Lửa than hơn lửa rơm

Chân dung - Ngày đăng : 00:50, 16/06/2008

Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng Chủ tịch HĐQT Công ty mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) Huỳnh Kỳ Trân cũng nhận lời trò chuyện với chúng tôi...
Lửa than hơn lửa rơm

Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng Chủ tịch HĐQT Công ty mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) Huỳnh Kỳ Trân cũng nhận lời trò chuyện với chúng tôi. Vừa nhâm nhi tách trà nóng thoang thoảng mùi hoa hồng, ông vừa nói: “Tôi không ngại tiếp nhà báo nhưng rất ngại “được” báo chí quan tâm, kể cả khen ngợi. Ở đời, cây cao quá thì bị sét đánh, cây thấp thì bị bóng cây cao che khuất, cây vừa vừa là dễ sống. Vậy nên cứ lấy sự trung dung mà tồn tại, im lặng mà làm thì tốt hơn”.

“Tôi còn học thêm ngành hóa...”

* Nhưng đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, làm kinh doanh theo kiểu “mai danh ẩn tích” e không hẳn là phương sách tốt.

- Đúng vậy, nhưng cổ nhân có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Kinh doanh cũng như ra trận, phải biết lượng sức mình. Muốn phản công phải có thời cơ, muốn tấn công thì lực lượng phải đủ mạnh.

Nhiều năm qua, ngành hóa mỹ phẩm trong nước còn phát triển manh mún và gặp rất nhiều khó khăn, hội nhập kinh tế làm cho cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt. Không ít doanh nghiệp bị bầm dập. Nói vậy không có nghĩa bi quan vì trong thách thức cũng sẽ có nhiều cơ hội.

Với Thorakao, cơ hội của chúng tôi là tay nghề vững và sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhiều khách hàng trong và ngoài nước vẫn trung thành và tín nhiệm sản phẩm của Thorakao. Hơn nữa, mỹ phẩm làm bằng thảo dược thiên nhiên đang và sẽ là xu hướng được ưa chuộng.

Tuy nhiên, phương châm kinh doanh của chúng tôi vẫn là lượng sức mình, thà làm một hòn than cháy âm ỉ nhưng có sức nóng dai dẳng còn hơn làm một đống rơm cháy bùng lên rồi lụi tắt. Nhiều năm qua, tuy không quảng bá rầm rộ như các công ty khác nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo ổn định thị phần trong nước, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới và có thêm nhiều thị trường xuất khẩu.

Nhận Vương miện chất lượng vàng 2006 tại Luân Đôn, Anh. Cùng Chủ tịch HĐQT tổ chức BID Quản trị chất lượng của Tây Ban Nha (giữa) và vợ - Giám đốc điều hành Công ty Lan Hảo - bà Võ Thị Ánh Nguyệt

* Là người kế nghiệp một thương hiệu “chẳng ai thèm ngó” buổi ban đầu, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn đã nổi tiếng khắp Sài Gòn, cách làm nào của người đi trước khiến ông tâm đắc?

- Năm 1957, khi mẹ vợ tôi (bà Lan Hảo) mở xưởng sản xuất các loại kem dưỡng da mang tên Lan Hảo, thị trường đang tràn ngập mỹ phẩm ngoại (nhất là mỹ phẩm của Pháp) nên kem của Lan Hảo, vốn hoàn toàn làm bằng nguyên liệu thiên nhiên gồm trân châu, dầu thực vật, thạch cao, một số đông dược... mùi thuốc bắc thoang thoảng rất khó thuyết phục người mua, đem chào bán ở các chợ chẳng ai thèm ngó, thậm chí ký gửi cũng chẳng ai nhận.

“Cái khó ló cái khôn”, mẹ vợ tôi nghĩ ra cách tạo “nhu cầu ảo”. Mỗi ngày, bà cho con cháu, nhân công ra chợ hỏi mua kem Lan Hảo. Thấy có người hỏi, các sạp mỹ phẩm tò mò lấy hàng. Lô đầu rồi đến lô kế tiếp, người ta dùng thử, thấy tốt, người này giới thiệu người kia.

Kem Lan Hảo bắt đầu được tín nhiệm, người mua đông dần. Nhân đà đó, để mở rộng thị trường, bà thuê một chiếc ô tô nhỏ cho con, cháu đi bán rong suốt 4 năm từ các tỉnh miền Nam ra đến miền Trung. Sản phẩm của Lan Hảo trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và năm 1961, mẹ tôi tiến thêm bước nữa, thành lập công ty và nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm mới mang nhãn hiệu Thorakao như dầu gội đầu hoa hồng, xà bông thơm, nước bóng tóc parafin...

Chỉ trong vòng 8 năm, Lan Hảo đã có sáu chi nhánh ở miền Nam, một chi nhánh ở Campuchia và bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang các nước ở Đông Nam Á. Từ thành công của mẹ, tôi rút ra bài học: Là nhà sản xuất, không nên chỉ biết nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chất lượng mà còn phải biết cách tiếp thị, làm thương hiệu và bán sản phẩm.

* Hồi sinh Lan Hảo vào đúng thời kỳ hàng nước ngoài gửi về Việt Nam ồ ạt, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm, sản phẩm Thorakao lại bị đánh dạt, thị trường trở về số không, bước đột phá nào giúp Thorakao đi lên?

- Năm 1975, cả gia đình vợ tôi ra nước ngoài sinh sống, chỉ còn vợ chồng tôi ở lại. Lúc đó, toàn bộ hãng xưởng của Lan Hảo và thương hiệu Thorakao tàn lụi, thợ thuyền, con cháu cùng làm nghề phân tán mỗi người một nơi. Năm 1987, Nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư sản xuất, tôi xin nghỉ dạy ở trường Đại học Bách khoa TP.HCM và cùng vợ quyết định khôi phục lại nghề truyền thống gia đình.

Cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác trong buổi đầu đất nước mở cửa, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Kỹ thuật in ấn bao bì chưa hoàn hảo, khuôn mẫu toàn làm thủ công nên thô, nhất là thiếu nguyên vật liệu vì trong nước không có, hoặc có thì gặp cảnh ngăn sông cấm chợ, nhiều lúc chỉ thiếu vài ký nguyên liệu cũng phải ngưng cả qui trình sản xuất vì hàng gửi mua ở nước ngoài chưa về kịp.

Đã vậy, hàng sản xuất trong nước lại không ai đoái hoài vì mỹ phẩm ngoại gửi về nhiều. Tâm lý chuộng hàng ngoại của người dân là căn bệnh trầm kha không dễ chữa trị. Thorakao thêm lần nữa rơi vào tình cảnh một, hai tuần không bán được hũ kem nào.

Hai năm như thế trôi qua trong nặng nề, lo âu, có lúc cũng nản lòng nhưng trách nhiệm “kế thừa” và “bảo tồn” nghề truyền thống gia đình cùng với lời dạy của mẹ ngày nào: “Hãy hết lòng với thành quả do mình làm ra và coi đó như một công việc lâu dài thì sẽ có ngày hái quả ngọt” đã giúp vợ chồng tôi luôn động viên nhau tiến về phía trước.

Rồi cơ hội cũng đến khi năm 1989, nước Nga chuyển sang cơ chế thị trường, hàng mỹ phẩm Việt Nam, nhất là nước hoa được thị trường này ưa chuộng, Thorakao làm hết công suất cũng không đủ sản phẩm để xuất khẩu. Thị trường trong nước được mở rộng và sự cạnh tranh cũng bắt đầu manh nha khi các hãng mỹ phẩm nước ngoài rục rịch đầu tư sản xuất hoặc đem sản phẩm vào bán tại Việt Nam.

Tôi quyết định phải đầu tư nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới từ thảo dược như dầu gội trái nhàu, dâu tằm, dầu gội tỏi trị rụng tóc, kem sữa dê... để làm đa dạng sản phẩm, tạo thế đi đầu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Gặp gỡ đối tác tại Anh Quốc 2006

* Làm kinh doanh trong thời cơ chế bao cấp nặng nề, nghe nói không ít lần ông phải lao đao “ngậm bồ hòn làm ngọt”?

- Làm kinh doanh thời kỳ nào cũng có những khó khăn riêng, nhất là thời kỳ bao cấp, Nhà nước ít quan tâm đến doanh giới, người sản xuất lúc nào cũng trong tâm trạng phải đối phó với chính sách thiếu ổn định, không rõ ràng để tồn tại.

Nhiều người hôm nay là người làm ăn chân chính nhưng ngày mai lại bị quy chụp là làm ăn phi pháp, sai qui định nên lòng người thắc thỏm, bất an. Khi sản phẩm chưa có tên tuổi thì vất vả đi tìm thị trường. Khi được người tiêu dùng ưa chuộng thì bị làm giả, làm nhái. Đụng tới cái gì cũng gặp cơ chế, thủ tục rườm rà.

Chẳng hạn khi tôi sản xuất ra sản phẩm dầu gội đầu bồ kết thì ngay cả Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng chưa có bản chỉ tiêu nên cứ “quay” tôi vòng vòng, họ lấy tiêu chuẩn của miền Bắc vào những năm 50 để qui định (độ Ph là 7,7 trở lên). Tiêu chuẩn này thực chất cho ra sản phẩm chất lượng không tốt nên tôi chỉnh độ Ph xuống gần 6 (tiêu chuẩn tốt nhất của thế giới là 5,5 - 6). Kết quả là tôi bị phạt.

Lúc đó, tôi cười “chua xót” nói: “Nếu các anh phạt tôi chẳng khác nào phạt đứa con đang cố gắng phấn đấu tốt hơn”. May thay, hai năm sau có một cán bộ trong Chi cục đi công tác nước ngoài mang về một chai dầu gội, trên thành phần ở nhãn chai có ghi rõ độ Ph là 5,5 tôi mới được giải oan.

Rồi mỗi lần nhập nguyên liệu mới, tôi phải mất rất nhiều thời gian vì thủ tục rườm rà. Năm 1988, tôi nghiên cứu sản xuất ra kem nghệ nhưng thủ tục kéo dài đến 6 - 7 năm vẫn không được cấp bằng phát minh sáng chế mà chỉ được công nhận giải pháp hữu ích trong nước. Khi được cấp bằng sản xuất thì ở một số nước trong khu vực cũng bắt đầu xuất hiện sản phẩm kem nghệ. Vậy là từ người tiên phong sáng chế, tôi lại trở thành người đi sau so với quốc tế.

* Còn khó khăn hiện nay, thưa ông?

- Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh của các nước trong khu vực. Ở các nước như Singapore và Trung Quốc, người sản xuất bị cấm làm giả hàng trong nước, nhưng hàng của các nước khác bị làm giả thì Nhà nước phớt lờ. Chính vì vậy mà các nhãn hiệu mỹ phẩm có tiếng trên thế giới đều bị các nước này làm giả, làm nhái, trong đó có Thorakao.

Ngay cả một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Đông của chúng tôi cũng bị làm giả. Ở thị trường nội địa, khó khăn của chúng tôi là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, trong khi ưu thế về tài chính của các tập đoàn nước ngoài lại mạnh hơn, đầu tư cho quảng cáo nhiều hơn.

* Thế còn kế hoạch sản xuất dầu khuynh diệp Thorakao đã nghiên cứu thành công rất lâu, nhưng sao đến giờ vẫn chưa thấy ông trình làng sản phẩm này?

- Nhiều người hỏi tôi: Tại sao một kỹ sư điện tử lại có thể sản xuất ra các loại mỹ phẩm, một nghề vốn là nghề truyền thống của gia đình vợ? Thật ra, gia đình tôi từ đời ông cố, ông nội đều là lương y nên “chất dẫn” đó thấm trong tôi rất sớm. Ngoài việc học chuyên môn ngành điện, tôi còn học thêm ngành hóa, học y học cổ truyền, có bằng “lương y thừa kế” nghề truyền thống gia đình.

Hồi xưa, mỗi lần đi về vùng Đồng Tháp Mười, thấy rừng tràm bạt ngàn, người dân chưng cất tinh dầu tràm thô đem bán tôi cứ tiếc ngẩn ngơ, quyết nghiên cứu sản xuất bằng được loại dầu khuynh diệp từ nguồn tinh dầu này. Khi nghiên cứu thành công, tôi đi xin giấy phép sản xuất nhưng chặng đường nhiêu khê “đoạn trường” kéo dài suốt nhiều năm đến nay cũng chưa sản xuất được.

Lúc đầu, Sở Y tế bảo “Chứng chỉ y học cổ truyền thừa kế” của tôi không được sản xuất mà phải có bằng lương y. Tôi đi học lương y ở Trường Tuệ Tĩnh tại TP.HCM thì Sở bảo phải có bằng lương dược, khi có bằng lương dược thì Bộ Y tế lại yêu cầu phải có bằng... lương y quốc gia.

Khi có bằng lương y quốc gia thì lại có qui định lương y không được mở công ty, chỉ được làm cơ sở. Rốt cuộc tôi phải thuê một người thầy dạy ở khoa Dược đông y đứng tên nhưng thầy lại không có chứng chỉ hành nghề. Tôi quyết định quay ra làm cơ sở để ký hợp đồng hợp tác sản xuất với vợ tôi là Giám đốc Thorakao. Đến nước này tưởng chắc ăn nhưng khi xin giấy phép thì Phòng y tế quận bảo chứng chỉ và bằng cấp của tôi do Bộ Y tế cấp thì phải Sở cấp giấy phép.

Lên Sở thì lại được trả lời là đem chứng chỉ hành nghề Bộ cấp trả lại cho Sở để Sở cấp chứng chỉ khác phù hợp với giấy phép ở tầm cơ sở. Tôi mới quay lại cách sản xuất ở công ty bằng cách xin cho thầy tôi chứng chỉ hành nghề. Tưởng là xong nhưng rốt cuộc lại nhận thêm yêu cầu các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải hoàn tất quy trình G.M.P (thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm) thì mới được cấp phép cho sản xuất!

Một đời người chỉ có 60 năm làm việc và khoảng 23 - 53 tuổi là thời gian làm việc tốt nhất. Vậy mà cuộc đời tôi, vì muốn theo đuổi một sản phẩm chính ngạch do mình làm ra đã phải mất trên 10 năm mà vẫn chưa thực hiện được ước mơ. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng.

* Có người nói ông có nhiều “điểm tựa” vì gia đình có “gốc rễ”, những lúc “khó” ông có xem đó là chỗ dựa?

- Tôi có nhiều mối quan hệ mà những lúc khó có thể coi đó là điểm tựa hoặc có thể giúp tôi đi tới đích bằng những con đường ngắn nhất. Nhưng tôi thích làm việc và đi lên bằng chính đôi chân của mình, không muốn đi tắt hoặc phải lệ thuộc vào bất cứ sự tác động nào. Tuy nhiên, trên bước đường sự nghiệp, tôi cũng có rất nhiều bạn bè tốt, những người thầy đáng kính ở một số cơ quan Nhà nước đã động viên, hướng dẫn và giúp đỡ tôi những lúc khó khăn, bế tắc. Và tôi rất biết ơn họ.

* Từng đi nhiều nước, điều gì khiến ông phải suy gẫm và trăn trở khi nhìn về đất nước?

- Suy gẫm, trăn trở về những cái còn yếu, còn thiếu của đất nước thì nhiều. Song, đó cũng là hạn chế tất yếu của một đất nước đang trong thời kỳ quá độ và tôi tin một ngày không xa chúng ta sẽ không còn thua kém các nước. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là ý thức của người Việt Nam trong việc ủng hộ hàng trong nước chưa cao như một số nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở Nhật, có những sản phẩm sản xuất theo dạng thủ công cổ xưa như loại giấy wasapi (tương tự vải thổ cẩm của ta), tuy không còn giá trị về kinh tế nhưng nó vẫn được sản xuất nhiều và được người dân ủng hộ vì tinh thần dân tộc và ý thức bảo tồn các sản phẩm truyền thống của người dân nước họ rất cao.

* Ông có vẻ ít mặn mà với các giải thưởng và danh hiệu dành cho doanh nhân, ông nghĩ gì về người làm kinh doanh đang được tôn vinh?

- Làm doanh nhân không sướng và đơn giản như cái nhìn của xã hội đối với vẻ bề ngoài của họ. Họ luôn phải chịu áp lực, căng thẳng từ đủ mọi phía, thậm chí có người còn bảo: Doanh nhân thấy cái đèn soi ếch cũng sợ, phải thầm lặng chịu đựng cả những điều oan sai vì phản ứng thì sợ bị để ý, bị gây khó khăn, ác cảm.

Chính vì vậy, tôn vinh doanh nhân cũng là cách để động viên họ làm tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Không chỉ doanh nhân mà bất cứ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng đáng quý, cũng cần được tôn vinh nhưng phải dựa trên tiêu chí, chuẩn mực nào? Nếu chỉ dựa trên tiêu chí doanh thu để tôn vinh thì chưa hợp lý và công bằng.

Chẳng hạn, một người kinh doanh theo phong trào, gặp thị trường đang có nhu cầu, doanh số tăng cao là lẽ đương nhiên. Trong khi có những doanh nghiệp mà ngành kinh doanh của họ đang bị cạnh tranh quyết liệt hoặc sản xuất ra những sản phẩm tiêu biểu, có những ý tưởng kinh doanh mới, độc đáo, đi tiên phong, có sáng tạo khoa học kỹ thuật mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lĩnh vực của họ còn mới nên chưa tạo ra doanh thu cao hoặc đang trong tình trạng khó khăn mà không được tôn vinh thì không thuyết phục.

* Có nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài đến thương lượng mua lại thương hiệu Thorakao hoặc đề nghị liên kết, hợp tác nhưng tại sao ông từ chối?

- Tôi đã nhận ra sai lầm và thất bại của một số đồng nghiệp khi bán thương hiệu của mình cho các tập đoàn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết. Các công ty nước ngoài có kinh nghiệm làm ăn, lại có lợi thế tài chính. Nếu chỉ nhìn vào những lợi nhuận trước mắt họ đưa ra để thuyết phục mà chấp thuận thì vô tình mình đang bán chính mồ hôi, công sức của gia đình, bản thân với giá rẻ và sẽ phải nuối tiếc suốt đời.

Ở nước ngoài, đa số các tập đoàn phát triển thành công đều từ công ty gia đình, tại sao Việt Nam lại không thể? Nhiều công ty nước ngoài khi đến đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam thường tỏ thái độ kẻ cả, xem thường nên có lần tôi trả lời thẳng: “Tôi thà làm đầu gà trong công ty của tôi còn hơn làm đuôi voi cho các ông”.

* Điều gì khiến ông tự hào nhất: Sự thành đạt của bản thân, con cái, thành công của Thorakao hay một gia đình hạnh phúc?

Cùng vợ du lịch Pháp 2006

Không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, ông đưa tôi đến phòng truyền thống của công ty, nơi đang trưng bày rất nhiều bằng khen, giấy khen của Thorakao, cả những cúp vàng tiêu chuẩn chất lượng được các nước Anh, Ý, Pháp trao tặng. Ông nói với ánh mắt tự hào: “Bà xã tôi hiện đang ở Mỹ để nhận thêm một cúp vàng chất lượng do tổ chức Business Initiative Directions (B.I.D) trao tặng, vài ngày nữa sẽ về”.

Nhìn bức ảnh phóng to của vợ chồng ông treo ở phòng làm việc, ánh mắt trìu mến, nụ cười tươi, rạng rỡ của hai người và đặc biệt, nét đôn hậu, đằm thắm của người vợ, tôi cảm nhận trong niềm tự hào của ông về thương hiệu Thorakao có sự ấm áp, hạnh phúc và niềm tự hào về một gia đình mà ông tự nhận: “Không có nó sẽ không có Thorakao hôm nay. Đó chính là động lực, là chất men xúc tác cho những nghiên cứu thành công của tôi”.

LỮ Ý NHI