Tin trong nước

TP.HCM thu hút nguồn lực phát triển bệnh viện tư nhân

H.Ng 20/07/2023 19:00

Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN, TP.HCM tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch đồng thời khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân.

Theo chia sẻ của bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM tại buổi họp báo chiều 20/7/2023 nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch, TP.HCM đang thu hút nguồn lực để thúc đẩy bệnh viện tư nhân trên địa bàn phát triển.

toan-canh.jpg

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng đề án thu hút nguồn lực nhà đầu tư để gia tăng dịch vụ y tế thực hiện giảm tải, phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Thực hiện đề án này, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị đề xuất nhu cầu về thu hút nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư; vay vốn để đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, y tế cơ sở, cấp cứu ngoài bệnh viện, khu công nghiệp chuyên ngành y - dược; liên doanh, liên kết; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức làm việc tại bệnh viện tư; huy động nguồn lực y tế tư nhân; thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực y tế (vốn đầu tư FDI). Đồng thời, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng từ nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.

Cũng theo bà Quỳnh Như, hiện TP.HCM có 55 bệnh viện công lập, 66 bệnh viện tư (trong đó Bệnh viện Ngọc Phú và Bệnh viện Anh Minh đang chuyển đổi chức năng), 259 phòng khám đa khoa và khoảng 8.000 phòng khám chuyên khoa với 47.121 chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế TP.HCM cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bệnh viện và cơ sở y tế đã đón đến 18.900.328 lượt khám chữa bệnh (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó số lượt khám ngoại trú là 17.826.990 lượt, số lượt điều trị nội trú là 1.073.348 lượt. Đối với các đơn vị ngoài công lập, số lượt khám ngoại trú là 1.983.956 lượt (chiếm 11% tổng số), số lượt điều trị nội trú là 175.308 lượt (chiếm 16,3% tổng số).

le-thien-quynh-nhu.jpg
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo

Liên quan đến việc kiểm tra chất lượng dịch vụ các phòng khám, thẩm mỹ viện, bà Quỳnh Như cho biết TP.HCM đang mạnh tay hơn để siết chặt các sai phạm trong lĩnh vực này. Các cơ sở sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đình chỉ hoạt động cơ sở sẽ giao phòng y tế quận, huyện theo dõi giám sát việc chấp hành xử phạt của cơ sở. Các cơ sở tại một địa điểm có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, về phía y tế chỉ đình chỉ hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Các ngành nghề khác tùy theo hoạt động UBND hoặc sở ngành khác theo dõi quản lý.

Sau khi xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Y tế sẽ gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức để giám sát việc hoạt động hoặc đình chỉ của cơ sở.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có đến 6.489 cơ sở thẩm mỹ không do các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là các spa và chăm sóc da, phun xăm, cắt tóc, gội đầu, làm móng… Các cơ sở này hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 19 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (spa, chăm sóc da, thẩm mỹ viện, cắt tóc, gội đầu, phun xăm…) thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

H.Ng