Chủ tịch UBND TP.HCM: Không để chậm giải quyết thủ tục bất động sản nữa
Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 28/02/2021
Tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) năm 2021 hôm 27/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày những lý do khiến các dự án BĐS ở TP.HCM bị chậm giải quyết thủ tục trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo và chia sẻ với các DN cuối hội nghị - Ảnh: N.H. |
Theo ông Phong, những năm qua, UBND TP.HCM phải tiếp rất nhiều đợt thanh kiểm tra, chưa nói kiểm toán. Đơn cử như đoàn của Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án, đa phần là dự án BĐS. Như vậy, 164 dự án này phải dừng thực hiện các thủ tục vì phải tiếp và giải trình việc tham mưu để triển khai các dự án, dẫn đến ảnh hưởng hoạt động của DN.
"Hay các dự án liên quan đến việc thực hiện đầu tư hạ tầng theo phương thức xây dựng chuyển giao (BT). Hiện nay các dự án BT không còn triển khai nữa, các dự án BT đang thực hiện dở dang được chuyển sang thực hiện theo nghị định 69 năm 2019. Thế nhưng, TP.HCM đang triển khai thực hiện nghị định 69 rất khó khăn nên các dự án bị đình trệ. Đây là chuyện ngoài mong muốn", ông Phong chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, nếu không giải quyết kịp thời khó khăn của DN BĐS thì sẽ tác động đến thị trường BĐS và ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Do đó, trách nhiệm giải quyết khó khăn cho DN BĐS là trách nhiệm của UBND TP.HCM; giúp cho DN BĐS chính là giúp cho thành phố; tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS tức tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế.
Trên cơ sở các kiến nghị của DN, ông Phong giao Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở ngành và phía DN đang gặp vướng mắc để giải quyết từng vấn đề và có báo cáo UBND TP.HCM.
"Về 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao Giám đốc Sở KH-ĐT nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của thành phố các nội dung trên, chậm nhất đến ngày 15/4 phải xong. Những vấn đề nào xong triển khai ngay cho DN. Như vụ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng phải cho phép DN triển khai trở lại không để chậm nữa”, ông Phong nói.
Vụ 110 căn biệt thự của Hưng Lộc Phát là điển hình mà Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ |
Cũng tại hội nghị, nhiều DN vui mừng khi thời gian làm thủ tục đầu tư, pháp lý dự án được rút ngắn xuống còn 11 tháng, trong khi trước đây mất từ 3-5 năm. Thậm chí, có dự án mất hơn 10 năm mới có thể triển khai.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, cộng đồng DN đón tin vui vì UBND TP.HCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm 4 bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng.
Cụ thể, bước 1: Thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (35 ngày). Chủ trì là Sở Kế hoạch Đầu tư.
Bước 2: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (40 ngày). Chủ trì là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện.
Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất (20 ngày), hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (15 ngày) theo quy định của Luật Đất đai 2013. Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.
Bước 4: Thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư (35 ngày); thẩm định thiết kế cơ sở (20 ngày) và cấp phép xây dựng (20 ngày), Chủ trì là Sở Xây dựng. Đồng thời với thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (45 ngày). Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.