Thể chế là số 1
Thời sự - Ngày đăng : 01:04, 26/03/2019
Nhiều thủ tục rườm rà gây khó dễ cho doanh nghiệp đã được cắt giảm, nhưng không ít quy định về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn làm khó doanh nghiệp. Có những ngành tuy cắt bỏ một số điều kiện kinh doanh nhưng lại biến tướng sang các quy định về tiêu chuẩn tiếp tục hành doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Bộ Công Thương từng được nhắc đến là bộ tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng tới giờ vẫn chưa cải thiện được việc kiểm tra chuyên ngành gây khó cho doanh nghiệp. Hiện Bộ này vẫn để tình trạng kiểm tra lô hàng thì chọn sản phẩm tốt nhất, đắt nhất để lấy mẫu, lấy rồi không trả lại, hay đáng ra chỉ lấy đủ mẫu theo quy định thì cán bộ lại lấy nhiều hơn, vượt số mẫu cần thiết.
Trong khi đó, một văn bản có hiệu lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây lại gây tranh cãi. Cụ thể, Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT "ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam" có hiệu lực từ ngày 11/2 lại không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi, như thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn bèo tây, thân chuối... khiến cho tập quán chăn nuôi với thức ăn truyên thống có khả năng trở thành bất hợp pháp.
Các chuyên gia cho rằng, điểm bất hợp lý của Thông tư 02/2019 nằm ở chỗ áp dụng phương pháp quản lý "chọn cho", tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thay vì "chọn bỏ”, tức là được làm tất cả những gì luật không cấm. Các chuyên gia khuyến nghị, Bộ chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm lưu hành, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng.
Cách nay gần một tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một động thái khá hy hữu khi ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường trong các Thông tư 08, 09 năm 2018 của Bộ này, vốn mới có hiệu lực từ cuối tháng 10/2018.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại các Thông tư nói trên. Vài ngày sau, Chính phủ tiếp tục yêu cầu cần khẩn trương rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật bất cập, không phù hợp liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Do những bất cập, vướng mắc trong Thông tư 08, 09, ở thời điểm trước Tết nguyên đán, có tới 24.124 container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, trong đó nhiều container là nguồn nguyên liệu rất cần cho sản xuất, kinh doanh.
Trên thực tế, những quy định bất cập liên quan chỉ được giải quyết khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc, sau khi nhận được đơn cầu cứu của các doanh nghiệp. Đó là các quy định không giúp bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, mà lại gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chuyện "mất bằng lái xe phải thi lại" là ví dụ điển hình. Hay như trường hợp xử phạt đến 90 triệu đồng một người dân đi đổi 100 đô la Mỹ, nhưng lại phạt 200 nghìn đồng hành vi quấy rối tình dục. Những ví dụ như vậy nhiều tới mức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây đã phải truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, tránh việc vừa ban hành dư luận đã không đồng tình.
Luôn nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc nhở các bộ, ngành cần coi trọng công tác này. Gần đây nhất, tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ông nhắc lại "thể chế là số một" và trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng "ngâm lâu", giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần lưu ý các Bộ, cơ quan về những văn bản vẫn cài cắm công vụ, thủ tục, các Bộ trưởng phải tỉnh táo để chống tình trạng "gói ghém" lợi ích cục bộ vào nghị định, thông tư.
Rõ ràng, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, hoạt động của người dân, doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trong các lĩnh vực liên quan.