Thương hiệu “du kích”

Phong cách sống - Ngày đăng : 00:38, 16/06/2008

Có thể trong nỗ lực gây chú ý, các chủ nhân tự tạo cho quán của mình những kỷ lục hoặc đặc điểm để marketing kiểu như “mới lạ”, “khác biệt”, “lần đầu tiên ở VN”, “duy nhất ở VN”...

Giữa Sài Gòn lúc này, chuyện một cái quán nhỏ xíu ra đời không có gì đáng để nói. Có thể trong nỗ lực gây chú ý, các chủ nhân tự tạo cho quán của mình những kỷ lục hoặc đặc điểm để marketing kiểu như “mới lạ”, “khác biệt”, “lần đầu tiên ở VN”, “duy nhất ở VN”..., song những dòng tin trên báo sẽ bị phủ lấp rất nhanh khi điểm kinh doanh đó thật sự không có gì đặc biệt.

Nhưng khi đến Kool Beer Store(*), tôi có cảm giác hơi tiếc là mình đã không đến sớm hơn và mô hình này nên xuất hiện sớm hơn trên thị trường. Đây chỉ là một quán bán bia, song lại giới thiệu cho khách hàng một cung cách uống bia khác với hàng vạn quán xá đang có.

“Có ba lý do để chúng tôi ra đời. Một, thị trường VN bị “bao vây” bởi Heneiken và một vài nhãn hiệu hiếm hoi khác. Khách hàng bị áp đặt và mất sự lựa chọn đến nỗi cứ tưởng bia là chỉ bấy nhiêu thôi. Chúng tôi muốn tạo một cơ hội cho các nhãn bia khác và đặc biệt là mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn. Hai, khách hàng VN không có chỗ uống bia một mình. Bao giờ uống bia cũng đồng nghĩa với chuyện phải tụ tập và “gầy độ” nhậu. Ba, khách hàng VN không có chỗ để chỉ uống một chai bia” - các chủ nhân của Kool Beer Store nói.

Quán nhỏ, chỉ có khoảng 40 chỗ ngồi, theo phong cách Tây từ bàn ghế đến cung cách uống bia cho khách, đang bán khoảng 100 loại bia nhập từ nhiều nước khác nhau, khách hàng có thể lựa chọn theo ý thích.

Quán chủ định xuất hiện ở những khu vực nhộn nhịp, khá dễ nhân rộng và hầu như chắc chắn sẽ được đón nhận bởi đáp ứng đúng “insight” của một bộ phận khá đông khách hàng ngày nay... Vì vậy, theo dự kiến, sau quán đầu tiên, Kool Beer Store sẽ được nhân rộng nhanh chóng.

Gần đây, có thể cảm nhận rất rõ một phong thái “bước ra thị trường” khá mới của một lớp doanh nhân VN, nhất là thế hệ trẻ và khá trẻ. Không còn vẻ chật vật, lúng túng với những câu hỏi kiểu như “thương hiệu là gì?”, “tôi muốn làm nhưng chưa biết làm thế nào?”, “làm sao để tạo sự khác biệt”...

Cũng không còn kiểu “học lóm” một cách máy móc, vụng về từ người khác, mà “tung” ra ngay những ý tưởng, thương hiệu mang phong cách mới lạ, trong sự tự chủ, tự tin về cách làm và sức thuyết phục của mình. Đặc biệt, những thương hiệu mới này không còn phải loay hoay trong dáng vẻ, màu sắc “nhà quê”, mà rất ra dáng phố thị và cung cách quốc tế, đủ để tạo sự hấp dẫn và không cần phải trả lời câu hỏi “khách hàng của anh là người Việt hay nước ngoài”...

“Không ai đủ lớn để phủ kín hết thị trường”, nên cho dù trong “cuộc chiến thương hiệu” ở qui mô lớn, hầu như các thương hiệu khổng lồ của các tập đoàn đa quốc gia đang ra sức chiếm lĩnh, thì thị trường VN vẫn còn rất nhiều “đất” cho sự sáng tạo.

Khi chưa đủ sức cho những cuộc “đối đầu” trực diện, phương pháp “du kích” với những mô hình kinh doanh nhỏ, linh hoạt nhưng có đủ sức mạnh và “vũ khí” hiện đại cùng cung cách kinh doanh quốc tế là con đường xây dựng thương hiệu của các doanh nhân trẻ VN.

Chính họ cũng góp phần xóa đi một “mặc cảm” lâu nay của người tiêu dùng là: Phải “chịu đựng” sự bủa vây của các thương hiệu quốc tế lớn đã đành, ngay cả những hàng quán nhỏ hay hay, hỏi ra cũng đều là của các chủ nhân không phải người Việt.

(*) Điểm đầu tiên của Kool Beer Store tại 177 Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM, phía quảng trường Quách Thị Trang

HOA PHẠM