Hội nghị thượng đỉnh G20: Những toan tính riêng

Quốc tế - Ngày đăng : 09:53, 08/04/2009

Hội nghị G20 vẫn được kỳ vọng là có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, ít nhất là thay đổi được tình cảnh bi đát hiện tại. Tuy nhiên, hội nghị này cũng chỉ có thể nêu lên những cam kết không cụ thể. Mặc dù vậy, đối với nhiều quốc gia, đây là thời điểm để đặt ra vấn đề thay đổi cơ cấu quyền lực trên thế giới, vốn nằm trong tay Hoa Kỳ và nhiều nước Tây phương.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Những toan tính riêng

Hội nghị G20 vẫn được kỳ vọng là có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, ít nhất là thay đổi được tình cảnh bi đát hiện tại. Tuy nhiên, hội nghị này cũng chỉ có thể nêu lên những cam kết không cụ thể. Mặc dù vậy, đối với nhiều quốc gia, đây là thời điểm để đặt ra vấn đề thay đổi cơ cấu quyền lực trên thế giới, vốn nằm trong tay Hoa Kỳ và nhiều nước Tây phương.


Trật tự tiền tệ hay trật tự quyền lực mới? 

Trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại London (2/4), Trung Quốc trực tiếp đả kích vị trí thống trị của đồng tiền Mỹ nhằm áp đặt một trật tự kinh tế và tài chính quốc tế mới. Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên kêu gọi thay thế USD ở vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới và để cho nhân dân tệ tham gia vào rổ tiền của quỹ IMF. Rổ tiền đó được gọi là “quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) đã được thiết lập từ năm 1969, hiện chỉ bao gồm USD, euro, yen và đồng bảng Anh.

Lợi ích riêng của những nước lớn không đem lại sự đồng thuận cho G20

Thay thế cho đồng USD trong vai trò phương tiện thanh toán chung cho toàn cầu phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng tiền này có thể sụp đổ trong khủng hoảng kinh tế. Giới phân tích cho rằng, ý đồ muốn “hạ bệ” vai trò của USD trên trường quốc tế cho thấy Trung Quốc thực sự muốn áp đặt một trật tự kinh tế và tài chính quốc tế mới. Nhưng không riêng gì Bắc Kinh mà cả Nga, một số quốc gia ở châu Mỹ La tinh, IMF cũng như một số các chuyên gia kinh tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc cũng đang tính đến khả năng giới hạn vai trò ngoại tệ dự trữ của USD. Mối lo ngại này dấy lên khi nợ của chính quyền Liên bang trong tài khóa 2009 -2010 có nguy cơ vượt quá mức 10% tổng sản phẩm nội địa. Điều khiến giới quan sát lo ngại nhất là trong kịch bản cực kỳ đen tối, tức là nếu như khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng hơn nữa khiến chính phủ Mỹ không có khả năng thanh toán. Hoặc có thể Chính phủ Mỹ in thêm tiền, cố ý tạo ra lạm phát để giảm nhẹ mức nợ...

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời cơ thuận lợi để cộng đồng quốc tế tính đến một loại ngoại tệ dự trữ bao gồm nhiều đơn vị tiền tệ. Tuy nhiên, tại hội nghị G20, hầu hết các nhà phân tích đều quan niệm là đơn vị tiền tệ của Mỹ vẫn tiếp tục thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế trong một thời gian dài. Đơn giản là do Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới, chính quyền Mỹ sẽ bảo vệ đồng tiền của họ đến cùng.
Cho dù như vậy nhưng bạc xanh của Mỹ không còn độc quyền làm mưa làm gió như trước. Khi mà hệ thống ngân hàng tài chính Mỹ sụp đổ, thế thượng phong của USD cũng suy yếu theo. Trọng tâm kinh tế của thế giới bắt đầu nghiêng về phương Đông mặc dù tiến trình hạ bệ USD là một con đường còn rất dài. Người ta còn nhớ là USD đã mất gần nửa thế kỷ để thay thế vai trò thống trị của đồng bảng Anh.

Hoài nghi bảo hộ mậu dịch 

Hội nghị G20 tại London sẽ quyết định việc có ngăn chặn được xu thế bảo hộ mậu dịch đang lan rộng đến mức báo động hay không. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 17 trong số 20 thành viên G20 đã thông qua những biện pháp “áp đặt hạn chế trao đổi thương mại bất chấp các nước khác”. Chỉ có ba nước không bị tố cáo là Nhật Bản, Ả Rập Xê út và Nam Phi. Nhóm các quốc gia phát triển trong G20 như Đức, Úc, Canada, Mỹ, Pháp, Ý, Anh Quốc, Liên hiệp Châu Âu chủ yếu tiến hành các trợ cấp cho lĩnh vực công nghiệp, ví dụ bơm tiền cho công nghiệp xe hơi. Trong khi đó, các nước đang phát triển trong G20 như Achentina, Brasil, Mexico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, thì nâng mức thuế hải quan.

Theo giới chuyên gia, trong thời buổi khủng hoảng, các quốc gia đều có xu hướng đưa ra những biện pháp ngăn cản tự do mậu dịch và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều quốc gia đã thực thi các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, làm cho khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn dẫn đến một cuộc “Đại suy thoái” toàn diện.

Các nước G20 chiếm tới 80% thương mại thế giới nên sẽ có tiếng nói quyết định tới xu hướng mậu dịch thế giới. Theo ông Philip Levy, thuộc Học viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, các thành viên G20 phải nói một cách chính xác tại sao họ phải tránh tiến hành bảo hộ mậu dịch. Thế nhưng, điều này sẽ đi ngược lại hành động của rất nhiều thành viên G20. Ông Peter Morici, giáo sư đại học Maryland, nguyên là kinh tế gia thuộc Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho rằng không ảo tưởng vào G20 vì thể chế này không có những biện pháp để thúc ép các nước thành viên, nếu họ không tôn trọng các cam kết đã ký. “Một vài tuyên bố chung chung được đưa ra, cảnh báo các hoạt động bảo hộ mậu dịch và kêu gọi các nước phối hợp các biện pháp chống khủng hoảng. Các tuyên bố này chẳng mang lại điều gì cả, nhưng dù sao cũng vẫn tốt khi mà lãnh đạo cộng đồng quốc tế họp lại với nhau trong một hội nghị thượng đỉnh”. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có cuộc gặp riêng bên lề hội nghị G20 và đưa ra những cam kết mạnh mẽ về chống chủ nghĩa bảo hộ. Hai bên đồng ý thiết lập “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung” để cùng nhau hỗ trợ kinh tế thế giới phục hồi cũng như củng cố lại hệ thống tài chính thế giới.

Lãnh đạo G20 quyết định bắt đầu công cuộc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế với cam kết xiết chặt các quy định trên các quỹ đầu cơ, gia tăng vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng như công bố danh sách đen các thiên đường trốn thuế. Tuy nhiên, việc kích thích kinh tế bằng các biện pháp chi tiêu công chỉ được đề cập đến một cách mơ hồ. Ngoài quyết định tăng vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có thể huy động đến 750 tỷ USD, để chu cấp cho các quốc gia bị khủng hoảng, G20 cũng thông qua một kế hoạch yểm trợ tài chính cho mậu dịch quốc tế, dự trù lên đến 250 tỷ USD.

LAM HÔNG