuyện thay vì những con chữ được sắp xếp ngay ngắn trên bề mặt nhẵn. Vì vậy, những nghề nghiệp ấy sẽ không hoàn toàn mất đi, chúng chỉ biến chuyển, thay đổi và cải tiến, phát sinh những điều mới hơn để thích ứng.

Đề cập đến diễn ngôn và quyền lực của con người, từ thời Hy Lạp cổ, Plato đã cho rằng: “Those who tell the stories rule society” (tạm dịch: Những người kể chuyện là những người cai trị xã hội). Vì vậy, AI không cần phải có cảm xúc hay kiểm soát trực tiếp não bộ chúng ta, mà chỉ cần thông thạo ngôn ngữ của con người, kể những câu chuyện của con người để thống trị nhân loại. Để viễn cảnh ấy không xảy ra, hay chí ít là rất khó xảy ra, chúng ta cần ý thức tốt hơn về kỹ năng kể chuyện và những câu chuyện kể của mình.

Khởi từ những trăn trở ấy, tôi chấp bút viết quyển sách thứ hai - về kể chuyện, như một cách để bổ cứu cho “đứa con tinh thần” đầu tay của mình: bên cạnh kỹ năng, chúng ta cần có những câu chuyện kể. Dù rằng quyển sách tiếp theo này tập trung chủ yếu vào nghệ thuật kể chuyện trong tiếp thị bất động sản, nhưng hơn cả chính là hy vọng được góp đôi chút sức lực của mình vào hành trình giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong kinh doanh và đời sống của con người. Và tôi tin rằng, sức dư ba của những câu chuyện ý nghĩa là điều mà không trí tuệ nhân tạo nào có thể kiến tạo nên.

(*) CEO HomeNext

Dương Tống (*)