“Năng lực cạnh tranh mới trong thời đại số - Thích ứng linh hoạt”

Xu hướng - Ngày đăng : 08:48, 23/04/2020

Là chủ đề hội thảo do Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) tổ chức vào ngày 4/6/2020 tại TP.HCM.
“Năng lực cạnh tranh mới trong thời đại số - Thích ứng linh hoạt”

Tại Việt Nam, khái niệm năng lực thích ứng linh hoạt của tổ chức (OA) còn khá mới mẻ và thường bị nhầm lẫn hoặc đồng hóa với tính linh hoạt, nhưng theo khoa học quản trị đây là hai năng lực có sự khác biệt đáng kể. 

Bởi lẽ, sự linh hoạt trong kinh doanh thường được hiểu là khả năng, kỹ năng ứng biến hay thích nghi trước những "sự kiện, sự cố, sự thay đổi" sẵn có hoặc đã xảy ra, tức ở thế bị động. Gần đây, nhiều doanh nhân còn nhận định rằng, ngày nay không còn là thời đại của những con đại bàng, hàm ý những doanh nghiệp (DN) lớn với bộ máy cồng kềnh, cứng nhắc, khó thay đổi; mà là cuộc chơi của những con tắc kè hoa, tức những DN nhỏ với khả năng linh hoạt và ứng biến cao.

Tuy nhiên, OA đòi hỏi một chuỗi các kỹ năng, năng lực và hành động nhiều hơn thế. OA không chỉ đặt ra yêu cầu cao ở việc "thích nghi" nhanh với những tình huống bất ngờ, đặc biệt là các sự kiện không mong muốn (thay đổi tiêu cực), mà còn chú trọng đến việc "đi tắt đón đầu" những thay đổi tích cực hay xu hướng và xu thế mới trong thế chủ động.  

Vì thế, OA khuyến khích các nhà lãnh đạo nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng các phát kiến (innovation) và xác định các chiến lược quan trọng, chẳng hạn như chiến lược lấy khách hàng trọng tâm hay tập trung vào con người để chủ động "biến hóa" theo muôn vàn cách mà không bị xáo trộn bởi những nền tảng cốt lõi trong lộ trình phát triển của doanh nghiệp.

Lợi thế cạnh tranh của việc nâng cao năng lực OA có thể thấy rõ khi trên thực tế doanh nghiệp được trang bị năng lực này sẽ có khả năng "đón đầu" tốt hơn đối với những thay đổi lớn bất ngờ xảy đến - dù là tích cực (xu hướng, làn sóng kinh doanh mới...) hay tiêu cực (thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế...). 

Hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trẻ, do thiếu kiến thức quản trị và không được trang bị các năng lực cốt lõi dành cho các nhà lãnh đạo, thường chỉ dừng ở tính linh hoạt - có giá trị ứng phó với các tình huống nhất thời. 

Khi phải "đụng" đến những biến động, thay đổi có tính dài hơi và mang tầm chiến lược (như làn sóng số hóa, ứng phó dịch bệnh toàn cầu…), nền tảng kinh doanh của họ dễ bị mất cân bằng và phát sinh nhiều các vấn đề "ngoài tầm xử lý" (do không có sự chuẩn bị đón đầu từ trước). Cho nên, nếu chỉ có mỗi tính linh hoạt làm "vũ khí" thì không thể giải quyết triệt để tận gốc. 

Tuy nhiên, phát triển năng lực Agility của một tổ chức cũng gặp rất nhiều trở lực, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề như ở Việt Nam. Các trở lực đó bao gồm bộ máy tổ chức quan liêu làm chậm quá trình triển khai công việc, cơ cấu chính trị nội bộ phức tạp khiến cho khả năng đưa ra quyết định chậm chạp.

Đặc biệt, tính minh bạch trong việc xác định rõ quyền sở hữu của giải pháp, sự thiếu lòng tin của nhân viên vào ban lãnh đạo, gây mất đoàn kết giữa các đồng nghiệp đã gây ra khó khăn trong việc giao tiếp... Tất cả những điều này đều khiến cho OA không được phát huy sức mạnh.

Thực tế nhiều DN còn thiếu công cụ, nguồn thông tin đáng tin cậy để cập nhật năng lực này giữa bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển (làn sóng số hóa, cách mạng công nghiệp 4.0). Lúc đó, nghĩa vụ này lại càng trở nên cấp thiết. Đây là lý do để sự kiện được tổ chức.

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiểu được hai nhu cầu nóng bỏng trên của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, hội thảo tập trung hai nội dung chính là "Năng lực cạnh tranh mới trong thời đại số - Thích ứng linh hoạt (Agility)", tập trung trình bày các vấn đề có liên quan trực tiếp đến khả năng thích ứng của DN trong thời đại số.

Dựa trên các kết quả và nhận định từ báo cáo, hội thảo cũng sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt từ khía cạnh con người (nhân lực) để doanh nghiệp có thể tham khảo và áp dụng thực tế.

T.Minh